Thuốc diệt chuột hình kẹo diệt luôn người

14/12/2016 - 06:58

PNO - Mới đây, một người đàn ông 53 tuổi ở Đăk Nông đã tử vong vì ăn nhầm bả chó có hình dáng giống cây kẹo mút. Trước đó, một bé gái ba tuổi cũng chết tức tưởi vì ăn nhầm thuốc diệt chuột như viên kẹo. 

Mới đây, một người đàn ông 53 tuổi ở Đăk Nông đã tử vong vì ăn nhầm bả chó có hình dáng giống cây kẹo mút. Trước đó, một bé gái ba tuổi cũng chết tức tưởi vì ăn nhầm thuốc diệt chuột (TDC) như viên kẹo. Nếu trước đây, TDC thường có dạng nước, bột; được tẩm chung với thức ăn làm mồi nhử chuột thì ngày nay sản phẩm (SP) được cải tiến có hình dạng viên như kẹo, cốm với đủ màu sắc bắt mắt. Sự tiện lợi này gây hại cho người.

Đủ giá, chủng loại, hình dáng

TDC hình kẹo được bán rất nhiều tại các chợ, siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM. Đa số SP đều là ngoại nhập dạng thành phẩm hoặc nhập rồi đóng gói tại Việt Nam.

Tại một siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), nhân viên tại quầy cho biết, TDC có hai dòng là keo dính và “kẹo”. Ngăn đựng keo dính còn đầy ắp nhưng ngăn đựng “kẹo” TDC đã vơi, chỉ còn vài bịch. Đưa chúng tôi một gói nhỏ tên Storm (nhập của Đức, đóng gói tại Việt Nam) nhân viên này tư vấn, so với keo thì “kẹo” TDC bán chạy hơn vì giá rẻ (6.000đ/gói bốn viên) có hình dáng đẹp, tiện lợi. Cầm SP trên tay, chúng tôi không khỏi giật mình vì chúng như viên kẹo, màu xanh ngọc bích trông rất đẹp. Nếu không có dòng chữ “thuốc trừ chuột” trên bao bì, hẳn ai cũng sẽ nghĩ là kẹo.

Đến một cửa hàng tạp hóa tại chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), ông chủ cửa hàng nói: “Nên dùng Killrat, giá 15.000đ/gói 100g nhưng được hàng trăm viên”. Thuốc có hình dạng thon dài, nhỏ, màu nâu trông như cốm trẻ nhỏ thường hay ăn.

Thuoc diet chuot hinh keo diet luon nguoi
TDC có hình dáng như viên kẹo, không chỉ dính chuột mà còn “dính” luôn người

Đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) được xem là thiên đường bán dụng cụ diệt chuột, TDC. Trên đoạn đường dài khoảng 100m có hàng chục người bán treo bảng bán hàng, túc trực từ sáng sớm đến khuya. Phương tiện hành nghề của họ chỉ là chiếc xe đạp chất đầy bẫy, keo dán, TDC. Giá TDC tại đây được đẩy lên trời, chém đẹp. Cụ thể, Storm có giá 35.000đ/gói, Killrat giá 50.000đ/ gói 100g, thậm chí có xe bán Storm giá 100.000đ/gói bốn viên. Khách chỉ nghe nói diệt chuột hiệu quả liền bỏ tiền ra mua mà không hoài nghi.

Cửa hàng xách tay Nhật (Nguyễn Tri Phương, Q.10) bán TDC Dethmor của Nhật, giá 190.000đ/hộp. Mỗi hộp gồm bốn khay, mỗi khay khoảng 200 viên hình ống, dài khoảng nửa lóng tay, với bốn màu rất bắt mắt: hồng, cam, xanh đọt chuối, xanh da trời. SP không hề có nhãn phụ hướng dẫn cách sử dụng nhưng được nhiều người tìm mua vì tiện lợi, đựng sẵn trong khay, không phải đụng tay đến.

Tại cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), chúng tôi được giới thiệu TDC hai trong một có tên Rat Repellent của Thụy Sỹ, không chỉ diệt mà còn đuổi chuột đi xa. Sản phẩm có hình dạng nhỏ như viên sỏi, màu trắng đục, thoạt nhìn như cốm nổ (gạo nổ). Theo người bán, đây là dòng bán chạy nhất vì có mùi bạc hà (còn gọi là húng lủi đất), chuột rất sợ, có thể đặt bất cứ nơi nào trong nhà vì tỏa mùi thơm thoang thoảng.

Tử vong vì tưởng nhầm TDC là kẹo

Hình dạng như kẹo, màu sắc bắt mắt, mùi thơm quyến rũ… TDC không chỉ thu hút chuột mà rất dễ hút luôn cả… người. Trong khi đó, trên bao bì SP nhà sản xuất, nhà phân phối chỉ ghi dòng cảnh báo rất nhỏ “Cẩn thận, bảo quản xa trẻ em”, còn phần lớn là hướng dẫn sử dụng sao để diệt được chuột, cách xử lý nếu chẳng may người… ăn phải.

Với những SP TDC được đóng gói tại Việt Nam, nhà nhập khẩu còn ghi “Không đặt ở những nơi trẻ em, súc vật có thể đến gần”, nhưng với những SP xách tay, tuyệt nhiên không thấy người bán, nhà phân phối cảnh báo phải đặt như thế nào tránh tầm tay trẻ nhỏ, thời gian gom TDC vào lúc nào, đặt vị trí nào để an toàn cho người sử dụng.

Đó là lý do thời gian qua có nhiều trường hợp tử vong vì tưởng nhầm TDC là kẹo. Không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng bị nhầm. BS Đinh Tấn Phương - Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết, trung bình mỗi năm BV cấp cứu từ ba-bốn ca trẻ bị ngộ độc TDC, chủ yếu là trẻ dưới năm tuổi tưởng nhầm đó là kẹo nên lấy ăn. Mới đây, một người đàn ông 53 tuổi ở Đăk Nông tử vong vì ăn nhầm bả chó có hình dáng giống cây kẹo mút. Trước đó, một bé gái ba tuổi cũng chết tức tưởi vì ăn nhầm TDC như viên kẹo.

TDC có độc tố rất mạnh, nên khi trẻ ăn nhầm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hóa chất trong TDC làm rối loạn đông máu, xuất huyết dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, tùy lượng thuốc đưa vào cơ thể hoặc tình trạng sức khỏe của từng bé, các biểu hiện và mức độ ngộ độc khác nhau.

Dấu hiệu bị ngộ độc TDC là đau bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, khát nước, tim đập nhanh, thở nhanh, huyết áp thay đổi... Nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim và gây xuất huyết tiêu hóa, não… nếu cấp cứu chậm trễ nguy cơ tử vong rất cao. Ngay cả những trường hợp ngộ độc nhẹ, biểu hiện bên ngoài bình thường, sau khi rửa dạ dày, thanh quản, cũng phải được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ xuất huyết có thể xảy ra sau đó.

Nghị định số 91/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, bao gồm: nhang (hương) xua, diệt muỗi; tấm hóa chất xua muỗi dùng trong gia dụng và y tế; bình xịt xua, diệt côn trùng; bả diệt côn trùng; kem xoa, tấm dán, vòng xua côn trùng dành cho người; dung dịch bốc hơi xua, diệt muỗi; màn, rèm, giấy tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng… phải có nơi bày bán, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn phải tách biệt với các loại thực phẩm, có trang thiết bị sơ cấp cứu đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu ghi trên nhãn chế phẩm. Tuy nhiên, hiện các điểm bán TDC không hề đáp ứng đủ yêu cầu trên, thậm chí có cửa hàng kinh doanh bánh kẹo, nước uống, thực phẩm ăn uống nhưng cũng bày bán TDC.

Thuoc diet chuot hinh keo diet luon nguoi

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hàng tuần đơn vị đều tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có TDC). Nếu sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn không đầy đủ, không có nhãn phụ… đều được xác định là hàng lậu, khi phát hiện sẽ tịch thu, xử lý theo quy định pháp luật. Hàng xách tay nếu muốn kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng thuế, kiểm định chất lượng như các hàng hóa ngoại nhập khác.

Ngộ độc do nhầm tưởng

Ngày 6/12, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu thành công một bé gái bốn tuổi uống nhầm nước tẩy rửa nữ trang có chất cực độc xyanua. Tình trạng trẻ ăn, uống nhầm hóa chất vẫn thường xuyên diễn ra, có những trường hợp ngộ độc mà phụ huynh không thể ngờ tới. Dưới đây là “bảng xếp hạng” ngộ độc thường gặp ở trẻ do BS Đinh Tấn Phương - Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 đưa ra:

- Uống nhầm thuốc ngừa thai: thường gặp ở trẻ dưới ba tuổi. Do mẹ thường để thuốc trên đầu giường, bàn trang điểm, trẻ táy máy cho vào miệng, vì tưởng kẹo, đồ ăn. Ngộ độc thuốc ngừa thai tùy vào số lượng, có thể gây ra đau bụng, nôn ói… Cách xử trí là kích thích cho bé nôn ói và đưa đến bệnh viện.

- Uống, hít xăng dầu: trung bình mỗi tháng BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng ba ca. Tuy nhiên, theo BS Đinh Tấn Phương, thực tế loại ngộ độc này có thể nhiều hơn, nhưng vì biểu hiện lâm sàng nhẹ nên người nhà điều trị ở tuyến cơ sở, chỉ những trường hợp nặng mới đưa đến BV tuyến trên. Nguyên nhân là nhiều gia đình vẫn trữ xăng, dầu chứa trong chai nước suối nên trẻ tưởng nhầm là nước. Ngay cả khi chưa uống, trẻ hít phải xăng dầu cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tổn thương phổi, viêm phổi, suy hô hấp. Biểu hiện của trẻ bị ngộ độc xăng dầu là ho sặc sụa, khó thở…

- Ngộ độc thuốc paracetamol: nhiều gia đình sau khi dùng hết bánh đã giữ lại những chiếc hộp đẹp để đựng thuốc. Vì vậy, trẻ nghĩ đó là bánh nên hồn nhiên “ăn”. Trẻ uống quá liều loại thuốc này rất có hại, có thể gây ảnh hưởng đến gan, làm men gan tăng cao và ảnh hưởng tế bào gan sau này.

- Ngộ độc nước tro tàu: đây là ngộ độc rất thường gặp, đặc biệt là vào dịp tết nhiều gia đình gói bánh. Nhiều trẻ được đưa vào BV trong tình trạng bỏng thực quản, có bé phải điều trị kéo dài nhiều tháng để nong thực quản. Khi phát hiện trẻ bị bỏng có chất kiềm như nước tro tàu, cần cho bé uống thật nhiều nước để dung hòa độ axít và kiềm trong dạ dày. Sau đó đưa ngay trẻ đến BV để BS xác định mức độ tổn thương và có hướng xử trí, điều trị phù hợp.

- Ngộ độc nước tẩy rửa nữ trang: BS Phương cho biết, nước tẩy rửa nữ trang rất độc, vì trong đó có chất xyanua - loại hóa chất cực độc có thể gây tổn thương não, tim mạch, làm ngưng thở.

Xử lý ngộ độc tại nhà

Trước tiên là cần xem bé có suy hô hấp hay không, nếu có thì kích thích cho bé nôn cho ra những hóa chất đã nuốt vào. Tuy nhiên, phải thật cẩn thận với động tác này, vì có thể làm trẻ sặc vào phổi, làm tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Ngay sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý: tuyệt đối không kích thích cho trẻ nôn với những trường hợp ngộ độc chất ăn mòn như axít vì sẽ làm tình trạng bỏng lan rộng hơn. Khi đến BV, cần mang theo “bằng chứng” - vật nghi ngờ gây nên tình trạng ngộ độc cho trẻ. Không nên đưa đến thầy lang cho uống lá cây, rễ cây… để giải độc, sẽ làm chậm trễ việc cứu chữa cho trẻ.

Thùy Dương - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI