Biết đồng nghiệp ngoại tình, bạn chọn im lặng hay lên tiếng?

21/07/2025 - 06:00

PNO - Nếu bạn là người chứng kiến cuộc tình vụng trộm đó, với tư cách một đồng nghiệp công ty, bạn nên làm gì?

Trong buổi biểu diễn của nhóm Coldplay tại sân vận động Gillette (Mỹ) mới đây, một khoảnh khắc ghi lại "cái ôm tình tứ" giữa khán đài đã trở thành tâm điểm toàn cầu, nhưng lại là thảm họa của người trong cuộc: Andy Byron - CEO công ty công nghệ Astronomer và người phụ nữ không phải vợ ông, mà là Kristin Cabot - trưởng phòng nhân sự của công ty.

Mạng xã hội lập tức bùng nổ. Chỉ sau vài giờ, tài khoản của vợ ông Byron đã xoá thông tin về chồng, và biến mất hoàn toàn. Một gia đình, một công ty, một tập thể - có lẽ đã đều tổn thương từ một chiếc clip viral chỉ xuất hiện trong vài giây ngắn ngủi đó.

Nếu bạn là cô bạn đồng nghiệp (trái), bạn chọn im lặng hay lên tiếng khi biết mối quan hệ ngoài luồng của đồng nghiệp (phải)?
Nếu bạn là cô bạn đồng nghiệp, bạn chọn im lặng hay lên tiếng khi biết mối quan hệ ngoài luồng của cấp trên?

Câu chuyện mở ra hàng loạt câu hỏi rất cũ, nhưng lúc nào cũng như mới: Ngoại tình nơi công sở, nên cư xử thế nào cho đúng? Nếu bạn là người chứng kiến cuộc tình vụng trộm đó, với tư cách một đồng nghiệp công ty, bạn nên làm gì?

Câu hỏi tưởng như chỉ thuộc về đạo đức cá nhân ấy, thật ra là một bài toán mà cả tập thể phải tìm lời giải. Bởi nếu một cuộc ngoại tình nơi công sở xảy ra, thì không chỉ những người trong cuộc, mà cả môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu người trong cuộc đang nắm giữ vị trí quyền lực.

Khi một lãnh đạo - dù là giám đốc hay trưởng bộ phận - có mối quan hệ cá nhân với nhân viên dưới quyền, ranh giới giữa cảm xúc và công việc lập tức trở nên mong manh. Dù mối quan hệ đó là tự nguyện, thì vẫn có nguy cơ kéo theo những hệ lụy như xung đột lợi ích, mất công bằng nội bộ, thiên vị trong phân công, đánh giá, hoặc những điều chỉnh âm thầm mà người ngoài không thể tác động được.

Người ngoài cuộc bắt đầu cảm thấy bất công. Người trong cuộc thì bị đồn đoán. Và văn phòng bỗng trở nên ngột ngạt, bởi mỗi email, mỗi lời nhắc nhở đã mang đậm màu sắc cá nhân.

Vậy nếu bạn là người chứng kiến từ đầu mối quan hệ ngoài luồng đó, bạn có nên lên tiếng không?

Không dễ để trả lời câu hỏi này. Bởi bạn không phải là người trong cuộc, và bạn cũng không thể lường hết mọi hậu quả. Vì vậy, bạn có quyền im lặng, nhưng điều đó không có nghĩa là đồng lõa. Đôi khi, giữ khoảng cách, không bàn tán, không tham gia vào các nhóm lan truyền tin đồn đã là một cách ứng xử có trách nhiệm.

Bạn không tiếp tay, cũng không đổ thêm dầu vào lửa. Bạn giữ lòng mình trung lập, nhưng đủ tỉnh táo để không bị cuốn vào cuộc chiến không thuộc về mình. Bởi không phải người vợ/hoặc chồng bị phản bội nào cũng muốn nghe sự thật từ bạn. Rất nhiều khả năng họ đã biết và chọn cách làm ngơ. Hoặc có thể họ biết mối quan hệ ngoài luồng của chồng/vợ mình, nhưng chưa đủ can đảm để rời khỏi cuộc hôn nhân ấy.

Và nếu bạn không đủ gần, đủ thương, đủ trách nhiệm để ở lại bên họ khi sự thật bị phơi bày, thì việc nói ra có khi chỉ làm tổn thương thêm cho người trong cuộc.

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ đó ảnh hưởng đến công việc của bạn hoặc đồng nghiệp xung quanh (ví dụ: phân công nhiệm vụ bất hợp lý, đánh giá thiếu công bằng, hay dùng quyền lực để che giấu sai phạm), thì sự im lặng không còn là lựa chọn an toàn nữa.

Khi đó, thay vì đối đầu cá nhân, bạn có thể chọn cách góp ý qua kênh phù hợp: với bộ phận nhân sự hoặc thông qua hệ thống phản hồi nội bộ nếu có.

Tuy nhiên, lên tiếng không có nghĩa là chỉ trích công khai hay vạch mặt. Hãy chọn cách trao đổi riêng tư, có bằng chứng rõ ràng, và trên tinh thần xây dựng. Bạn có thể nói thẳng thắn nhưng đừng cay nghiệt, trao đổi một cách chân thành chứ đừng thêm vào đó sự hả hê.

Một cuộc ngoại tình nơi công sở - dù bắt đầu trong ngẫu nhiên hay cố ý - đều ít nhiều liên quan đến quyền lực, niềm tin và môi trường làm việc chung. Nếu bạn là người chứng kiến, hãy cẩn trọng trong từng hành xử. Không phải lúc nào nói ra cũng là đúng; nhưng không phải cứ im lặng là đồng lõa với điều sai.

Giữ mình tử tế giữa một câu chuyện thiếu tử tế đôi khi đã là cách bạn đứng về phía chính nghĩa!

Trà Nguyên An (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI