Bệnh trầm cảm: Yêu thương - phương thuốc diệu kỳ!

Tôi từng là một "ngôi sao"

13/04/2021 - 06:28

PNO - Trước đây nghe ai tự tử, tôi ghét lắm. Nhưng đến lượt mình rơi vào trầm cảm, tôi luôn tự hỏi: "Tại sao đầu tôi luôn nghĩ đến cái chết?".

 

Hình ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từng là một cô gái mạnh mẽ, tôi luôn phê phán những bạn trẻ tự tử. Tôi nghĩ họ thật vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, họ quá yếu đuối. Tôi chẳng hiểu được cảm giác của họ cho tới khi tôi bị trầm cảm. Tôi biết rằng khi đã không có một lý gì do để tiếp tục, có lẽ tôi đã giống họ - những con người tự tử vì trầm cảm.

Tôi là ngôi sao cô đơn

Tôi tên là Đinh Thị Tú Sương, sinh viên năm tư của một trường đại học nổi tiếng ở TPHCM và đang theo một trong những ngành có điểm đầu vào cao nhất nhì trường. Tôi và cả gia đình mình luôn tự hào vì điều đó.

Từ cấp 1 đến cấp 3, tôi luôn là một trong những học sinh giỏi các môn xã hội của trường. Tôi được tham gia đại hội cháu ngoan Bác Hồ từ lúc nhỏ. Tôi luôn được thầy cô ưu ái, vì vừa học giỏi lại ngoan ngoãn. Các em lớp dưới luôn coi tôi là một trong những tấm gương để phấn đấu.

Ngược lại với tài năng, ngoại hình của tôi không nổi bật lắm. Tôi vừa lùn vừa mập đã vậy còn đen với mái tóc xơ rối, khuôn mặt không mấy xinh đẹp. Điều đó khiến tôi khá tự ti, tuy nhiên nó không quá quan trọng với thành tích mà tôi có được.

Những tấm giấy khen từ năm lớp 1 đến năm học lớp 12 được treo kín nhà là niềm hãnh diện của ba mẹ với họ hàng, làng xóm. Ngày tôi đậu vào trường đại học trọng điểm của TPHCM, thầy cô và bạn bè gọi điện chúc mừng nhiều lắm. Không những vậy, tôi còn đạt được số điểm thi tốt nghiệp cao nhất trường cấp ba. Vì vậy, ba mẹ tôi đã tổ chức tiệc mừng, phần là muốn báo tin cho họ hàng, phần là cảm ơn các thầy cô. Bây giờ nghĩ lại, tôi ước gì hồi đó đừng tổ chức bữa tiệc đậu đại học.

Đại học và căn bệnh trầm cảm

Từ một cô gái chân quê tỉnh lẻ miền Tây lên Sài Gòn, tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nơi đây, cái gì cũng hơn hẳn ở quê, dù đã biết trước là vậy nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Đặc biệt là các bạn học, họ làm tôi choáng ngợp bởi những thành tích cá nhân. Tôi cứ nghĩ mình đã ưu tú rồi nhưng thật ra mình chỉ là hạt cát trong sa mạc mà thôi.

Dù vậy tôi vẫn không nản chí, tôi chăm chỉ học hành. Tôi luôn đi sớm về muộn, chăm chú nghe giảng và thường xuyên vào thư viện đọc sách, nghiên cứu. Vì kinh tế gia đình khó khăn, tôi còn phải đi làm thêm để tự trang trải phí sinh hoạt.

Khi bắt đầu học chuyên ngành, tôi bị áp lực bởi chương trình khá nặng. Các môn học đa số phải làm việc nhóm, vừa không có bạn bè thân, lại tự ti về mọi khiến mặt tôi luôn khó khăn trong việc ghép nhóm. Quá trình làm việc nhóm đòi hỏi nhiều kỹ năng, có những kỹ năng tôi không giỏi thậm chí không biết.

Tôi thấy mình như trở thành gánh nặng cho các bạn. Tôi sợ sệt ánh mắt của họ, sợ những lời phán xét, có lẽ họ thấy tôi thật vô dụng nhưng không dám nói ra. Từ một cô gái luôn mạnh dạn phát biểu trước lớp, có những lập luận sắc bén và chính kiến, tôi trở thành một cô gái nhút nhát và tự ti. Tôi ngày càng hoài nghi về bản thân.

Mục tiêu có thành tích học tập cao, trở thành người thành đạt ngày càng một xa. Đây không chỉ là mục đích của tôi mà còn là sự kỳ vọng hay là một viễn cảnh tương lai mà ba mẹ và thầy cô đã vẽ ra trong đầu tôi. Tôi ước gì bữa tiệc mừng đã không được tổ chức, để ba mẹ đừng kỳ vọng quá nhiều. Tôi sợ bản thân không giỏi, sợ mình không thành công. Tôi thấy thực tại bản thân thật kém cỏi, tôi không thể nào đạt được những mục tiêu trên.

Cuộc sống trở nên mơ hồ, tôi không biết mình tồn tại để làm gì, tôi thấy bản thân thật vô dụng. Nhưng việc học vẫn phải tiếp tục, tôi như người chèo thuyền mà để quên mái chèo. Tôi bơ vơ ở giữa dòng sông nhìn những chiếc thuyền khác tiến về phía trước, không thể nào đuổi kịp.

Lúc một mình, tôi lại ngồi suy nghĩ, tôi cố tìm ra điểm mạnh của bản thân nhưng mãi không tìm thấy. Nó chỉ khiến tôi thêm thất vọng và buồn bã. Có những đêm tôi ngồi suy nghĩ tới sáng. Vì ngủ không đủ giấc nên thường xuyên ngủ gật trong lúc lái xe. Đầu tôi cứ lặp đi lặp lại những hoài nghi về bản thân tới mức mất tập trung trong nhiều việc. Có lần đang đi xe, vì không tập trung nên tôi bị ngã, may là chỉ bị xây xước.

Đỉnh điểm của việc trầm cảm là tôi từng nghĩ cách tự tử ở mọi nơi. Rất may trong thời điểm này tôi còn có cô giáo dạy văn hồi cấp 3, người thường nghe tâm sự của tôi qua điện thoại. Cảm giác được thấu hiểu, có người quan tâm khiến tôi có lý do nghĩ đến việc sống tiếp. Bất giác tôi nhớ đến các vụ sinh viên nhảy lầu tự tử, trước đây tôi từng phê phán họ nhưng bây giờ tôi lại đồng cảm với họ. Có lẽ khi quyết định tự tử, họ cảm thấy không còn một ai thấu hiểu, không có lý do gì cho họ sống tiếp.

Một thời gian sau, vì không chịu được suy nghĩ tiêu cực của tôi, cô giáo đã chọn cách im lặng. Mất đi người để tâm sự, tôi như rơi vào vực thẳm. Tôi nghĩ nên tạm dừng việc học lại, cho mình thời gian để suy nghĩ. Tôi muốn được giải thoát bản thân khỏi vực thẳm. Cuộc sống của tôi lúc đó tối tăm như tiền đồ của chị Dậu vậy.

Tìm thấy lối thoát

Không tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, không có hy vọng, không có tương lai. Tôi đã bảo lưu một năm học để ở nhà. Lúc này tôi không thể giấu ba mẹ chuyện của mình. Nhưng quyết định nói ra vấn đề của bản thân cũng giúp tôi vơi đi gánh nặng trong lòng.

Trong khoảng thời gian nghỉ học, tôi gặp được một người bạn mới. Bạn ấy mở ra cho tôi một thế giới mới, kéo tôi ra khỏi vực thẳm tăm tối kia. Cách suy nghĩ của bạn thật đơn giản: làm thật tốt việc của mình và sống vui vẻ. Nhìn bạn ấy sống vui vẻ, không có tham vọng, tôi hiểu ra vấn đề của bản thân.

Tôi đã đặt mục tiêu quá cao, quá tầm với của mình. Được bạn ấy quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu, tôi nghĩ rằng “thì ra cuộc sống này còn có cái để mình tiếp tục sống”. Tôi bắt đầu học cách buông bỏ, buông bỏ việc so sánh mình với các bạn học, buông bỏ đánh giá của họ hàng, thầy cô và bạn bè. Tôi sẵn sàng nói với họ rằng, tôi không giỏi như họ nghĩ. 

Đôi khi học cách buông bỏ và chấp nhận cũng là cách khiến chúng ta sống vui vẻ hơn. Hiện tại tình trạng tâm lý của tôi đã tốt hơn, tuy vẫn còn nhiều mặc cảm về bản thân. Tôi đã trở lại trường học và thấy rằng không phải mỗi tôi căng thẳng mà các bạn của tôi đều như vậy, chỉ là họ không nói ra mà học cách đối diện và bước qua.

Đinh Thị Tú Sương

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.

Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TPHCM), có đến 6% dân số tại TPHCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương thuốc diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI