Tôi sốc khi phát hiện con gái của mình hút thuốc

23/08/2023 - 20:55

PNO - Nghiêm khắc quá mức cũng khiến con dễ nổi loạn, mà nhẹ nhàng quá đà thì con có thể sẽ qua mặt ba mẹ và tiếp tục hút thuốc.

Xin chào Hạnh Dung

Con gái tôi năm nay lên lớp 9, là năm cuối cấp rồi, thực lòng tôi có hơi hoang mang vì sức học của cháu cũng chỉ bình thường thôi, nhưng cháu luôn tỏ ra điềm tĩnh và không có vẻ gì là lo lắng cho chương trình học rất nặng nề vào năm học sắp tới cả.

Ở nhà, cháu là một đứa con ngoan, hay giúp đỡ ba mẹ và các chị em. Chỉ có điều cháu lầm lì, ít nói, ít chia sẻ. Đi học thì thôi, về đến nhà cháu chỉ muốn rúc vào phòng riêng. Nhưng khi tôi cần nhờ gì thì cháu vẫn luôn có mặt.

Mới hôm qua, cậu của cháu gọi điện kể cho tôi nghe một chuyện động trời. Cậu vừa bắt gặp cháu đang vừa đi trên đường vừa phì phèo thuốc lá điện tử. Cậu chặn đầu xe của cháu lại, tịch thu thuốc lá, và dọa sẽ nói với ba mẹ. Thái độ cháu lúc đó không có vẻ gì là sợ sệt cả.

Tôi hoàn toàn bị sốc khi nghe tin này. Hình ảnh đó quá xa lạ với đứa con gái ngoan ngoãn của tôi. Tôi giận run người mà không biết phải xử lý chuyện này thế nào? Tôi đã nghĩ sẽ đánh cháu một trận, nhưng khi nhìn thấy cháu trở về, lại rúc vào phòng riêng, tôi chỉ biết đau khổ viết thư này cho Hạnh Dung mà chẳng biết mình phải làm gì lúc này nữa.

Hạnh Dung hãy cho tôi một lời khuyên. Lần đầu tiên tôi thấy mình bất lực như vậy.

Tường Vi (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tường Vi thân mến!

Mừng vì trong lúc muốn "nổi điên" nhất, chị lại chọn cách viết thư cho Hạnh Dung, thay vì đánh cho cháu một trận như dự tính. Thực sự là việc đầu tiên, tốt nhất, nên làm, trong trường hợp này, chính là chúng ta phải giữ được bình tĩnh. Các biện pháp trừng phạt, la mắng, đánh đập… không phải là cách chấm dứt triệt để tình trạng này, chị ạ.

Sự thống nhất trong cách dạy con giữa những người lớn trong gia đình đặc biệt quan trọng. Vợ chồng chị nên trao đổi và thống nhất với nhau về cách xử lý tình huống. Đừng để xảy ra tình trạng “kẻ đấm, người xoa”, cháu sẽ nghĩ rằng mọi sai lầm đều có thể dễ dàng mắc phải, thì cũng dễ dàng được cho qua. Vậy thì cháu không việc gì phải cố gắng để sửa chữa sai lầm đó.

Khi đã thực sự bình tĩnh, việc tiếp theo chị cần làm là nói chuyện một cách nghiêm túc với con để tìm hiểu nguyên nhân cũng như tình trạng của con hiện tại. Con hút thuốc vì lý do gì? Hút từ khi nào? Liệu con có nghiện thuốc lá chưa, hay chỉ mới tập tành thử? Việc trò chuyện này có thể mất nhiều thời gian hơn là mình nghĩ, bởi không phải đứa trẻ nào cũng đồng ý “hợp tác” với ba mẹ ngay từ lần nói chuyện đầu tiên.

Tuyệt đối không nên trách mắng con trước mặt người khác, dù là anh chị em trong gia đình. Điều này rất dễ tổn thương lòng tự trọng của con, khiến con càng muốn nổi loạn hơn, và làm những điều mình không được phép.

Sau khi trò chuyện với con, phân tích rõ ràng những tác hại của thuốc lá, chị có thể yêu cầu con dừng ngay việc này lại để bảo vệ sức khỏe của mình. Hãy để con tự nguyện cam kết thực hiện điều này. Nếu ba mẹ phát hiện con hút thuốc lá một lần nữa thì chắc chắn con sẽ nhận những hình phạt phù hợp.

Đừng quên dõi theo những diễn biến của con sau đó để xem con còn sử dụng thuốc lá hay không. Tất nhiên, việc này chỉ nên thực hiện một cách âm thầm để cháu không có cảm giác mình bị theo dõi, bị nghi ngờ, dẫn đến tổn thương vì không được ba mẹ tin tưởng.

Ở lứa tuổi dậy thì, tâm lý của con chưa ổn định và còn nhiều xáo trộn, vì vậy chị phải kết hợp cả cứng rắn lẫn mềm mỏng. Nghiêm khắc quá mức cũng khiến con dễ nổi loạn, mà nhẹ nhàng quá đà thì con có thể sẽ qua mặt ba mẹ và tiếp tục hút thuốc.

Trong nhiều gia đình, việc trẻ hút thuốc lá còn bắt nguồn từ chính việc thấy người thân của mình hút thuốc. Do đó, khi phát hiện con hút thuốc lá, thay vì tức giận, người lớn trong nhà cũng nên ngẫm nghĩ lại xem mình có đang hút thuốc không. Chúng ta yêu cầu trẻ không được hút thuốc lá, nhưng chính chúng ta cũng đang làm điều đó trước mặt trẻ, thì con sẽ cảm thấy không công bằng, bị phân biệt đối xử và dẫn đến tình trạng chống đối để tiếp tục hút thuốc.

Mọi hành động của ba mẹ trong lúc này, từ trò chuyện, nghiêm khắc yêu cầu bỏ thuốc, dõi theo con... đều nên được làm bằng tất cả tình yêu thương, và tin tưởng con sẽ trở nên tốt hơn. Khi cảm nhận được điều này một cách rõ ràng, con sẽ hình thành ý thức phải thay đổi, không chỉ vì bản thân mình, mà còn vì một tình yêu thương rất lớn từ gia đình mà mình không thể, không được phép phản bội.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI