Tô cao lầu đạt "chuẩn bà nội"

02/09/2023 - 16:44

PNO - Mỗi khi các con khen: "Ngon quá! Con thấy mẹ nấu cao lầu đạt chuẩn bà nội rồi đó!", tôi lại càng biết ơn mẹ chồng đã truyền lại bí quyết.

Nghỉ lễ, ngày thì tụi nhỏ đòi bánh canh chả cá, ngày ăn mì Quảng. Trước khi vào năm học mới, hai nhóc lại chọn món cao lầu. Chúng nói ăn ngon để càng nhớ nội!

Ngày mới về làm dâu, tôi thường theo mẹ học nấu các món ăn xứ Quảng. Xứ gì món nào cũng ngon, đậm đà, ăn một lần rồi thèm thuồng, nhớ mãi. Trong đó, tôi thương nhất món cao lầu không chỉ bởi sự tuyệt vời của món ăn mà còn vì ngọt ngào tình mẹ.

Tô cao lầu chuẩn bà nội con trai chụp ở nhà không thua gì tô cao lầu ở đường Thái Phiên- phố Hội mà ba bọn nhỏ gửi hình về.
Tô cao lầu "chuẩn bà nội" con trai chụp ở nhà dịp lễ (ảnh trên) không thua gì tô cao lầu ở đường Thái Phiên, phố Hội (ảnh dưới) mà ba bọn nhỏ đi thăm quê ghé ăn, gửi hình về.

Nhưng phải mất 3 năm, tôi mới bắt đầu nấu được 1 nồi cao lầu cho ra hồn ra vía. Trước đó, tôi chỉ biết công đoạn rửa rau, hầm xương, nấu nước dùng. Sau nữa tôi mới nhào bột, cán mì, cắt sợi cho thật giống sợi cao lầu ăn ở đường Thái Phiên, phố cổ Hội An thời mới yêu trai xứ Quảng. Hồi chưa lập gia đình, tôi chưa lần nào đụng đũa nấu bếp, nhưng nay đã học được cách làm thịt xá xíu vị ngon thần thánh đúng… chuẩn mẹ chồng.

Biết nàng dâu tiểu thư chỉ biết ăn, biết học, lấy chồng rồi… đi dạy, nên mẹ cũng nương chìu tôi hết mực. Từng việc nhỏ trong nhà mẹ giành phần hết. Tôi đi dạy về chỉ biết lăn vào chơi với con, ăn cơm xong rửa mấy cái nồi, cái chén…

Mẹ không ép dâu làm việc nhà, nhưng thấy mẹ tảo tần, cô "công chúa" phải động tay chân. Khi làm việc nhà với mẹ, tôi học được nhiều bí quyết. Như với món cao lầu này, mẹ chỉ từ cách chọn miếng thịt ba rọi rút sườn nạc sát da; cách ướp thịt, hầm xương sao cho ngon ngọt và dậy hương nhiều nhất. Nhớ có lần đểnh đoảng, con lỡ tay bỏ quá nhiều ngũ vị hương làm mẹ phải chần lại thịt để món ăn bớt hăng. Lần khác thì con tâm hơ tâm hất 2 lần nêm muối mặn chát nồi xương, mẹ liền lấy ngay hành tây, củ cải trắng cùng củ sắn bỏ vào nồi nước dùng để "san" độ mặn.

Tôi trộm nghĩ chưa có món ăn nào phải công phu như món cao lầu "kiểu bà nội" hết. Mẹ không mua sợi mì cán sẵn, cũng không mua xá xíu bên ngoài. Mẹ tỉ mẩn trong từng công đoạn nấu cao lầu, từ lựa gạo, canh thời gian ngâm, bỏ vào cối xay, rồi nhồi bột. Bà mẹ quê nhưng mẹ dùng các dùng cụ bếp hiện đại thoăn thoắt, tôi chỉ biết mắt tròn, mắt dẹt học theo. Hành, ớt ngâm chua... tất cả tự tay mẹ chuẩn bị từ 1, 2 hôm trước.

Rau ăn với cao lầu mẹ chọn rau tươi ngon, rồi ngâm rửa kỹ càng. Những cái bánh phồng vuông vuông, giòn giòn thả vào tô bánh, mẹ chiên và đựng đầy cả hũ thủy tinh to từ mấy hôm trước. Có bánh phồng, tụi nhỏ cứ một hồi là chạy ùa xuống bếp, ra một miếng, vô một miếng, còn tít mắt cười trêu bà nội: "Bánh phồng sắp hết rồi mà chưa có cao lầu nội ơi!". Bị cháu ăn vụng mà bà vui hớn hở: "Tụi con cứ ăn hết đi, mai thiếu, nội chiên tiếp cho!".

Tôi về làm dâu mẹ hơn 14 năm, 1 cơn bạo bệnh đã cuốn mẹ đi xa. Bếp nhà vắng mẹ 3 năm qua, tôi vẫn nổi lửa mỗi ngày, nhưng nhìn đâu cũng thấy chông chênh, thương nhớ. Lễ, tết hay giỗ mẹ, lúc nào tôi cũng sẵn sàng món tủ cao lầu. Con cháu ăn, cùng nhớ bà nội yêu thương của chúng. Nhớ những lúc mẹ bệnh, tôi tự nấu cao lầu, dẫu dâu chưa biết làm bánh phồng chiên, hành phi hơi đen tái... mẹ ăn cũng gật gật khen ngon. Nay ăn tô cao lầu tôi nấu, tụi nhỏ phấn khích: "Ngon quá! Con thấy mẹ nấu cao lầu đạt chuẩn bà nội rồi đó!". Thế nhưng tôi biết, món cao lầu tôi nấu, cháu mẹ phải khen thôi chứ so cùng tài nghệ của mẹ, tôi còn thua xa lơ xa lắc...

 Nguyễn Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI