Thương đất cát chứ thương yêu gì cha già...

26/09/2017 - 13:20

PNO - Chửi bới, đâm chém với những người cùng một chỗ chui ra với mình để giành miếng ăn mới là khôn sao?

Ông Bảy là em ông nội tôi. Nhà ông Bảy ngay cạnh nhà tôi, vốn nằm chung trên mảnh đất xưa kia là vuông rào của ông cố.

Ông Bảy có 3 người con: cô Hai, cô Ba và chú Tư. Hai cô đã có chồng, ra riêng từ mấy chục năm. Bà Bảy mới mất vài năm nay. Ông Bảy đang sống cùng gia đình chú Tư. Chú Tư là người hiền lành, hòa nhã với láng giềng, hiếu thuận với gia đình. Hai cô và con cái vẫn thường lui tới, đại gia đình nào giờ rất yên ấm. 

Thuong dat cat chu thuong yeu gi cha gia...
 

Tôi đem chuyện này hỏi riêng chú Tư, chú nói chắc đứa em tôi nghe lầm, mà cũng có thể là người trùng tên người, chứ chuyện đó không thể là sự thật. Chú nói, chú là con trai một, ông Bảy phải ở nhà chú để vợ chồng chú phụng dưỡng, lên nhà cô Ba làm gì?

Tuy nhiên, nào giờ sổ hộ khẩu, bằng khoán, vàng bạc trong nhà ông Bảy giữ hết, để chú hỏi lại ông xem sao. Không chỉ nhà tôi, nhiều người khác cũng hỏi chú Tư chuyện đó. Ban đầu chú chỉ cười cười cho qua, nhưng nghe hỏi hoài thì nổi quạu: “Đừng nói điên mấy cha nội. Nhà tui đang yên ổn.

Với lại, ông nội thương sắp nhỏ như vậy, làm gì có chuyện chuyển đi”. Phải đến cái ngày, nhìn thấy chiếc xe cải tiến to đùng chở ông Bảy và mớ đồ đạc lỉnh kỉnh từ từ chạy ra khỏi ngõ nhà mình, chú Tư mới chết lặng mà hiểu ra mọi người đã nói đúng.

Hàng xóm ai cũng nói chú hiền quá hóa ngu. “Gặp tao, tao quậy cho tới bến, chứ đâu dễ cho chở đi như vậy!” Chú Tư cười buồn: “Cha mẹ mà, thấy sống với ai được thì sống. Mình không làm hài lòng cha mẹ là đã xấu hổ lắm rồi, làm lớn chuyện chỉ càng thêm xấu hổ”. Nhiều người lắc đầu: “Mày đúng là người trên trời rớt xuống, không biết hơn thua, hờn giận ai hết trọi!”.

Thuong dat cat chu thuong yeu gi cha gia...
 

Ngày giỗ bà Bảy, có đông đủ bà con dòng họ, ông Bảy mới nói rõ lý do mình chuyển đi: “Tui buồn lắm, có một thằng con trai mà như bà con thấy đó, vợ chồng nó con cái nheo nhóc quá. Tui thương lắm nên không muốn làm gánh nặng cho nó. Sẵn hôm nay có anh trưởng ấp ở đây, tui tuyên bố luôn là từ giờ tui ở với con Ba.

Cái mảnh vườn này với hai mẫu ruộng dưới kia chia làm 4 phần. Con Hai, thằng Tư mỗi đứa một phần. Con Ba nuôi tui thì hưởng hai phần, sau này còn giỗ quải”. Không khí ấm cúng hằng ngày trong nhà chú Tư như cũng theo ông Bảy và hơn 2 mẫu ruộng đi mất. Thím Tư thường dằn vặt chú: “Ông mà lanh lợi như người ta thì đâu có bị đè đầu cỡi cổ như vậy!”.

Biết cha mình cư xử không đúng, chú Tư luôn nhỏ nhẹ với vợ: “Mẹ mày sống với tao bao nhiêu năm mà không biết tính tao à? Mẹ mày nói tao khù khờ hả? Vậy chửi bới, đâm chém với những người cùng một chỗ chui ra với mình để giành miếng ăn mới là khôn sao? Khôn kiểu đó tao không dám khôn đâu.

Mình người lớn phải làm gương cho con cái. Với lại, ai ăn nhiều thì lo nhiều. Mai mốt hậu sự của nội sắp nhỏ mẹ mày cũng nhẹ lo”. “Thiệt không lo được không? Nay mai mấy chị ông bán đất hết rồi đá đít ông già cho mà coi. Thương đất cát chứ thương yêu gì ổng.

Thuong dat cat chu thuong yeu gi cha gia...
 

Nghe đất lên giá là về rù rì dụ dỗ ông già. Tui nói trước với ông là sau này có chuyện gì thì đừng trách tui ở ác à”. Dứt câu, thím Tư lẹ chân bỏ đi, vì biết nói tới nói lui chặp nữa là sinh chuyện. Chỉ tội 2 đứa nhỏ con chú Tư, hay chạy qua nhà tôi than thở: “Ba mẹ cứ cãi nhau hoài, tụi em không có đầu óc đâu mà học hành, tới bữa nuốt cũng không trôi”.

Tiếp tới, thiệt đúng y là cô Hai nhờ đứa em tôi dẫn mối bán đất cho cô. Bán đất được hơn 200 triệu, cô cho ông Bảy đúng 400.000 đồng mua thuốc rê hút. Hàng xóm mỉa mai, là tao thì tao mua thuốc rầy uống chứ mua thuốc rê làm gì. Lại nghe đâu sau đó, vợ chồng cô Hai bận suốt, ít khi về thăm ông Bảy.

Còn cô Ba, chẳng bao lâu sau thì chồng cô phát bệnh ung thư gan mà chết. Nhà không còn đàn ông. Thằng con duy nhất còn đi học, cô thật sự lúng túng không biết phải xoay xở ra sao, nhất là với việc đồng áng. Vậy là chú Tư nai lưng làm thay. Gieo mạ, rải thuốc, rải diêm, định ngày phóng lúa… chú Tư làm hết!

Sau mọi chuyện, ông Bảy cũng buồn rầu mà sinh tai biến. Ông Bảy tai biến lần này là lần thứ hai nên nằm liệt giường liệt chiếu.  Cô Ba ngại không dám cho vợ chồng chú Tư hay. Cô Hai thì nghe đâu chỉ xuống thăm cha có đúng một lần, rồi viện cớ phải trông cháu nội, không ở lâu được.

Hay tin cha bệnh, chú Tư chạy lên thăm. Thấy chị gầy rạc vì phải thức đêm thức hôm chăm sóc cha, chú Tư lại mủi lòng. Chú bàn với cả nhà: “Tao nghĩ kỹ rồi mới nói. Cô Ba bây đàn bà con gái, lại ốm yếu như vậy, sức đâu mà nuôi bệnh cho nổi!”. “Vậy ông định rước ổng về đây vì tui có dư sức khỏe và tiền bạc chứ gì?” - thím Tư dấm dẳng.

Chú Tư biết mình “kèo dưới” nên đánh kiểu “mưa dầm”: “Chẳng bao lâu nữa là ông nội sắp nhỏ cũng theo ông theo bà rồi, mình là con lo được ngày nào mừng ngày đó. Ai ăn ở sao thì trời cao có mắt”. Thương chồng, thím Tư xuống nước:“Tui nói thiệt, với cha mẹ, chị em ông, tui hết tình hết nghĩa lâu rồi. Tui thuận theo ý ông chẳng qua là vì muốn để đức, để tiếng tốt cho hai đứa con tui thôi”. Chú Tư nghe mà mừng hơn lượm được vàng.

Ông Bảy nằm liệt hơn một năm thì mất. Từ cho ăn, tắm rửa, thay quần áo đến chuyện vệ sinh... đều một tay chú Tư. Hai đứa con chú cũng không nỡ làm ngơ, tiện đâu đỡ đần đó. Thím Tư thì “khẩu xà tâm phật”nên nói vậy chứ không phải vậy. Thành ra, cả nhà chú thiệt tình là xúm vô chăm lo cho ông Bảy.

Đám tang ông Bảy, thay vì phải buồn thì nhà chú Tư lại rất thanh thản. Cả nhà đã hết lòng hết dạ với ông rồi còn gì. Cô bác xa gần ai cũng khen: “Vợ chồng thằng Tư ăn ở  được lắm!”; “Bây nuôi kỹ anh tao mới sống được tới ngày này, chứ không là đã chết mất lâu rồi!”... 

Bất ngờ, dịp tổng kết cuối năm, chú Tư được nhận bằng khen Người con hiếu thảo của ủy ban xã. Chú tình thiệt: “Tui chỉ làm theo đạo lý ông bà thôi. Làm con thì phải lo cho cha mẹ dù cha mẹ giàu hay nghèo, để lại cho mình bao nhiêu của cải.

Nuôi một người liệt giường liệt chiếu cũng không phải dễ; nhưng vợ chồng tui không nghĩ ngợi, tính toán gì hết, chỉ là báo hiếu và mong làm gương cho con cái thôi”. Rồi chú chỉ cái bằng khen: “Còn cái danh hiệu này, tui thấy mình có xứng đáng gì đâu. Hay cứ kêu tui là người trên trời rớt xuống, như ai đó từng kêu, vậy đi”.

   Từ Tâm Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI