Ngột ngạt vì tiền

06/05/2025 - 11:30

PNO - Không chỉ hẹp hòi trong những việc lớn, đến những việc nhỏ như ăn uống, mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, chồng Liên cũng chẳng hề rộng rãi.

Khi chưa cưới, cặp đôi luôn vui vẻ vì hài lòng về nhau ( Ảnh minh họa. Freepik)
Khi chưa cưới, cặp đôi luôn vui vẻ vì hài lòng về nhau ( Ảnh minh họa. Freepik)

Khi tôi nói: “Nhà cửa ít đồ đạc thế này cũng khỏe, đỡ mất công sắp xếp, dọn dẹp”, Liên kéo tôi ngồi xuống, rồi bắt đầu kể một tràng: “Chị thấy đấy, vợ chồng em lấy nhau gần chục năm rồi, nhà xây xong cũng hơn 5 năm, nhưng đến giờ vẫn chỉ trang trí sơ sài, cái gì cũng thiếu thốn. Em chán lắm, nhưng nói ra thì vợ chồng lại cãi nhau. Anh Đại quá keo kiệt trong chi tiêu.”

Không chỉ hẹp hòi trong những việc lớn, mà ngay cả những việc nhỏ như ăn uống, mua đồ dùng phục vụ giải trí hay sinh hoạt hàng ngày, chồng Liên cũng chẳng hề rộng rãi.

Liên nhớ lại, hồi mới quen, Đại mang theo tính chân chất, thật thà từ quê lên phố. Anh rất hiền, ít nói. Anh dành thời gian làm việc, quan tâm Liên bằng những hành động chu đáo nhỏ nhặt. Đại có thể nhịn ăn sáng đi làm nhưng vẫn dành tiền để mua cho Liên chiếc khăn len ấm áp khi trời trở gió. Đại đến công ty bằng xe đạp, nhưng trong tài khoản luôn có một số tiền đủ lớn để dùng khi cần. Trong mắt Liên, lúc ấy Đại đạt điểm cộng so với nhiều người có ý định tán tỉnh cô.

Cặp đôi cưới nhau sau vài tháng quan tâm, tìm hiểu. Đám cưới diễn ra ấm cúng, vui vẻ, không phù phiếm, chẳng phô trương. Liên và cả gia đình bên ngoại ai cũng mừng thầm khi chọn được chàng rể tốt tính, không chơi bời, sống cần kiệm, siêng năng.

Bây giờ, 10 năm sau ngày cưới, những ưu điểm năm nào giờ trở thành những rào cản khiến hôn nhân ngột ngạt.

Ngay như căn nhà đang ở, sau khi xây xong, mấy lần nghe Liên lên kế hoạch sắm sửa nội thất, Đại đều ngăn lại. Anh lấy lý do là phải đợi thêm thời gian, gom góp thêm tiền để sắm đồ dùng đồng bộ.

1 năm, 2 năm, bây giờ 5 năm trôi qua, bàn ghế tiếp khách vẫn chưa mua, tranh treo tường không sắm, đồ làm bếp dần cùn mòn, hư hỏng. Muốn thay thế, Đại cũng nhăn nhó bảo cái gì tiết kiệm, tái sử dụng được thì phải tận dụng tối đa.

Những chi tiêu, trải nghiệm Liên cho là cần thiết, nhưng với Đại đều biến tướng thành đua đòi.

Đã quá nhiều lần, Đại bật chế độ “đèn đỏ” khi nghe các con đòi bố chở ra ngoài ăn uống. Anh chê uống trà sữa đắt đỏ, chê những ly nước cam ở quán phí tiền, chi bằng cứ ở nhà, mở tivi rồi tự vắt nước chanh. Anh cấm con ăn xiên que, thịt nướng, kem ly ngoài hàng vì cho rằng đó đều là những thực phẩm chứa hóa chất độc hại. Đại chưa bao giờ dắt vợ đi siêu thị mua sắm, hiếm khi tặng quà vào những ngày lễ, ngày nhắc nhớ kỷ niệm trong năm. Anh nói, cần gì thỉnh thoảng cứ sắp xếp thời gian chạy ra chợ đầu mối gom sỉ, vừa tiết kiệm chi phí vừa mua được nhiều hàng hóa trong cùng một lần.

Cuộc sống chung bền vững của một gia đình nhiều thành viên luôn cần cân nhắc, vun vén bởi tư duy đúng trong tiết kiệm, tích lũy. Tuy nhiên, tiết kiệm khác với keo kiệt, tích lũy khác với đụng chuyện gì cũng đè nén, lo xa.

Sự rộng rãi thể hiện tình yêu thương đúng lúc, đúng dịp hoàn toàn khác với lãng phí, xài hoang. Dùng tiền để đổi lấy những giá trị cần thiết cũng chính là cách tạo niềm vui sống, mang đến năng lượng tích cực cho người thân.

So với nhiều gia đình, thu nhập của Liên và Đại rất ổn. Liên dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ có tiếng. Đại làm thợ cơ khí, ở quê, vợ chồng Đại còn một trang trại rộng lớn vài hecta.

Có lẽ Đại chi li, hay cằn nhằn, khó chịu không chỉ vì tâm lý tích cốc phòng cơ. Anh hẹp hòi, không quan tâm đến nhu cầu của con, của vợ do tâm ý luôn quá đặt nặng sức mạnh của đồng tiền. Với Đại, thu vào bao nhiêu cũng được nhưng khi chi ra thì tính toán từng đồng.

Chăm sóc nơi ở cũng là cách giữ lửa hôn nhân ( Ảnh minh họa. Freepik)
Chăm sóc nơi ở cũng là cách giữ lửa hôn nhân (ảnh minh họa: Freepik)

Liên nói với tôi: “Từ mai em mặc kệ. Em sẽ tự đi mua bàn ghế phòng khách, mua tủ để đầu giường. Em sẽ sắm một chiếc lò nướng, một nồi hấp và một bộ dao làm bằng thép không gỉ. Sẽ mua thêm quần áo mùa hè cho các con. Bấy lâu, mẹ con em chiều lòng anh Đại quá nhiều rồi. Bây giờ phải sống khác, thấy gì cần thiết mình cứ chi tiêu. Dần dần, anh không quen rồi cũng phải quen”.

Đúng rồi, đã sống chung thì căn nhà phải sạch sẽ, tinh tươm, các thành viên trong gia đình phải quan tâm, lắng nghe, chăm sóc nhu cầu, sở thích của nhau trong khả năng có thể. Nếu đủ điều kiện, sao phải cứ duy trì nếp sống ngột ngạt vì phải tính toán từng đồng.

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI