Từ cú tát trong photobooth đến chuẩn mực trong không gian đa văn hóa

19/07/2025 - 06:48

PNO - Chúng ta học cách tự đứng lên, bằng tư thế của một xã hội văn minh, không cúi đầu, không quá tay, nói rõ tôn trọng là điều không thể mặc cả.

Một cú đánh trong không gian khép kín của tiệm photobooth đã chạm tới lòng tự tôn của rất nhiều người Việt Nam. Đặc biệt là khi nó đến từ một người nước ngoài, trong vai trò một nhân viên công ty Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Sự việc không chỉ là một vụ va chạm cá nhân. Nó là phép thử về đạo đức cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, là tấm gương phản chiếu về mối quan hệ giữa con người và con người, bất kể quốc tịch, trong một thế giới ngày càng hội nhập nhưng cũng đầy dễ tổn thương.

Chúng ta có thể tạm gác lại cảm xúc phẫn nộ để nhìn vào câu chuyện một cách tỉnh táo. Công ty Segyung Vina - đại diện pháp nhân của Segyung Hitech tại Việt Nam - đã có động thái được cho là nhanh chóng: xin lỗi công khai, cam kết sa thải nhân viên, liên hệ với người bị hại và ban hành quy tắc ứng xử cho toàn bộ nhân viên người Hàn. Đó là phản ứng cần thiết. Nhưng cũng là điều tối thiểu mà một doanh nghiệp có trách nhiệm cần làm. Nhất là khi sự cố không chỉ gây tổn thương cho cá nhân nạn nhân, mà còn tổn hại đến hình ảnh quốc gia, niềm tin vào sự tôn trọng trong môi trường đa văn hóa.

Bài đăng xin lỗi trên Fanpage của Segyung Vina Yên Phong
Bài đăng xin lỗi trên Fanpage của Segyung Vina Yên Phong (Ảnh: Fanpage công ty)

Nội dung thư xin lỗi của Công ty Segyung Vina (Ảnh: Fanpage công ty)
Nội dung thư xin lỗi của Công ty Segyung Vina (Ảnh: Fanpage công ty)

Vụ việc này không phải là lần đầu tiên một công dân nước ngoài có hành vi thiếu kiểm soát tại Việt Nam, nhưng phản ứng dư luận lần này đặc biệt mạnh mẽ. Vì đây là thời điểm mà người trẻ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Gen Z vốn luôn ý thức sâu sắc về quyền cá nhân và lòng tự trọng dân tộc đang đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đang sống trong một xã hội nơi người nước ngoài được “ưu tiên” hơn về sự tha thứ, hay đã đến lúc cần đặt ra tiêu chuẩn ứng xử công bằng không phân biệt quốc tịch?

Thái độ hung hãn nơi công cộng, xuất phát từ một người đến Việt Nam với tư cách chuyên gia, dù ngoài giờ làm, cũng không thể được xem là hành vi riêng tư. Vì người ấy không chỉ là một cá nhân, họ mang theo hình ảnh của quốc gia mình, và cả uy tín của tổ chức đang đại diện. Và công ty mà họ đang làm việc cũng không thể thoái thác trách nhiệm bằng cách viện dẫn “ngoài giờ làm việc.” Đó là thời điểm để nhìn nhận rằng: đạo đức nghề nghiệp không kết thúc khi rời khỏi văn phòng. Ứng xử văn minh là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ ai đặt chân đến đất nước này, không phân biệt là nhà đầu tư hay khách du lịch.

Tuy nhiên, thay vì để cảm xúc dân tộc chủ nghĩa lấn át, chúng ta cũng cần soi chiếu vấn đề này trong bối cảnh lớn hơn. Việt Nam là điểm đến đầu tư của hàng ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc, là nơi hàng triệu người Việt đang làm việc dưới sự quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của người nước ngoài. Quan hệ Việt - Hàn là một trong những mối quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế - văn hóa quan trọng nhất trong khu vực. Vì vậy, phản ứng trước sự việc không thể dừng lại ở phẫn nộ hay làn sóng tẩy chay, mà cần được định hướng bằng sự tỉnh táo, kèm theo một thông điệp rõ ràng: Chúng tôi hiếu khách, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ dễ dàng thoả hiệp với mọi thứ.

Sự lên tiếng của công ty Segyung Vina là bước đi đáng ghi nhận, nhưng điều công chúng mong chờ hơn là việc thực thi thực chất - không chỉ dừng lại ở truyền thông. Không chỉ là một bản thông cáo báo chí, mà là một lời cam kết được giám sát thực sự. Không chỉ là sa thải một cá nhân, mà còn là củng cố lại văn hóa doanh nghiệp, nơi giá trị con người được đặt ngang bằng - bất kể quốc tịch.

Sau sự việc này, có lẽ điều đáng mừng nhất là nhận thức công dân của người trẻ Việt đang ngày càng lớn mạnh. Họ không im lặng. Họ không dễ bỏ qua. Họ biết dùng mạng xã hội không chỉ để lan truyền phẫn nộ, mà để đòi hỏi sự minh bạch. Và đó là nền tảng cho một xã hội dân sự đang lớn lên từng ngày, nơi công dân không chỉ đòi hỏi sự tử tế từ người khác, mà còn biết đặt ra giới hạn để bảo vệ chính mình.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI