Tìm cách làm mới cho phong trào kế hoạch nhỏ

10/03/2023 - 11:24

PNO - Kế hoạch nhỏ là phong trào khuyến khích học sinh thu gom các loại rác có thể tái chế để bán, lấy tiền gây quỹ cho các hoạt động đội (Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh). Phong trào này một thời gây tiếng vang với ý nghĩa rèn luyện cho học sinh tính tiết kiệm, sự sẻ chia nhưng nay cần được thay đổi, cải tiến bởi nó đang dần trở nên hình thức, gây mệt mỏi cho học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên.

Cha mẹ, thầy cô cũng khổ

Mỗi dịp nhà trường phát động thu gom giấy vụn, vỏ lon, các phụ huynh lại lọ mọ đi gom góp khắp nơi. Chị Phương Thảo (TP Thủ Đức, TPHCM) kể, nhà chị không có nhiều giấy báo, gom hết hơi cũng chỉ đủ 2kg cho đứa con học tiểu học. Nhà chị hiếm khi uống bia, nước ngọt nhưng chỉ tiêu cần hoàn thành của đứa con lớn học THCS là nộp tối thiểu 3kg giấy vụn hoặc 30 vỏ lon. Theo chị, trẻ con thời nay học cả ngày ở trường, tối về còn học thêm, không thể có thời gian để đi gom rác tái chế. Do vậy, phong trào kế hoạch nhỏ là của con nhưng lại thành nhiệm vụ của cha mẹ. 

Chị than: “Nhà chung cư chật chội, cần gom rác bỏ mỗi ngày, chỉ vì tích trữ cho con nộp mà phải chứa rác trong nhà ngày này qua ngày khác, vừa chật chội, vừa hôi hám. Nếu không gom đủ chỉ tiêu thì đành tìm vựa ve chai để mua lại, nộp cho xong”.

Một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Gò Vấp, TPHCM cũng cho hay, trường học nằm ngay mặt tiền đường nên thường kẹt xe. Vào ngày thu gom rác, hàng trăm phụ huynh chở những bao tải cồng kềnh giấy vụn, vỏ lon đậu trước cổng trường, cảnh ùn tắc lại càng trầm trọng. Giấy, rác mang vào trường chất đống, thầy cô cũng phải hè nhau khuân vác, sắp xếp như hàng ve chai. 

Học sinh Trường THCS N. V. T. (quận 10, TPHCM) thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ - Ảnh: P.T.
Học sinh Trường THCS N. V. T. (quận 10, TPHCM) thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ - Ảnh: P.T.

“Thời tụi tôi đi học, phong trào kế hoạch nhỏ chủ yếu khuyến khích học sinh thu gom rác tái chế chứ không ép số lượng nộp. Bây giờ, các trường chạy theo thành tích, áp đặt chỉ tiêu lên từng học sinh. Chưa kể, giáo viên còn “gửi gắm” học sinh “con nhà có điều kiện” phấn đấu nộp trên 40kg giấy hoặc 400 vỏ lon để giành thành tích “dũng sĩ kế hoạch nhỏ” cho lớp, cho trường. Phụ huynh ở cửa giữa, phần thì thương con, phần thì nể giáo viên nên cũng bị cuốn vào “guồng” thu gom ve chai để lấy thành tích” - phụ huynh này nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học có trên 5.000 học sinh ở TPHCM cho hay, thường dịp sau tết, nhà trường phát động thu gom rác tái chế nên lượng giấy, vỏ lon rất nhiều, nguyên một phòng lớn cũng không chứa đủ. Trung bình mỗi học sinh nộp 2kg giấy, tổng khối lượng cả chục tấn nên trường không khác gì vựa ve chai. Giấy vụn đỡ bốc mùi, còn vỏ lon thường rất bẩn, để qua 1 ngày là bốc mùi hôi, thành nơi trú ngụ của muỗi, côn trùng.

Mỗi lớp trên 50 học sinh, lượng phế liệu mà giáo viên chủ nhiệm phải tiếp nhận, kiểm kê rất lớn; bộ phận phụ trách đội cũng phải kiểm kê số lượng nộp của từng lớp để tính thi đua, sau đó huy động cả trường khiêng vác, sắp xếp, liên hệ điểm thu mua ve chai. 

Trong khi đó, thầy cô vẫn phải làm nhiệm vụ giảng dạy 2 buổi/ngày, tổ chức ăn, ngủ bán trú và nhiều hoạt động khác cho học sinh. Thực tế là vậy, nhưng nếu nhà trường kêu “khó” thì sẽ bị cho là không nhiệt tình với phong trào đoàn, đội.

Áp chỉ tiêu là sai bản chất phong trào 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào kế hoạch nhỏ được triển khai rộng khắp cả nước. Khi triển khai phong trào cho các tỉnh, thành, Hội đồng Đội trung ương không giao chỉ tiêu cụ thể nhưng khi từng tỉnh, thành triển khai đến quận, huyện, sau đó quận, huyện triển khai đến cấp trường thì áp chỉ tiêu tối thiểu theo từng đội viên. Căn cứ vào chỉ tiêu đó, các trường phải đảm bảo mức thu tương ứng và mức trích nộp về quận, thành phố, trung ương. 

Chẳng hạn, ở TPHCM, hội đồng đội các quận, huyện, TP Thủ Đức áp chỉ tiêu cho các trường (quy ra giấy) là tối thiểu 2kg/học sinh tiểu học và 3kg/học sinh THCS. Với mức giá trung bình 3.000 đồng/kg, các trường tự nhân với số đội viên để ra số tiền phải thu được từ phong trào kế hoạch nhỏ trong mỗi năm học. Sau đó, số tiền trên được phân bổ cho cấp liên đội trường 65%, cấp quận 20%, cấp thành phố và trung ương 15%. 

Danh hiệu của phong trào này là “chiến sĩ kế hoạch nhỏ” dành cho học sinh gom từ 20kg đến dưới 40kg giấy (hoặc 200 vỏ lon) và “dũng sĩ kế hoạch nhỏ” cho học sinh gom được trên 40kg giấy (hoặc 400 vỏ lon). Tuy không bắt buộc nhưng “luật bất thành văn” là trường nào muốn đạt thành tích thì mỗi năm học, phải vận động được vài học sinh nộp ở mức “chiến sĩ” và “dũng sĩ”.

Cô Phan Thị Tuyết - giáo viên Trường tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) - cho hay, trường giao chỉ tiêu và phát động phong trào đi kèm việc khen thưởng cho lớp làm tốt và nhắc nhở, phê bình lớp thực hiện chưa tốt. Giáo viên sợ bị ảnh hưởng thi đua nên cũng ráo riết áp chỉ tiêu lên học sinh. Nhiều khi cứ vào lớp, giáo viên chủ nhiệm nhắc học sinh phải nộp giấy vụn, vỏ lon như đòi nợ.

Không đồng tình với việc áp chỉ tiêu thu gom giấy vụn cho học sinh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) - cho rằng, việc triển khai phải đúng nghĩa phát động phong trào trên tinh thần khuyến khích đội viên tự nguyện tham gia. Nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động học sinh tận dụng rác tái chế, khả năng gia đình có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu. 

“Học sinh nào có cha mẹ làm ở viện nghiên cứu, tài liệu cũ nhiều thì gom được hơn chục ký nhưng có em chỉ gom được một ít bìa các tông. Trường không tuyên dương “dũng sĩ” và theo tôi không nên đưa ra danh hiệu này cho học sinh. Việc áp chỉ tiêu, danh hiệu để buộc học sinh, phụ huynh chạy theo thành tích, thậm chí phải đi mua về nộp là cách làm phản giáo dục” - bà Nguyễn Thị Kim Ngọc nhận xét. 

Trường không phải là nơi chứa phế liệu

Phòng giáo dục (hoặc hội đồng đội) các quận, huyện áp chỉ tiêu rồi bắt trường thực hiện là sai lệch ý nghĩa của phong trào. Chưa kể, trường học không phải là chỗ chứa phế liệu. Hiện nay, theo quy định, muốn thu gom và chứa phế liệu, các cơ sở phải có giấy phép về môi trường và giấy phép an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc mang phế liệu vào trường có thể gây nhiều hệ lụy như gây mất vệ sinh, mất an toàn phòng cháy, làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

 Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ 
- Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Quan trọng là xây dựng ý thức cho học sinh

Tôi từng hỏi 1 học sinh đạt danh hiệu “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ” rằng có tự gom được 40kg giấy thật không thì em thừa nhận xin tiền mẹ ra vựa ve chai mua để nộp cho lớp. Tôi nói với em, muốn đạt danh hiệu thì chỉ cần chịu khó quan sát ở nhà, ở trường, ai vứt báo, giấy gói, bìa các tông, vỏ lon, chai nhựa thì gom lại, tích trữ từng ngày; nếu đã tích góp cả năm mà chưa đủ thì tích cực tham gia phong trào liên đội để được cộng điểm, biểu dương.

Để phong trào kế hoạch nhỏ thiết thực, điều quan trọng nhất là xây dựng ý thức cho học sinh ngay từ trong gia đình, nhà trường. Do đó, Trường THCS An Nhơn khuyến khích học sinh xây dựng ý thức phân loại rác thải tại nhà, sau đó tự đem bán, lấy tiền nộp quỹ. Với hơn 2.300 học sinh, nếu thu gom ở trường thì rất khó đảm bảo vệ sinh môi trường. Trường không buộc học sinh phải nộp đủ chỉ tiêu. Nếu chưa đạt chỉ tiêu thì liên đội sẽ tổ chức các hoạt động khác để gây quỹ. 

Thầy Nguyễn Văn Bạc

- Tổng phụ trách Đội, Trường THCS An Nhơn, quận Gò Vấp

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI