Một cái nhìn

Tiết chế phô trương cũng là phẩm cách một cộng đồng

21/10/2020 - 15:01

PNO - Tôi có những cuộc nói chuyện về khuyến đọc, khuyến học đúng vào dịp miền Trung đang hứng chịu hậu quả thảm khốc do lũ lụt. Trong các buổi nói chuyện, tôi có nhắc đến những điều đang diễn ra ở miền Trung để khơi gợi sự cảm thông, nhắc nhở nhau về sợi dây vô hình gắn kết những người gọi nhau là “đồng bào”.

Tôi cũng nói về chuyện Việt Nam giờ chỉ còn lại nguồn tài nguyên, nguồn lực duy nhất để cậy trông, hy vọng là con người. Nhưng con người sẽ không thể phát huy hết sức mạnh của mình trong xây dựng xã hội văn minh hạnh phúc, khi không ý thức được chuyện số phận của cá nhân mình gắn bó mật thiết và tất yếu với số phận của người khác ở xung quanh và cộng đồng mà mình thuộc về. 

Ngày hôm qua, tôi viết trên Facebook rằng: “Tôi sẽ hủy kết bạn những ai trong những ngày này khi bão lũ chưa tan vẫn mải mê đưa lên những tấm ảnh, video phô bày việc ăn chơi, khoe mũ áo, xe cộ, nhà cửa, ăn uống”. Sau một đêm, dòng trạng thái có 1.000 người like, thả tim và tất nhiên cũng có nhiều người khác phản đối/chế giễu hoặc cười nhạo tôi. 

Trong bối cảnh miền Trung đang “oằn mình” trong lũ lụt, các hoạt động chào mừng 20/10 cũng trở nên tiết chế hơn
Trong bối cảnh miền Trung đang “oằn mình” trong lũ lụt, các hoạt động chào mừng 20/10 cũng trở nên tiết chế hơn

Người Việt hay nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, và diễn giải theo hàm ý nội dung mới quan trọng; còn cái vỏ bên ngoài thì không. Tuy nhiên, xét ở bản chất, mọi vật có sự thống nhất hài hòa giữa hình thức và nội dung. Khi quan niệm, hình thức cũng chính là nội dung, “lễ” cũng chính là nội dung, ta sẽ thấy người Nhật rất coi trọng việc chào hỏi, cảm ơn và hình thức bề ngoài của mọi vật. 

Trở lại câu chuyện trên, sẽ thấy khi người trong cùng một nước bị tổn thất vì thiên tai, chuyện những người may mắn hơn bày tỏ đồng cảm là chuyện cần thiết và hợp đạo lý. Việc tiết chế phô trương những gì hào nhoáng, xa xỉ, vui chơi, giải trí của cá nhân, tổ chức không phải là một thứ vàng mã của đạo đức giả như nhiều người chế giễu, mà đó là “lễ”. Lễ này cũng không phải hình thức, mà chính là nội dung. Sự ý thức về tổn thất của đồng bào và dành một chút thời gian, hành động cụ thể để tự nhắc nhở mình là cần thiết.

Một người khi làm như vậy thì có lẽ cũng sẽ chỉ là sự tưởng nhớ, đồng cảm cá nhân, nó không có tác dụng lớn. Song, khi cả một cộng đồng làm tương tự, một cách tất yếu, hành vi đồng cảm có tính chất “hình thức” đó mặc nhiên biến thành nội dung, tạo ra một sức mạnh cộng hưởng lớn lao. Điều này giải thích tại sao từ tôn giáo tới thể thao, phong trào xã hội, vận động chính trị… người ta đều coi trọng các hành vi có tính nghi lễ hoặc biểu tượng để tạo ra sự liên kết rộng lớn.

Đến chiều 19/10, trên địa bàn xã xã Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) còn 3 càng (từ địa phương chỉ xóm nằm tách biệt - PV) và một thôn bị nước lũ cô lập
Đến chiều 19/10, trên địa bàn xã xã Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) còn 3 càng (từ địa phương chỉ xóm nằm tách biệt - PV) và một thôn bị nước lũ cô lập

Sự tiết chế các nội dung giải trí, phô trương trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân là một cách thức bày tỏ tình cảm và tạo ra sự liên kết lớn lao ấy. 

Tháng 3/2011, khi tôi đang học ở Nhật Bản, nước Nhật đang hứng chịu trận động đất lớn ở vùng Đông Bắc. Sau động đất là sóng thần và rò rỉ phóng xạ vì sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ngay sau khi xảy ra thảm họa và trong suốt gần một tháng sau đó, các kênh truyền hình ở Nhật, cho dù là truyền hình tư nhân hay truyền hình sử dụng ngân sách như NHK, đều dừng các bộ phim, chương trình giải trí, các chương trình hài… thay vào đó là các chương trình tin tức, thông tin cứu hộ, cứu nạn và cảnh báo thiên tai. Các biên tập viên, phóng viên khi lên truyền hình đều mặc áo tối màu để bày tỏ sự đồng cảm với người dân đang gánh chịu tổn thất.

Những việc trên đã góp phần tạo ra sự đồng cảm và liên kết lớn lao. Số người tình nguyện đến các vùng bị thiệt hại để giúp dân tăng kỷ lục, và xã hội không xảy ra hỗn loạn cho dù rất khó khăn. Chính các phương tiện truyền thông nước Nhật cũng ngạc nhiên; vì trong bối cảnh dân số già và xã hội hậu công nghiệp tạo ra sự cô độc lan rộng, những thanh niên trẻ ở Nhật lại có được sợi dây liên kết xã hội rộng lớn đến vậy. 

Suốt 12 ngày qua, nhà cửa của hàng ngàn người dân rốn lũ dọc sông Ô Lâu huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngập chìm trong nước, hiện tại bà con rất khó khăn khi đưa người bệnh đi cấp cứu tại Trung tâm y tế của huyện này
Suốt 12 ngày qua, nhà cửa của hàng ngàn người dân "rốn lũ" dọc sông Ô Lâu huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngập chìm trong nước, hiện tại bà con rất khó khăn khi đưa người bệnh đi cấp cứu tại Trung tâm y tế của huyện này

Nước Nhật trưởng thành, trở nên văn minh và luôn hồi sinh nhanh từ sau vô số các thảm họa lớn như động đất, sóng thần, là dựa vào sự đồng cảm lớn lao như thế. Thiết nghĩ, đó cũng là điều người Việt Nam cần học tập. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết rằng “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Đây không phải là sự giáo huấn đạo đức, mà nó là logic tất yếu của sinh tồn và phát triển.

Sự đồng cảm thể hiện bằng sự tiết chế sinh hoạt cá nhân, cho dù chỉ là trên mạng xã hội, ở quy mô lớn là một chỉ dấu của sự trưởng thành trong nhận thức về cộng đồng và trách nhiệm công dân, cũng như một nét văn hóa ứng xử giữa người với người trong cùng một quốc gia. Nói ngắn gọn, đó là một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. 

Nguyễn Quốc Vương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI