Tỉnh yêu cầu công chức ‘không hút thuốc lá đúng nơi quy định, không nịnh bợ vì động cơ không trong sáng’

31/05/2019 - 14:20

PNO - Quyết định mới đây của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấm cán bộ, công chức, viên chức “không được đánh bạc, không được sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá đúng nơi quy định”.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành một quyết định nhằm sửa đổi, bổ sung một quyết định trước đó. Tuy nhiên, trong văn bản mới này, có những câu kỳ cục, “muốn hiểu sao thì hiểu”.

Tinh yeu cau cong chuc ‘khong hut thuoc la dung noi quy dinh, khong ninh bo vi dong co khong trong sang’
Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã được đăng trên Công báo của tỉnh này

Quyết định 22/2019/QĐ-UBND được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế có đoạn: “Sửa đổi, bổ sung ở khoản 3, khoản 4 của điều 6 như sau: Không được đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội hoặc các hành vi khác trái với quy định pháp luật dưới mọi hình thức; không được sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong thời gian làm việc, giờ nghỉ trưa và ngày trực; không hút thuốc lá đúng nơi quy định”.

Do nằm trong mạch văn về những điều “không được làm” nên cụm từ “không hút thuốc lá đúng nơi quy định” có thể được hiểu là: ở những địa điểm nào, chỗ nào được cho phép hút thuốc lá thì... không được hút; còn ở những địa điểm nào quy định cấm hút thuốc lá thì... được hút thoải mái?

Trong đoạn khác, Quyết định 22/2019/QĐ-UBND nêu: “Sửa đổi khổ văn thứ nhất, điểm a, khoản 2 của điều 7 như sau: Phải có thái độ lịch sự, tôn trọng cấp trên, tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.

Theo nhiều từ điển, “nịnh bợ” là một hành động thấp hèn để cầu lợi từ ai đó. Nịnh bợ là thủ thuật thấp hèn nhằm tìm kiếm, đạt được lợi ích hoặc tình cảm riêng tư. Nịnh là khen quá đáng hoặc khen không đúng, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm mục đích cầu lợi).

Vậy, nếu hiểu như quy định của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong văn bản này thì cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được phép nịnh bợ, nhưng phải nịnh bợ vì động cơ… trong sáng (?!).

Phải chăng nịnh bợ có hai kiểu: nịnh bợ trong sáng và nịnh bợ không trong sáng? Như thế nào thì được hiểu là nịnh bợ trong sáng?

Quyết định 22/2019/QĐ-UBND do ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ký ban hành ngày 16/5/2019 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 “Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tinh yeu cau cong chuc ‘khong hut thuoc la dung noi quy dinh, khong ninh bo vi dong co khong trong sang’
Nguồn ảnh minh họa: internet.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Nhạn - giảng viên ngành Ngôn ngữ học, Đại học Sư phạm Huế (thuộc Đại học Huế) cho rằng, cách dùng câu chữ như vậy là không rõ nghĩa.

Nguyên văn câu trong Quyết định 48/2018/QĐ-UBND mà trước đó UBND tỉnh đã ban hành là: “Không hút thuốc lá trong khuôn viên trụ sở cơ quan, phòng làm việc, phòng hợp và hội trường”. Theo tiến sĩ Nhạn, quy định như vậy là đúng và đầy đủ nghĩa, còn sửa lại như Quyết định 22 là sai và rất khó để áp dụng.

Về câu “Không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”, tiến sĩ Nhạn cho rằng, bản thân “nịnh bợ” đã là một hành động không tốt và nhằm vào mục đích không tốt.

“Bản thân từ nịnh bợ đã hàm nghĩa không trong sáng. Có ai nịnh bợ vì động cơ trong sáng không? Làm sao nhận diện được động cơ của hành vi nịnh bợ khi nó không thể hiện ra bên ngoài?” - tiến sĩ Nhạn nói.

Đắc Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI