TP.HCM: Bảo tồn di sản văn hóa chậm vì vướng… thủ tục

05/10/2022 - 06:24

PNO - Bảo tồn di sản văn hóa là hoạt động mang tính đặc thù, nhưng còn vướng nhiều luật nên tiến độ của hoạt động này vẫn chậm chạp.

Ngày 4/10, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã có cuộc làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 8/12/2019 của HĐND TP.HCM về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.

Luật gây khó cho việc xếp hạng, bảo tồn di tích

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020-2021, lượng khách đến các di tích tham quan giảm mạnh. Việc một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp đã ảnh hưởng tới việc phát huy giá trị di tích. Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích là hoạt động mang tính đặc thù của ngành văn hóa, nhưng ngoài quy định của Luật Di sản văn hóa, còn có các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công nên tiến độ của hoạt động này vẫn chậm chạp.

Ông Cao Thanh Bình (đứng) chủ trì buổi giám sát - ẢNH: QUỐC NGỌC
Ông Cao Thanh Bình (đứng) chủ trì buổi giám sát - ẢNH: QUỐC NGỌC

Đại diện sở này cho rằng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế của nền kinh tế thị trường ở đô thị lớn như TP.HCM, gây nhiều khó khăn, bất cập. Hiện tượng bất đồng nội bộ, tranh chấp đất đai giữa người dân và di tích vẫn diễn ra. Đội ngũ quản lý trực tiếp di tích đa phần được cộng đồng dân cư bầu lên, ít có đội ngũ quản lý di sản văn hóa có trình độ chuyên môn. Hoạt động liên kết giữa các bảo tàng, các di tích lịch sử, văn hóa với các công ty du lịch còn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc thu hút du khách và các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm chưa được tốt.

Theo tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu - thành viên đoàn giám sát - ngoài việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích và danh lam thắng cảnh gặp nhiều khó khăn do quy định hiện hành, qua kiểm kê di tích, giữa Luật Di sản văn hóa và lịch sử vùng đất phía Nam có quá nhiều điều chênh nhau: “Nếu áp dụng luật hiện hành thì vùng đất phương Nam cực kỳ thiệt thòi khi muốn xếp hạng di tích”.

Luật yêu cầu phải đưa ra đánh giá về niên đại hoặc về những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử có tầm vóc. Ở vùng đất phía Nam, đình làng được rất nhiều cộng đồng muốn được xếp hạng di tích để bảo tồn một nét văn hóa giữa đô thị nhưng nếu như xét dưới góc độ các sự kiện lịch sử hay kiến trúc nghệ thuật thì các di tích này thường chưa đạt. “Việc xây dựng lên vùng đất này chủ yếu là công của các cộng đồng người dân chứ không phải chỉ một vài nhân vật lịch sử” - bà Nguyễn Thị Hậu nói.

Kiến nghị đưa văn hóa, thể thao vào Luật Đầu tư 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - di sản văn hóa TP.HCM không chỉ gồm các di sản vật thể mà còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và cả những ký ức của cộng đồng. Nhưng hiện nay, chưa có cơ chế riêng tạo thuận lợi cho việc tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa. 

Bà Thanh Thúy nói: “Sở đã đề nghị đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao vào trong nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc hai lĩnh vực này không có trong danh mục đầu tư PPP đã gây rất nhiều khó khăn cho sở trong việc phối hợp xã hội hóa hay liên doanh, liên kết. Trong góp ý sửa đổi Nghị quyết 54 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) sắp tới, chúng tôi cũng đã đề nghị rất nhiều nội dung đột phá để giúp ngành văn hóa tháo gỡ khó khăn và từ đó khuyến khích được nguồn lực. Chúng tôi khẳng định rằng, nguồn lực của chúng ta rất nhiều và chúng tôi đã nhìn ra cái gì đang là rào cản rồi mạnh dạn đề xuất giải pháp”.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM - cho rằng, nếu vẫn không nhanh chóng hành động mà vẫn chậm chạp như thời gian qua thì không khéo di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ (H.Cần Giờ) cũng sẽ cùng chung số phận với lò gốm Hưng Lợi (Q.8). Điều quan trọng của quản lý văn hóa là tính đa ngành, đa chiều, đa lĩnh vực chứ một ngành riêng lẻ sẽ không làm được. Ông cho biết, sẽ đưa kết quả giám sát vào chương trình “Dân hỏi, chính quyền trả lời” để mọi việc phải trở nên rõ ràng. 

Chưa có chế độ hỗ trợ nghệ nhân

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, hệ thống cơ sở vật chất của các bảo tàng hầu hết là tận dụng lại các dinh thự, nhà ở. Vì vậy, việc bố trí không gian trưng bày bị hạn chế, kho hiện vật của các bảo tàng đa phần là kho tạm, có nơi bị xuống cấp, thiếu cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng. Sở đã chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động trưng bày, thuyết minh, nhưng chưa được triển khai đồng bộ, đầy đủ. Nội dung trưng bày của các bảo tàng chưa tạo được điểm nhấn, chưa thực sự hấp dẫn và thu hút khách tham quan. Việc tuyên truyền, tiếp thị hoạt động bảo tàng chưa khoa học, chưa có chiến lược dài hạn. 

Theo lãnh đạo sở, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ vai trò của cộng đồng trong việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Trong Nghị định số 62/2014/TT-BVHTTDL về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, có quy định nội dung chi nhưng lại không đưa ra mức chi cụ thể, gây khó khăn cho việc thực hiện. Các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Hiện chưa có chế độ riêng để hỗ trợ nghệ nhân trong việc phát huy tài năng, sự sáng tạo; chưa có sự quan tâm hỗ trợ đối với nghệ nhân nghèo.

Quốc Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI