Học sinh không chịu học, giáo viên toán cho nghỉ gần 3 tuần

21/07/2025 - 06:01

PNO - Nam sinh “không thích học môn toán” nên bị giáo viên ra phòng giám thị ngồi trong khoảng 3 tuần. Sự việc kéo dài nhưng hiệu trưởng không nắm thông tin.

Phản ánh tới Báo Phụ nữ TPHCM, phụ huynh và giáo viên Trường THCS Thanh Đa (phường Bình Quới, TPHCM) cho biết, thầy T.C.D. đã vi phạm kỷ luật giảng dạy. Vào cuối học kỳ II (năm học 2024-2025), thầy C.D. cho học sinh T.G. - lớp 7A2 ra khỏi tiết dạy của mình ngồi ở phòng giám thị nhiều tuần liền. Điều này khiến kết quả học tập của em này trong học kỳ II giảm sút. Điểm tổng kết môn toán giảm từ 4,7 ở học kỳ I còn 3,6 trong học kỳ II. Sự việc kéo dài nhưng hiệu trưởng nhà trường không nắm thông tin.

Trường THCS Thanh Đa (phường Bình Quới, TPHCM)
Trường THCS Thanh Đa (phường Bình Quới, TPHCM)

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, thầy C.D. xác nhận bản thân nóng vội trong việc xử lý học sinh. Theo thầy, nam sinh T.G. không chịu làm bài tập, không học bài, nói với giáo viên “không thích học môn toán”.

“Tôi đã mời phụ huynh lên trao đổi nhưng phụ huynh cũng không hợp tác và đồng ý với việc cho cháu ra khỏi tiết học toán. Vì không muốn ảnh hưởng tới những học sinh khác nên tôi đã cho T.G. ra phòng giám thị ngồi trong khoảng 3 tuần và vẫn yêu cầu em vào lớp khi có bài kiểm tra. Cái sai của tôi là đồng ý cho học sinh ra khỏi lớp và không báo ban giám hiệu” - thầy C.D. giải thích. Ông cũng cho rằng cách làm của mình thiếu tính sư phạm và chưa hợp lý.

Xác nhận các thông tin phản ánh trên, bà Lê Thị Hồng Thủy - Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận sai sót của mình khi không kịp thời nắm bắt vụ việc, để thầy C.D. cho học sinh ra khỏi tiết toán, kéo dài từ ngày 2/4 đến 18/4. Bà cho biết, nhà trường đã họp chấn chỉnh và xử lý vi phạm đối với thầy C.D., hạ bậc thi đua trong xếp loại viên chức.

Bên cạnh việc chưa kịp thời nắm tình hình vụ việc trên, bà Lê Thị Hồng Thủy còn bị giáo viên phản ánh không trực tiếp đứng lớp thực hiện tiết dạy nghĩa vụ theo quy định tại Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (2 tiết/tuần và 70 tiết/năm học). Thay vào đó, bà Lê Thị Hồng Thủy đã nhờ giáo viên khác dạy thay nhưng vẫn để tên mình trong thời khóa biểu và nhận đầy đủ các khoản phụ cấp, chế độ dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy của năm học 2024-2025.

Về vấn đề không trực tiếp dạy tiết nghĩa vụ của hiệu trưởng, bà Lê Thị Hồng Thủy chia sẻ, từ tháng 10/2023 đến nay, ban giám hiệu nhà trường chỉ có một mình bà, không có hiệu phó. Bà buộc phải phụ trách toàn bộ công tác quản lý, điều hành. Khối lượng công việc quá nhiều nên học kỳ I bà có đứng lớp một số tiết, riêng học kỳ II năm học 2024-2025 bà không thể đứng lớp. Bà cho biết mình bỏ tiền túi để trả công lao động cho giáo viên dạy thay.

“Trong giai đoạn nhân sự ban giám hiệu chưa được kiện toàn, một mình tôi xoay xở thì việc chưa đảm bảo quy định trong dạy học 2 tiết/tuần là do bất khả kháng” - bà Lê Thị Hồng Thủy nói. Bà cũng mong giáo viên thông cảm. Thời gian tới, khi trường được bổ sung thêm 1 hiệu phó, bà sẽ thực hiện tiết nghĩa vụ của mình.

Theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy đã được quy định. Cũng không có hướng dẫn nào cho phép hiệu trưởng được nhờ giáo viên dạy thay tiết của mình.

Ng. Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI