Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: “Phim Đàn cá gỗ là món quà tôi tặng vợ”

21/07/2025 - 06:47

PNO - Đàn cá gỗ là phim ngắn hiếm hoi đang chiếu rạp. Việc một bộ phim tốt nghiệp, thời lượng chỉ 30 phút, khi ra rạp ngày đầu đã bán hơn 50.000 vé là chuyện hiếm thấy.

Dịp này, đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về bộ phim.

Bất ngờ khi phim lọt vào tốp 1 phòng vé

Phóng viên: Phim Đàn cá gỗ vừa ra mắt ngày 15/7 đã lọt tốp 1 phòng vé, cảm xúc của anh ra sao trước “phép màu” này?

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: Ban đầu, tôi không định phát hành phim rộng rãi. Đây là phim tốt nghiệp của tôi, sau đó thắng giải Cánh diều vàng. Khi MV Phép màu ra mắt được lan tỏa, tôi bắt đầu nghĩ đến việc đem chiếu rạp vì phim được làm với định dạng chiếu rạp. Tôi cố gắng thương lượng các chủ rạp để có mức giá vé ưu đãi tốt nhất, xem như món quà tri ân các khán giả đã yêu thích MV Phép màu. Vì vậy, khi biết tin phim lọt vào tốp 1 phòng vé, tôi rất bất ngờ.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt trên phim trường Đàn cá gỗ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt trên phim trường Đàn cá gỗ - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Sau khi ra mắt, phim vấp phải tranh cãi PR lố là không kỹ xảo, nhưng xem phim lại thấy cảnh can thiệp bằng kỹ xảo. Anh nói gì về chuyện này?

- Đây là sự hiểu lầm không đáng có. Nội dung PR không dùng kỹ xảo là bài viết của ê kíp dành để nói về chuyện hậu trường quay cảnh trên biển. Chúng tôi quay thật ở Biển Đông chứ không dùng phông xanh hay kỹ xảo cho các cảnh biển. Còn cảnh nhân vật đánh đàn dưới nước là công sức của đội ngũ làm VFX. Phía rạp đăng tấm hình nhân vật chơi đàn dưới nước nhưng kết hợp nội dung bài PR không dùng kỹ xảo nên gây hiểu lầm.

Thành Đạt có lối kể chuyện bằng hình ảnh rất ấn tượng

Bò sữa bay là câu chuyện rất mới lạ, thuộc thể loại tình cảm lãng mạn pha chút tội phạm. Phim dự kiến quay vào cuối năm nay. Từ khi xem phim ngắn Khu rừng của Páo, tôi thấy Thành Đạt có tiềm năng khai thác những câu chuyện độc đáo và có lối kể chuyện bằng hình ảnh rất ấn tượng. Tôi đã theo dõi và hỗ trợ trong hơn 3 năm từ khi em ấy còn là sinh viên, vì thấy được tiềm năng cũng như tính ham học hỏi và quyết tâm làm phim của em.

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi

* Nhắc đến chuyện quay trên biển, vì sao anh lại chọn làm phim về biển, về ngư dân?

- Xu hướng làm phim của tôi là muốn có bối cảnh đặc biệt để khán giả nhớ. Phim ngắn trước đó - Khu rừng của Páo - tôi đã quay trên núi, nên phim Đàn cá gỗ tôi chuyển bối cảnh qua miền biển. Quay trên biển khó khăn nhưng đó là thứ tôi hứng thú nhất khi làm phim này. Biển ở Quỳnh Lưu - nơi ghi hình - là quê vợ tôi. Tôi cũng muốn làm phim này để tặng vợ mình - người luôn hết lòng ủng hộ chồng, giống như nhân vật người vợ trong phim.

* Quá trình quay phim trên biển hẳn rất “sóng gió”

-Khi tôi thông báo sẽ quay phim ở biển, cả ê kíp đều phấn khích. Nhưng rồi sau 30 phút trên thuyền, ai cũng say sóng. Những ngày đầu trên thuyền, tôi cũng say sóng. Dần dần, mọi người cũng quen. Nhưng, có nhiều thứ nằm ngoài tính toán, quay lần đầu chưa được ưng ý, các diễn viên phải trở lại để quay lần thứ hai. Chẳng hạn cảnh kết phim - Cường được vớt lên và ánh bình minh ló dạng - quay lần đầu vào mùa xuân, trời lạnh mà diễn viên vẫn phải nhảy xuống biển nhưng không ghi hình được cảnh bình minh. Cảnh này phải quay lại 3 lần mới có hình ảnh cái kết như ý.

Muốn gợi mở suy nghĩ của người xem

* Nhân nhắc đến kết phim, nhiều khán giả không hài lòng với cái kết mở. Vì sao anh chọn kết như vậy?

- Phim đưa ra sự lựa chọn giữa đam mê và mưu sinh. Tôi nghĩ kết phim hay không nhất thiết phải cho khán giả câu trả lời rõ ràng về số phận nhân vật, mà là gợi mở sau khi xem phim.

Ê kíp phim trong một cảnh quay tại biển Quỳnh ở Nghệ An - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ê kíp phim trong một cảnh quay tại biển Quỳnh ở Nghệ An - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Từ Khu rừng của Páo đến Đàn cá gỗ, vì sao anh luôn đặt các nhân vật của mình vào sự lựa chọn?

- Đó là xu hướng đặt vấn đề của tôi. Tôi hay suy tư cái nào quan trọng hơn. Những vấn đề tôi đề cập trong phim đều không dễ lựa chọn nên tôi đưa hết lên, đặt chúng cạnh nhau và gợi mở suy nghĩ của người xem.

* Ngoài đời, anh có từng đứng trước những sự lựa chọn?

- Tôi sinh ra trong gia đình đều làm bác sĩ nên đã ôn thi để theo học y. Thế nhưng, sau khi làm vài clip ngắn, tôi thấy thích làm phim và chuyển hướng. Đó là quyết định liều lĩnh của tôi và cả gia đình cũng thấy khó vì cả nhà không quen biết ai trong lĩnh vực này. Ba mẹ tôi thấy con quyết liệt nên cũng hỗ trợ. Tôi chưa bao giờ hối tiếc khi làm đạo diễn vì có nhiều thứ để mình làm, sáng tạo. Trong tương lai, tôi muốn làm phim về ngành y. Ba mẹ tôi cũng đã “đặt hàng” cho tôi.

* Sau Đàn cá gỗ, anh có dự án nào khác?

- Tôi chuẩn bị làm phim Bò sữa bay, vừa thắng giải Dự án xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng. Phim lấy bối cảnh Mộc Châu thời bao cấp, nói về xây dựng kinh tế địa phương. Tác phẩm là cách người trẻ như tôi nhìn về quê hương, tình yêu và gia đình - 3 thứ tôi quan tâm nhất được đưa vào phim.

* Xin cảm ơn anh.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI