TPHCM: F0 trong cộng đồng tiếp tục tăng, lãnh đạo các địa phương nói gì?

11/11/2021 - 19:02

PNO - Thời gian qua, số ca F0 trong cộng đồng tại TPHCM tiếp tục tăng, nhất là huyện Nhà Bè và Hóc Môn.

Chiều tối 11/11, trong cuộc họp thông tin về việc phòng, chống COVID-19 tại TPHCM, nhiều câu hỏi quan tâm đến số ca F0 liên tục tăng và chiến lược quản lý F0 trong cộng đồng trên địa bàn Thành phố, nhất là tại huyện Nhà Bè và Hóc Môn. Đại diện lãnh đạo các địa phương nhìn nhận có sự gia tăng và đã đề ra kế hoạch xử lý, kiểm soát dịch.

TPHCM đang có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, kiểm soát các ca F0 cộng đồng
TPHCM đang có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, kiểm soát các ca F0 cộng đồng

Tại huyện Nhà Bè, ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết tình hình dịch COVID-19 ở đây được đánh giá cấp độ 2. Tuy nhiên những ngày gần đây, số ca F0 trong cộng đồng đang tăng, như hôm nay (11/11) số ca F0 được phát hiện là 62 ca, nâng số ca F0 phát sinh trong cộng đồng lên 543 ca.

"Trong số ca bệnh, nguồn lây từ khu công nghiệp, khu chế xuất bên ngoài huyện như khu công nghiệp Hiệp Phước, khu công nghiệp Long Hậu… cao (chiếm hơn 64%). Trong đó, gần 50% số ca xuất phát từ khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm phòng chống dịch. Ngoài ra do việc nới lỏng giãn cách xã hội nên lưu lượng lao động đổ về nhiều, sự tiếp xúc cũng như tâm lý người dân còn chủ quan sau giãn cách, có người cho rằng đã tiêm 2 mũi thì không bị COVID-19 nữa", Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết.

Bên cạnh đó, ở Nhà Bè phần lớn công nhân lưu trú trong các khu nhà trọ tương đối nhỏ, không gian chật hẹp nên khi có F0 thì bị lây nhiễm rất nhanh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch, chính quyền địa phương thường xuyên họp, khảo sát, đánh giá tình hình để lên kế hoạch phòng chống dịch phù hợp. 

Đối với việc xử lý ca bệnh, ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế TP về tiếp nhận, đánh giá tình hình sức khỏe F0 để quyết định cho F0 cách ly tại nhà, cấp các gói thuốc A, B, C hay đi điều trị tại bệnh viện, địa phương cũng yêu cầu các chủ nhà trọ lập danh sách chính xác, cụ thể về thông tin người thuê trọ. Khảo sát, lên kế hoạch cách ly cho 50% nhà trọ đủ điều kiện cách ly khách thuê trọ khi khách trở thành F0, y tế địa phương sẽ phối hợp với chủ nhà trọ để điều trị cũng như hỗ trợ về an sinh cho người bệnh.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ các cơ sở sản xuất phải phối hợp với chính quyền địa phương thành lập khu cách ly F0 tại chỗ nhằm quản lý công nhân mắc bệnh, tránh lây lan cho đồng nghiệp cũng như nơi ở trọ. Hiện tại, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu đã tổ chức được nơi cách ly, trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp, ký kết 3 bên về quy chế kiểm soát dịch.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng để kịp thời nắm bắt, phong tỏa... ngăn chặn dịch. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ đề ra các kế hoạch, giải pháp cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, sản xuất khác để kịp thời nắm bắt khó khăn, cũng như có sự hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất", Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nhà Bè cũng đang thực hiện các phương án kiểm soát dịch bệnh đối với lao động ngoại tỉnh quay trở lại huyện này lưu trú, làm việc.

Bà Lê Thụy Mỹ Châu - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cũng cho biết địa bàn huyện rộng, đông dân, lao động tự do nhiều, lực lượng y tế địa phương khá mỏng nên thời gian đầu khi Thành phố nới rộng giãn cách cũng có sự lúng túng. Nhất là khi lực lượng y tế chi viện rút quân, các cơ sở cách ly dần đóng cửa, người dân tự test COVID-19 cũng khá nhiều, nên nhân lực xử lý còn chậm. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền địa phương cũng như trung tâm y tế, trạm y tế đang rất nỗ lực để kiểm soát dịch, nhất là đối tượng công nhân bị dương tính.

Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết: "Chúng tôi luôn rà soát, test nhanh hằng ngày đối với người dân trong nhóm nguy cơ, song song đó địa phương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM điều tra dập 25 ổ dịch trong thời gian qua. Tuy nhiên, Hóc Môn có dân số đông lại tập trung ở chung hộ gia đình nên mật độ tiếp xúc và lây nhiễm rất cao, chỉ cần trong nhà có 1 người bệnh, lập tức lây cho tất cả thành viên còn lại.

Việc mở cửa lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng việc lơ là, thiếu kinh nghiệm kiểm soát dịch cũng làm cho số ca bệnh tăng mạnh. Như tình huống công nhân làm việc nhiễm bệnh, chủ doanh nghiệp lúng túng không có nơi cách ly, để công nhân tự quay về nhà trọ, nguy cơ lây lan dịch trên đường đi cũng như cả dãy nhà trọ là rất lớn. Lực lượng y tế, dân quân quá mỏng không thể thường xuyên chia quân kiểm tra, nhắc nhở, xử lý được".

Trước tình huống đó, huyện Hóc Môn đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch, thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường có thể vận hành vào tuần sau, cách ly điều trị đối với các ca F0 không có điều kiện điều trị. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP ngăn chặn các ổ dịch, tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, quản lý triệt để các chợ tự phát...

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận, hiện nay số ca mắc mới trong cộng đồng tăng, đây cũng là điều tất yếu khi TPHCM mở cửa. Tuy nhiên, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã và đang phối hợp với ban chỉ đạo, chính quyền, y tế quận huyện để theo dõi, kiểm soát dịch, cũng như nỗ lực điều trị những ca bệnh chuyển nặng.

"Một số cơ sở y tế địa phương đang gặp khó khăn do nhân viên y tế chi viện rút đi, đặc biệt có sự quá tải cục bộ. Sở Y tế đã tăng cường lực lượng cho y tế địa phương để hỗ trợ, theo dõi các trường hợp mắc bệnh.

Sở Y tế khuyến khích, hỗ trợ, tư vấn cho khu công nghiệp, khu chế xuất thành lập khu cách ly tại chỗ để thu dung điều trị công nhân là F0, nhất là F0 có triệu chứng nhẹ, khi vận hành", Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI