Tốn cả núi tiền, vẫn hoàn ô nhiễm - Bài 2: Nước đen bủa vây, nhà máy ngàn tỷ nằm chờ

12/12/2018 - 11:34

PNO - Có nơi, nước thải sau khi xử lý lại đổ ra kênh đen ngòm; có nơi, nhà máy xử lý nước thải xây xong nhưng... không có nước để xử lý.

Dòng nước màu nâu nhạt vừa mới ra khỏi cống xả thải, liền bị bao phủ bởi một màu đen kịt. Đó là cảnh tượng diễn ra hằng ngày ở nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa - công trình xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên của TP.HCM.

Nước sau xử lý lại bị nhuộm đen

Những ngày đầu tháng 12/2018, mực nước trên kênh Nước Đen (Q.Bình Tân, TP.HCM) xuống thấp, nước kênh càng đen sệt lại như nhớt xe máy lâu ngày mới thay, nước dơ đến nỗi nhuộm đen luôn màu đất hai bên bờ kênh. Dù mực nước kênh xuống thấp nhưng lượng nước sau khi đã qua xử lý từ nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) chảy ra cũng nhanh chóng bị bao phủ bởi một màu đen kịt.  

Ton ca nui tien, van hoan o nhiem - Bai 2: Nuoc den bua vay, nha may ngan ty nam cho
Nước đã qua xử lý ở nhà máy Bình Hưng Hòa khi vừa đổ ra kênh Nước Đen, liền bị dòng nước ô nhiễm “nuốt chửng” - Ảnh: Hoàng Nhiên

Người dân sống ven kênh Nước Đen cho biết, từ lúc có nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa đến nay, nước trên kênh vẫn vậy, chưa từng thấy dòng kênh này đổi sang màu khác. “Vào mùa mưa, những hôm nước kênh dâng cao, màu đen có vẻ nhạt hơn, còn lại, hầu như lúc nào nước kênh cũng đen sì. Hình như trước đây, dòng kênh này có tên khác nhưng do kênh dơ quá nên mới đặt tên là kênh Nước Đen” - một người dân sống trên đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn gần kênh Nước Đen, nói.

Qua hình ảnh chúng tôi cung cấp, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) - cũng ngao ngán: “Lượng nước qua xử lý ở nhà máy Bình Hưng Hòa quá ít so với lượng nước trên kênh Nước Đen nên mức độ pha loãng để làm sạch nước kênh rất thấp, chẳng thấm vào đâu”. 

Một kỹ sư từng có nhiều năm công tác tại Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa là công trình thuộc dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, do Vương quốc Bỉ tài trợ vốn không hoàn lại, cũng là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đầu tiên của TP.HCM.

Nhà máy này được giao cho Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM vận hành từ năm 2006, với công suất xử lý khoảng 30.000m3/ngày đêm. Nước sau khi thu gom từ khu vực Bình Hưng Hòa về nhà máy xử lý đạt quy chuẩn loại B, sẽ được xả ra kênh Nước Đen. Tuy nhiên, do nguồn nước đổ về kênh Nước Đen quá lớn và mức độ ô nhiễm quá cao nên chất lượng nước kênh không mấy cải thiện.

Hiện nay, khối lượng nước thải qua xử lý ở nhà máy Bình Hưng Hòa xả ra kênh Nước Đen trung bình từ 28.000 - 29.000m3/ngày đêm, chi phí vận hành nhà máy và công tác chăm sóc, bảo dưỡng các hạng mục liên quan ở nhà máy này khoảng 17 tỷ đồng/năm. Nếu tính từ năm 2006 đến nay, số tiền ngân sách chi trả cho công tác vận hành nhà máy Bình Hưng Hòa rất lớn nhưng dòng kênh Nước Đen chưa biết đến khi nào mới hồi sinh. Theo tiến sĩ Thuận, để việc xử lý nước thải đem lại hiệu quả thực sự, cần phải có sự đầu tư đồng bộ trên một lưu vực rộng lớn. 

Nhà máy ngàn tỷ chờ đường cống

Bị bủa vây bởi những dòng nước đen kịt, nhiều năm nay, người dân sống bên sông Vàm Thuật và kênh Tham Lương (Q.Gò Vấp và Q.12) luôn trông ngóng nhà máy xử lý nước thải Tham Lương (P.An Phú Đông, Q.12) sớm hoàn thành. Thế nhưng, khi nhà máy này xây xong, người dân lại càng thêm thất vọng. “Nhà máy xây xong rồi mà tuyến cống thu gom nước vẫn chưa thấy đâu. Chẳng biết đến khi nào, nước sông mới trong xanh trở lại” - anh Sơn nhà ở bến đò An Phú Đông B, Q.Gò Vấp - nói.

Ton ca nui tien, van hoan o nhiem - Bai 2: Nuoc den bua vay, nha may ngan ty nam cho
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương đã xây xong nhưng chưa có nước thải để xử lý Ảnh: Hoàng Nhiên

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền thực hiện với mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất. Công trình này có mục tiêu thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tham Lương là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt lớn thứ hai ở TP.HCM (sau nhà máy Bình Hưng ở H.Bình Chánh). Trong giai đoạn 1, nhà máy có công suất xử lý 131.000m3/ngày đêm. Khởi công từ năm 2015, đến cuối năm 2017, nhà máy Tham Lương đã cơ bản hoàn thành nhưng đến nay, do hệ thống cống thu gom nước thải đưa về nhà máy chưa được xây dựng nên nhà máy chỉ vận hành tạm thời với lượng nước thải “nhỏ giọt” thu gom từ một số tuyến kênh rạch gần nhà máy.

Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP.HCM, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương là một dự án thành phần thuộc dự án Cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (còn gọi là dự án quản lý rủi ro chống ngập TP.HCM), dự án có tổng mức đầu tư hơn 400 triệu USD, trong đó có gói thầu xây lắp tuyến cống bao thu gom, dẫn nước thải về nhà máy để xử lý đạt quy chuẩn loại A, sau đó xả ra sông.

Giống như dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi có tuyến cống bao, nước thải ô nhiễm trên lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ không còn đổ xuống kênh mà được dẫn về nhà máy để xử lý. Theo đó, nước kênh Tham Lương và sông Vàm Thuật dần dần sẽ được cải thiện, giảm bớt ô nhiễm. Nhưng từ giữa năm 2017, do Ngân hàng Thế giới dừng tài trợ 400 triệu USD cho dự án quản lý rủi ro chống ngập nên gói thầu xây dựng tuyến cống bao kênh Tham Lương cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện TP.HCM đang tìm nguồn vốn khác để thực hiện hạng mục này, nhưng chưa biết đến khi nào, công trình mới được khởi công.

Ông Thái Minh Hòa - nguyên Phó giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình xử lý nước thải đô thị - cho biết, đối với loại công trình này, nên ưu tiên xây cống bao thu gom nước trước, rồi mới xây dựng nhà máy sau. “Với các nhà máy công suất lớn, thời gian thi công tuyến cống bao thu gom nước thải thường kéo dài từ 4 - 5 năm, trong khi đó, thời gian thi công nhà máy xử lý chỉ khoảng 2 năm. Do đó, nếu xây nhà máy trước mà chưa có cống bao thu gom nước để xử lý, sẽ dẫn đến tình trạng nhà máy phải nằm chờ, gây lãng phí” - ông Hòa giải thích.

Chờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hồi sinh

Được xem là tuyến kênh sạch nhất ở khu vực nội thành TP.HCM hiện nay, nhưng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái ô nhiễm, do nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được xây dựng. Từ năm 2012 đến nay, do công trình chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 nên nước thải trên lưu vực này chỉ mới được thu gom về trạm bơm Nhiêu Lộc để lắng lọc tạm thời rồi đổ ra sông Sài Gòn, chứ chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi xả thải. 

Vào đầu mùa mưa hằng năm, nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thường bị ô nhiễm do nước thải tràn xuống cùng với tình trạng xáo trộn lớp bùn dưới đáy kênh. Có năm, nước kênh bị ô nhiễm nặng khiến cá chết hàng loạt. Vì thế, chỉ đến khi nào nhà máy xử lý nước thải của lưu vực này được xây dựng và đi vào vận hành, dòng kênh mới thực sự được hồi sinh. Dự kiến đến năm 2019, nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được khởi công xây dựng.

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI