Không muốn giấu con sự thật về cha

19/07/2025 - 18:00

PNO - Rất nhiều người có cha mẹ nghiện rượu nhưng vẫn sống lành mạnh, không bao giờ động đến rượu.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và chồng đã ly hôn được gần 3 năm. Ngày trước, lý do chính khiến em quyết định dừng lại là vì anh nghiện rượu nặng, nhiều lần say xỉn ảnh hưởng đến công việc, gia đình và con.

Sau khi chia tay, em luôn cố gắng giữ hình ảnh người cha thật tốt đẹp trong mắt con, không kể xấu cha, không gieo cho con cảm giác cha là người tệ. Sau đó, chồng em đi nước ngoài sống và có vẻ đã làm lại cuộc đời.

Nhưng mới hôm qua, khi anh ấy nói chuyện điện thoại với em, em nhận ra anh ấy đang say xỉn, nói năng rất vô ý thức. Em tìm hiểu thì biết anh ấy vẫn uống rượu và thỉnh thoảng bỏ việc, vùi đầu vào uống cả hàng tuần, hàng tháng.

Em rất băn khoăn. Một mặt, em thấy cần phải cảnh báo con trai vì em từng nghe nói nghiện rượu có yếu tố di truyền, nếu không cẩn trọng có thể ảnh hưởng đến lối sống của con sau này. Mặt khác, em sợ nói ra sẽ làm con mất niềm tin, hụt hẫng về hình ảnh người cha mà con vẫn luôn yêu thương, ngưỡng mộ.

Em nên làm gì trong trường hợp này? Có nên nói thật với con hay cứ im lặng? Nếu nói thì nên nói thế nào để con không coi thường cha và vẫn có ý thức giữ mình? Em rất mong được chị góp ý.

Hạnh Nguyên

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Hạnh Nguyên thân mến,

Trước tiên, chúng ta hãy nói về điều đang khiến em lo lắng nhiều nhất: Nghiện rượu có di truyền hay không? Câu trả lời đơn giản là: Nghiện rượu không di truyền theo kiểu chắc chắn con cháu cũng sẽ nghiện mà chỉ có yếu tố làm tăng nguy cơ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy người có cha mẹ, ông bà nghiện rượu có nguy cơ bị nghiện rượu cao hơn so với người không có tiền sử gia đình như vậy. Điều này liên quan đến gene điều khiển cách cơ thể xử lý cồn (alcohol), gene liên quan đến hành vi kiểm soát cảm xúc và ham muốn.

Việc một người có nghiện rượu hay không phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống, cách giáo dục, yếu tố tâm lý, xã hội và sự lựa chọn của bản thân họ. Nhiều người có cha mẹ nghiện rượu nhưng vẫn sống lành mạnh, không bao giờ động đến rượu.

Môi trường sống tác động quan trọng không kém. Con cái người nghiện rượu thường chứng kiến bạo lực, sự bất ổn, sự thiếu quan tâm… nên có nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý, dẫn đến việc dùng rượu như một cách trốn tránh thực tại. Vì vậy, cách nuôi dạy, chăm sóc tâm lý và truyền cảm hứng sống tích cực có thể làm giảm rất nhiều nguy cơ ấy.

Tóm lại: nghiện rượu có di truyền về mặt sinh học nhưng không phải chắc chắn. Nếu được định hướng đúng đắn, sống trong môi trường lành mạnh và được dạy cách kiểm soát cảm xúc, con cái người nghiện rượu hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và tránh xa cám dỗ.

Từ những thông tin mang tính khoa học kia, Hạnh Dung nghĩ em có thể suy nghĩ một cách nhẹ nhàng hơn về việc giúp con có cái nhìn thực tế mà không đánh mất lòng yêu thương. Việc em muốn cảnh báo con là đúng, vì em quan tâm đến sự an toàn, tương lai và cả nhân cách của con, chứ không phải vì giận hay muốn hạ thấp cha của con.

Nếu con còn nhỏ, em có thể tạm thời chưa nói cụ thể, chỉ dạy con cách sống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với chất kích thích, giữ gìn bản thân mà không cần gắn những bài học đó vào hình ảnh cha.

Còn nếu con đã đủ lớn để hiểu, em có thể chọn cách nói thật nhưng với sự nhẹ nhàng, bao dung, rằng ai cũng có thể có khuyết điểm, cả cha con cũng vậy. Cha con đã làm tổn thương gia đình vì không giữ được mình. Nhưng điều quan trọng là cha vẫn thương con. Rằng mẹ nói sự thực với con là để con có thể tự giữ gìn mình và sống khác đi.

Khi đã đủ trường thành, con sẽ hiểu được vấn đề và nỗi lo lắng của mẹ. Tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc đúng cách của em chắc chắn sẽ bảo vệ được con khỏi những điều xấu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI