Cuộc chiến của Hollywood khi AI định hình lại ngành công nghiệp giải trí

20/07/2025 - 17:29

PNO - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một thế lực mới trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, đặc biệt tại Hollywood. Từ sản xuất phim, dựng cảnh, hiệu ứng hình ảnh đến sáng tạo nội dung… AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà đang từng bước tái định nghĩa cách ngành điện ảnh vận hành, và cả cách khán giả thưởng thức nghệ thuật thứ bảy.

Cuộc nổi dậy âm thầm của AI

Làn sóng AI len lỏi từ các startup công nghệ chuyên về giải trí như Asteria, Runway AI, Luma, đến những tên tuổi lớn như Google DeepMind và OpenAI… Các nền tảng tạo video như Veo 3, Sora, Gen-4 hay Dream Machine đang thúc đẩy khả năng tạo hình ảnh, âm thanh, thậm chí dựng cả phim chỉ từ câu lệnh văn bản đơn giản. Điều từng cần đến hàng trăm nhân sự và hàng tháng ghi hình, giờ đây có thể được tạo ra trong vài giờ bằng công nghệ AI.

Họa sĩ minh họa Hollywood Reid Southen đã thực hiện một cuộc so sánh trực tiếp các hình ảnh từ Công viên kỷ Jura và công cụ tạo video Midjourney
Họa sĩ minh họa Hollywood Reid Southen thực hiện một cuộc so sánh trực tiếp các hình ảnh từ Công viên kỷ Jura và công cụ tạo video Midjourney. Ảnh: The Hollywood Reporter

Không chỉ là công cụ, AI đang trở thành người đồng sáng tạo trong ngành phim ảnh. Hàng loạt công ty sản xuất, từ những hãng phim độc lập đến các ông lớn như AMC Networks, Lionsgate… đều đang âm thầm thử nghiệm hoặc hợp tác với các nền tảng AI để tìm cách tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất.

Sự gia nhập của AI vào lĩnh vực điện ảnh làm dấy lên lo ngại về sự thay thế con người trong các khâu sáng tạo. Các tổ chức như Hiệp hội Diễn viên (SAG) và Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đã lên tiếng phản đối việc lạm dụng AI để thay thế nhân lực, đặc biệt trong giai đoạn hậu đình công kéo dài năm 2023–2024.

Một số nghệ sĩ và nhà làm phim lo ngại rằng nghệ thuật sẽ bị "vô cảm hóa" nếu quá phụ thuộc vào máy móc, những công nghệ vốn chỉ biết tái chế chất liệu quá khứ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ AI cho rằng đây là cuộc cách mạng giống như sự ra đời của kĩ xảo CGI hay công nghệ màn hình xanh. AI không thay thế nghệ sĩ mà giúp họ vượt qua những giới hạn kĩ thuật, thậm chí cho phép những ý tưởng “điên rồ” trở thành hiện thực.

Cuộc chiến pháp lí chưa có hồi kết

AI đang tác động mạnh mẽ đến mô hình sản xuất phim truyền thống. Việc tạo ra bối cảnh, nhân vật, hiệu ứng đặc biệt giờ đây có thể được thực hiện bởi một nhóm nhỏ thay vì cả đoàn làm phim. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến lực lượng lao động phía sau hậu trường, từ họa sĩ thiết kế đến kĩ sư kĩ xảo, đạo cụ, phục trang…

Một số startup còn tiến xa hơn, tạo ra cả nhân vật kĩ thuật số, những diễn viên ảo có thể đóng vai chính trong phim mà không cần kí hợp đồng, không đòi cát-xê hay nghỉ phép. Nếu được chấp nhận rộng rãi, điều này có thể làm biến đổi hoàn toàn khái niệm diễn xuất trong điện ảnh hiện đại.

Các hãng phim lớn như Disney và Universal đã khởi kiện Midjourney, nền tảng tạo hình ảnh AI, vì sử dụng hình ảnh từ kho dữ liệu có bản quyền của họ để huấn luyện mô hình. Đây chỉ là một phần trong cuộc chiến pháp lí đang diễn ra, nhằm xác định ranh giới giữa sáng tạo và vi phạm bản quyền trong kỉ nguyên AI.

Các công cụ của Wonder Dynamics cho phép thay thế các nhân vật con người trong cảnh quay bằng các nhân vật được tăng cường bằng AI, chẳng hạn như hình nộm thử nghiệm va chạm này.hollywoodreporter
Một cảnh quay được thực hiện bằng AI, lồng ghép yếu tố người thật và robot bằng công cụ Wonder Dynamics. Ảnh: The Hollywood Reporter

Phán quyết trong các vụ kiện này không chỉ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình vận hành của Hollywood trong tương lai. Liệu các hãng phim có tiếp tục đầu tư vào sáng tạo con người hay chuyển sang tái sử dụng và tự động hóa các tài nguyên có sẵn thông qua AI?

Nguy cơ "vô hồn hóa" tác phẩm

Bên cạnh nỗi lo mất việc, mối quan tâm lớn nhất vẫn là giá trị nghệ thuật. Khi những bộ phim được tạo ra bằng AI dần chiếm sóng, câu hỏi đặt ra là: liệu chúng có đủ chiều sâu cảm xúc để lay động khán giả? Hay chỉ là những sản phẩm bắt mắt nhưng nhanh chóng bị lãng quên?

Một cảnh trong bộ phim Runway AI Total Pixel Space. AI đã hiện diện ở Hollywood
Một cảnh trong bộ phim Runway AI "Total Pixel Space". Ảnh: The Hollywood Reporter

Nhiều nhà làm phim cảnh báo rằng AI không thể thay thế trực giác sáng tạo, thứ làm nên bản sắc và sự đột phá trong mỗi bộ phim. Một cảnh quay đẹp đến mấy cũng vô nghĩa nếu thiếu linh hồn con người phía sau ống kính.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng ngành điện ảnh sẽ bước vào giai đoạn "lai ghép", nơi AI và con người cùng hợp tác để tạo ra những tác phẩm độc đáo hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, nếu không có quy định rõ ràng và đạo đức nghề nghiệp đi kèm, làn sóng này có thể làm xói mòn nền tảng của nghệ thuật điện ảnh vốn được xây dựng từ mồ hôi, sáng tạo và cảm xúc con người suốt hơn một thế kỉ.

Hollywood đứng trước bước ngoặt lớn, nơi AI không còn là công cụ, mà có thể trở thành đối thủ, hoặc đối tác, tùy vào cách con người chọn đối thoại với nó.

Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI