Nhiều góp ý sửa đổi Luật Di sản văn hóa

01/08/2022 - 06:40

PNO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy năm 2024. Các nhà chuyên môn đã đóng góp nhiều vấn đề cho dự thảo.

Chú trọng lợi ích chính đáng của người dân 

Giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập đến khái niệm, thuật ngữ “di sản đô thị” hoặc “di sản kiến trúc nông thôn”. “Thực tế cho thấy, các quỹ kiến trúc đô thị và nông thôn luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn đối kháng giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, phát triển”, ông Hoàng Đạo Kính nói. Theo ông, khái niệm và thuật ngữ di sản đô thị, di sản nông thôn cần được đưa vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị, nông thôn là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo các khu di sản, bởi các quy chế, quy định đối với các công trình, di tích, đường phố cần được bảo tồn ở các cấp độ khác nhau. 

Di tích quốc gia Chùa Đậu (H.Thường Tín, Hà Nội) được trùng tu theo cách không phù hợp, gây bức xúc dư luận. Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý - ẢNH: T.L
Di tích quốc gia Chùa Đậu (H.Thường Tín, Hà Nội) được trùng tu theo cách không phù hợp, gây bức xúc dư luận. Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý - ảnh: T.L

Tiến sĩ Lê Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - quan tâm tới việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể từ khái niệm đến các biện pháp bảo vệ. Theo bà, trong Luật Di sản văn hóa 2001, khái niệm di sản văn hóa phi vật thể không nói gì về chủ thể, di sản đó có đang thực hành không, không gian của nó ra sao, được kế thừa như thế nào? Sang luật sửa đổi năm 2009, khái niệm này đã khắc phục được các hạn chế trên. Song cần nói rõ thêm nội hàm “giá trị lịch sử”, “đa dạng văn hóa”, “trao truyền”, “tái sáng tạo” và “phát triển bền vững”. “Đó là các nội dung gắn với các biện pháp bảo vệ, mục tiêu của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003. Những từ khóa quan trọng này sẽ là cơ sở để phát triển chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, tiến sĩ Lê Minh Lý nói.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP. Đà Nẵng đặt vấn đề: Theo quy định, các di tích được xếp hạng trước năm 2001 phải tiến hành lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích. Song, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện. Thực tiễn cho thấy một số di tích có diện tích, phạm vi rộng và có nhiều hộ dân đã sinh sống lâu đời trước khi di tích được xếp hạng.

Việc xây dựng công trình tại các khu vực bảo vệ di tích đã làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân địa phương. Cụ thể là người dân không được tiến hành xây dựng công trình dân dụng phục vụ nhu cầu dân sinh, hoặc nếu được xây dựng và cơi nới, sửa sang nhà cửa thì phải qua các quy trình, thủ tục phức tạp, đòi hỏi người dân phải hiểu biết về trình độ nhận thức pháp luật di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng. Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đề xuất luật bổ sung, quy định chi tiết về điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, và có cơ chế cho địa phương chủ động nghiên cứu chính sách đặc thù. 

Theo tiến sĩ Phạm Quốc Quân, cần quy định việc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân là bắt buộc (ảnh minh họa)
Theo tiến sĩ Phạm Quốc Quân, cần quy định việc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân là bắt buộc (ảnh minh họa)

Sở này cũng cho biết, hiện chưa có quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức kiểm kê di tích. Luật nên “bổ sung quy định, trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ các công trình, địa điểm đưa vào Danh mục kiểm kê như một di tích lịch sử cấp thành phố”. 

Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP. Hà Nội - đề xuất: Luật cần hoàn thiện các quy định liên quan bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích; di sản văn hóa phi vật thể; di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; di sản tư liệu; bảo tàng. Điều đó tạo thuận lợi trong thực tế triển khai các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật cũng cần hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn. 

Theo sở này, việc hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng rất cần thiết. Cần có các chính sách tăng đầu tư cho văn hóa từ ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Cho phép các địa phương thành lập Quỹ bảo tồn di sản và phát triển văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo, các trung tâm thiết kế sáng tạo, các sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng cao. Luật cũng cần có những điều khoản khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra “cần quy định rõ đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương hưu, đang công tác hưởng lương ngân sách và người không có lương”, bà nói.


Phát biểu tại Hội nghị góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa diễn ra vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành các quy định pháp luật là cần thiết, trên cơ sở kế thừa, khắc phục, xây dựng các chính sách mới phù hợp. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội.

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết, để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Câu chuyện cổ vật 

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - đề cập tới hiện trạng “chảy máu” cổ vật. Theo ông, có nhiều hiện vật đã được công an thu hồi, trả về cho các di tích ở địa phương. Nhưng tội phạm chưa hề bị truy tố trước pháp luật. 

Theo tiến sĩ Phạm Quốc Quân, cần quan tâm đến việc quy định của luật có thể bị lợi dụng dẫn đến tình trạng “chảy máu” cổ vật. Cụ thể, luật quy định: “Di vật, cổ vật thuộc các sở hữu, ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của tổ chức chính trị - xã hội, được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật”. Thực tế ở Việt Nam, kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời, việc thừa kế di vật, cổ vật trong nước cũng như nước ngoài chưa hề xảy ra. Ông cho rằng, việc luật pháp cho phép bán đấu giá cổ vật, tưởng sẽ mở ra một thị trường công khai, minh bạch ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc quản lý tốt hơn, nhưng đến nay, thị trường này vẫn chưa xuất hiện ở nước ta. Những quy định của luật cần chuẩn và dự liệu được các tình huống thực tế.

Việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đặc biệt là của các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam hiện đang diễn ra vô cùng chậm chạp. Sự quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân của việc đào bới trái phép cổ vật, mất cắp cổ vật ở các cơ sở thờ tự, xuất lậu cổ vật… Tiến sĩ Phạm Quốc Quân đề xuất: “Đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân phải là bắt buộc, không chỉ là khuyến khích các chủ sở hữu đăng ký”. 

Tùng Hạ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI