TikTok: Lợi ít, hại nhiều với trẻ em, học sinh

09/05/2023 - 06:25

PNO - Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chỉ ra hàng loạt nguy cơ đối với lứa tuổi học sinh khi tiếp cận TikTok thiếu kiểm soát.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các mặt tích cực, tiêu cực của TikTok đối với lứa tuổi học sinh? 

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam: TikTok cung cấp các video ngắn gọn và bắt mắt, cùng thuật toán cá nhân hóa nhằm cung cấp nội dung hấp dẫn nhất với người dùng. Chưa kể, chiến lược video nối tiếp vô tận khiến người xem bị sa vào hội chứng FOMO (Fear of missing out), tin rằng còn nội dung hấp dẫn và gây sốc hơn ở các clip tiếp sau mà mình không được phép bỏ lỡ. Chính vì vậy mà chỉ sau vài năm, đến đầu năm 2023, tại Việt Nam đã có khoảng 49,9 triệu người dùng TikTok.

Điểm tích cực là TikTok có thể là một công cụ hỗ trợ giáo dục, tạo hứng thú tìm hiểu các chủ đề, khám phá thêm kiến thức mới với những cách thức tương tác sáng tạo, giúp học sinh có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp và sự sáng tạo. Tuy vậy, hàng loạt tồn tại như TikTok chưa có những biện pháp kiểm soát hiệu quả dẫn đến nhiều nội dung tin giả, tin độc hại, nhảm nhí xuất hiện tràn ngập. TikTok cũng chưa quản lý được việc sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác để bôi xấu, bắt nạt hay xúc phạm...

* Thực tế, độ tuổi tiếp cận TikTok đang ngày càng trẻ hóa, trong khi bản thân các em chưa có sức đề kháng với sự “ô nhiễm” đến từ nền tảng này, điều đó dẫn đến hệ quả gì thưa ông?

- Đúng là TikTok thể hiện sự quản lý yếu kém với độ tuổi người dùng dẫn đến nhiều trẻ em tiếp cận dễ dàng với những nội dung độc hại. Mặc dù tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok phải từ 13 tuổi trở lên nhưng thực tế rất nhiều trẻ em dưới độ tuổi này có tài khoản TikTok. Không ít em tham gia các thử thách trên TikTok và đã có trường hợp tử vong do bắt chước các trào lưu trên TikTok như: thử thách ngất xỉu, thử thách chạy qua đường khi ô tô đang chạy, thử thách treo cổ…

Hiện tại, với rất nhiều thông tin giả, trong đó có cả các video đóng giả giáo viên nhưng trong những trang phục thiếu vải, ứng xử thiếu chuẩn mực, ăn nói phản cảm có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên hình thành các chuẩn mực lệch lạc. Các em dễ so sánh bản thân với những giá trị phi thực tế, kiếm tiền bằng mọi cách vì chuộng cuộc sống sang chảnh, bắt chước cách hành xử, ăn nói lệch chuẩn vì nghĩ đó là “cool ngầu”... Hậu quả nghiêm trọng là dần dần các em bị suy giảm lòng tự trọng, lệch lạc nhận thức thế giới quan và lối sống.

* Vậy phải bảo vệ các em như thế nào, thưa ông?

- Gia đình và nhà trường cần tự nâng cao kiến thức và năng lực số của bản thân, ý thức rõ mặt lợi và hại của TikTok, nguy cơ gây nghiện của nó. Từ đó tạo ra một quy tắc sử dụng internet và các thiết bị công nghệ trong gia đình, nhà trường một cách thông minh, giới hạn thời gian sử dụng TikTok của trẻ.

Bản thân cha mẹ phải làm gương cho con. Nếu phụ huynh là người đang nghiện mạng xã hội TikTok, nghiện điện thoại nghĩa là bạn cũng đang bị thao túng. Hãy dùng thời gian của mình trò chuyện với con cái về những chủ đề để giúp con an toàn trên không gian mạng. Cha mẹ nên nói với con về cách cân bằng và lành mạnh trong không gian ảo và cuộc sống thực. Học sinh cần biết mặt trái của mạng xã hội, cần biết cách để kiểm soát thời gian sử dụng mạng phù hợp, lành mạnh. Các em cũng cần tìm hiểu và nhận diện trách nhiệm của cá nhân trên môi trường mạng, xem xét lợi ích và nguy cơ của việc chia sẻ trên mạng, những tác động đối với danh tính, hình ảnh bản thân và các mối quan hệ...

* Xin cảm ơn ông. 

P.Thanh (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI