Ngôi nhà an yên cuối đời
“Nặng nghĩa tri ân - Ấm tình đồng đội” - hàng chữ ngay dưới cổng chào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An (phường Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An) như thay lời chào đón đầy ân tình dành cho những người lính đã dành cả tuổi trẻ nơi chiến trường, nay trở về trong hình hài khiếm khuyết. Sau cánh cổng ấy, nhiều y bác sĩ vẫn đang âm thầm chăm sóc, điều trị cho gần 70 thương bệnh binh mang tỉ lệ thương tật 81 - 100% của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trung tâm được thành lập từ năm 1974, trong những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, đến nay, nơi này đã trở thành chốn bình yên cho hàng trăm thương bệnh binh nặng được chăm sóc, điều trị và phục hồi.
 |
Ngoài chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An còn tranh thủ chuyện trò, tâm sự… để những người lính già vơi đi nỗi buồn |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết tích của nó vẫn hiện rõ nét trong từng cơ thể, từng hơi thở của các cựu binh nơi đây. Với tay lấy chiếc áo màu lính treo huy chương kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hồng - 65 tuổi, quê Hà Tĩnh - rưng rưng xúc động khi nhớ về đồng đội. Ông nói, ông bị liệt nửa người do mảnh đạn pháo găm vào cột sống, song vẫn còn may mắn hơn hàng trăm đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường.
Với ông, trung tâm không chỉ là nơi điều trị mà còn là ngôi nhà thứ hai - nơi ông có thể sống an yên bên những người cùng cảnh ngộ và cả những y bác sĩ không máu mủ ruột rà, nhưng luôn nhiệt tình chăm sóc bằng tất cả sự trìu mến như con cháu trong nhà.
Đẩy xe lăn ra hành lang hàn huyên với những đồng đội từng vào sinh ra tử, nay lại trở thành “hàng xóm” của nhau, ông Phan Bá Xuân - 70 tuổi, quê Hà Tĩnh - cho biết, thương bệnh binh ở đây đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đều mang thương tật từ chiến tranh, có người bị mù 2 mắt, cụt 2 chân, tổn thương cột sống, liệt tủy, vết thương sọ não, liệt toàn thân; có người không còn người thân ở quê nhà; cũng có người còn gia đình nhưng không thể trở về vì bệnh tật quá nặng nên phải gửi gắm phần đời còn lại ở đây.
“Người thân không còn, chúng tôi chỉ có thể bám trụ lại đây đến cuối đời. Ở đây, ngoài được chăm sóc sức khỏe, chúng tôi còn có những người đồng đội cùng hoàn cảnh để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau nên cũng bớt cô đơn” - ông Xuân tâm sự.
Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, bác sĩ Trương Danh Thức nói rằng, cùng học ngành y ra nhưng việc của nhân viên y tế ở trung tâm khác hẳn với các y, bác sĩ ở các bệnh viện. Thay vì chạy đua với thời gian và kỹ thuật để cứu người, ở đây họ lại phải “sống cùng người bệnh”. Ở bên kia sườn dốc cuộc đời, các thương bệnh binh không chỉ chịu những vết thương chằng chịt trên thân thể mà phải chống chọi với bệnh tuổi già, suy giảm trí nhớ, sự cô đơn.
Do đó, ngoài chuyên môn, họ còn phải hiểu từng thói quen, tính cách, hoàn cảnh của từng người để có phương pháp chăm sóc hợp lý nhất. Ngoài công việc chăm sóc sức khỏe, họ còn tranh thủ chuyện trò, tâm sự thật nhiều để những người lính già vơi đi nỗi buồn, giảm đi đau đớn.
Bám nghề vì lòng biết ơn
Trong cái nắng oi nồng tháng Bảy, những “người con” đặc biệt ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An thoăn thoắt đi từ phòng này sang phòng khác. Người lau dọn phòng, người tắm rửa, thay băng, cạo râu, người trò chuyện vỗ về. “Bác thấy hôm nay trong người thế nào. Để con lau người cho mát nhé!” - điều dưỡng Võ Thị Vân nhẹ nhàng khi đến dọn phòng cho một thương binh nằm bất động suốt 50 năm qua. Chị cho biết, vì đặc thù công việc, nên phần lớn điều dưỡng ở trung tâm đều là nữ. Họ luôn coi các bác thương bệnh binh như người thân ruột thịt của mình, tận tình phục vụ các bác từ ăn, tắm, ngủ nghỉ đến uống thuốc.
 |
Điều dưỡng Võ Thị Vân (thứ hai từ phải sang) trò chuyện trước khi lau người cho một thương binh nặng, nằm liệt giường |
Khó khăn không chỉ đến từ công việc nặng nhọc. Có khi trời trở gió, vết thương tái phát, bệnh nhân đau đớn sinh ra mất bình tĩnh, mắng chửi chính người chăm sóc mình. Chị Vân trải lòng, hơn 22 năm chăm sóc thương bệnh binh, không ít lần chị rơi nước mắt vì bị người bệnh la mắng một cách vô lý. Nhưng ngay từ lúc mới vào nghề, chị đã hiểu, sau những lời thô ráp ấy, là nỗi đau, nỗi cô đơn kéo dài suốt nửa đời người của những người lính đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường. Nếu chỉ xem là một nghề mưu sinh, chắc hẳn chị Vân đã nghĩ đến một công việc khác. “Không có tâm và không phải vì lòng biết ơn thì rất khó để gắn bó với nghề này” - chị Vân nói.
Cảm nhận tấm lòng của mẹ - một hộ lý đã dành cả tuổi thanh xuân tận tình chăm sóc thương bệnh binh, điều dưỡng Hồ Thị Thu Thủy (34 tuổi) nối bước mẹ tiếp tục công việc chăm sóc những người có công với đất nước. Chị nói, ngoài chăm sóc y tế, chị còn là người bầu bạn, lắng nghe những câu chuyện cũ kỹ được lặp đi lặp lại. Mỗi câu chào, mỗi nụ cười, mỗi bàn tay nắm lấy bàn tay đều là những liều thuốc làm dịu nỗi đau thể xác và xoa dịu những nỗi đau tinh thần.
“Có bác nằm liệt giường hàng chục năm trời, không nói, không phản ứng gì. Nhưng mỗi khi mình nắm tay, lau người, cạo râu, thì vẫn cảm nhận được, ánh mắt của bác ấm lại. Những điều như thế khiến chúng tôi không thể bỏ nghề, dù vất vả, tủi cực đến đâu” - chị Thủy nói.
Kế bên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An là khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An - nơi đang chăm sóc cho 59 bệnh nhân là các thương bệnh binh, con liệt sĩ, con cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học. Bác sĩ Đào Đình Quân (44 tuổi) cho biết, phần lớn bệnh nhân ở đây đều gặp những vấn đề về tâm lý, thần kinh, bị hạn chế khả năng hoạt động, nên các bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện từ bữa ăn đến giấc ngủ.
“Có người ngày thường rất bình tĩnh, nhưng chỉ trong tích tắc có thể đập phá, đánh người mà không rõ nguyên nhân. Người khác thì gào thét, chửi bới suốt ngày. Có những trường hợp lại liên tục tìm cách bỏ trốn” - bác sĩ Quân nói. Những tình huống này buộc bác sĩ và nhân viên y tế luôn phải trong tư thế sẵn sàng ứng phó, thậm chí không ít lần bị tấn công bất ngờ.
Sinh ra trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ đều là thương binh nặng, anh Quân hiểu rõ hơn ai hết những vết thương của các cựu binh. Năm 2022, sau tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh chọn quay trở lại chính nơi từng nuôi mình khôn lớn, để chăm sóc cho những người mang trong mình di chứng nặng nề của chiến tranh. Công việc căng thẳng, bệnh nhân đặc biệt, nguồn lực hạn chế, nhưng bác sĩ Quân vẫn kiên trì từng ngày.
Ban ngày khám chữa bệnh, đêm về anh lại tranh thủ thời gian đọc sách, cập nhật tài liệu y khoa, học hỏi chuyên gia đầu ngành để tìm các liệu pháp mới phù hợp với tình trạng từng bệnh nhân. “Cha mẹ tôi đều là thương binh 1/4, từng được các y bác sĩ khác chăm sóc. Vậy nên giờ mình quay lại nơi này làm việc cũng là một cách để báo đáp ân tình cũ” - anh Quân nói.
Ông Nguyễn Thiếu Lâm - Giám đốc khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An - cho biết, vì các thương bệnh binh phần lớn đều mang các bệnh lý tâm thần mãn tính nên nguy hiểm luôn rình rập nhân viên y tế. Đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do bị tấn công bất ngờ, có khi là khay cơm, cốc nước, thậm chí là bị ném cả gạch đá vào người.
Trong môi trường điều trị căng thẳng ấy, nhân viên y tế không chỉ cần chuyên môn, mà còn phải có lòng kiên nhẫn, tình thương và các kỹ năng mềm để xử lý tình huống một cách khéo léo. “Vì môi trường điều trị rất đặc biệt nên chúng tôi rất khó có thể tuyển được bác sĩ. Nhưng khi đã gắn bó với công việc này thì lại có một tình cảm rất đặc biệt, ít ai có thể rời đi được” - ông Lâm nói.
Phan Ngọc