Thực phẩm, hóa mỹ phẩm kém chất lượng trà trộn hàng tết

27/12/2019 - 15:00

PNO - Các đối tượng bơm tạp chất vào tôm để tăng mức lời, tuồn thịt, đường, bột trà sữa, kem dưỡng da, thuốc kháng sinh... phần lớn là hàng trôi nổi, có xuất xứ Trung Quốc về Việt Nam bán kiếm lời.

Tôm bơm tạp chất, thịt bẩn, đường lậu... tung hoành cận tết

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện trên một xe tải đang vận chuyển 27 thùng xốp chứa tôm nguyên liệu. Qua test nhanh, đoàn kiểm tra phát hiện gần 400 kg tôm có chứa tạp chất là agar (rau câu) và CMC (phụ gia tạo đặc, tạo nhớt). Trước đó, một xe khách chạy tuyến Cà Mau - Đà Nẵng chở 11 thùng xốp, bên trong có khoảng 300 kg tôm sú bị bơm chất agar và CMC cũng bị cơ quan chức năng thu giữ.

Những tạp chất được tiêm vào tôm khá giống với gạch tự nhiên có trong tôm khiến nhiều người không thể nhận biết tôm đã bị bơm chích tạp chất.

Chị Linh (38 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, không ít lần mua ký tôm sú ở chợ gần nhà, về hấp phát hiện ở đầu tôm chảy ra chất sền sệt màu xanh xám rất lạ. “Trước giờ tôi mua tôm toàn thấy đầu tôm có gạch vàng cam, vừa rồi thấy màu lạ tôi sợ bỏ đi không dám ăn. Đọc thông tin thấy các vụ bắt giữ tôm bơm tạp chất cũng nảy sinh nghi ngờ, nhưng khi mua khó nhận biết được”, chị Linh lo ngại.

Theo một số tiểu thương, tôm bị bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt số ba và đầu tôm căng mọng. Khi lột đầu tôm sẽ chảy ra chất dịch đặc sánh màu xám đen. Sở dĩ người ta bơm tạp chất vào tôm là để tăng trọng lượng tôm, bán lời nhiều hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa bốn tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang vào "danh sách đen" của nạn bơm tạp chất vào tôm. Những tỉnh này đã có gần 40.000 tấn tôm có chứa tạp chất bị lực lượng chức năng thu giữ. Nguồn tôm đưa về TPHCM tiêu thụ hầu hết đến từ các tỉnh này.

Sở NN PTNT tỉnh Kiên Giang thừa nhận, có tình trạng nhiều hộ sử dụng xuồng máy đi thu gom tôm nguyên liệu từ các hộ nuôi, sau đó bơm chích tạp chất trước khi đem bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kiếm lời. Các đối tượng thường dùng chiêu xé lẻ để qua mặt lực lượng kiểm tra.

Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội ít ngày trước phát hiện khoảng một tấn đùi gà tây đông lạnh đã bốc mùi hôi thối đang được một cơ sở sơ chế bằng cách thui bằng khò để khử mùi, bán ra thị trường. Trên chiếc xe tải của cơ sở này còn hàng chục thùng đùi gà tây đông lạnh. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm xuất hiện nấm mốc, hư hỏng. Toàn bộ đùi gà tây được nhập từ nước ngoài về và không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam.

Trước đó không lâu, hơn 1 tấn lòng lợn khô và tai lợn khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Quảng Ninh bị phát hiện và bắt giữ.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng mỹ phẩm, hóa phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng liên tục bị phát hiện. Phổ biến là dầu ủ tóc, kem dưỡng da Bioge, sản phẩm trị mụn nhãn hiệu Nonosa, kem dưỡng da nhãn hiệu Horse Oil Moisturiz, nước giặt giả mạo nhãn hiệu Comfort và có cả thuốc kháng sinh ...

Đáng nói, nhiều đối tượng mở công ty nhằm che mắt cơ quan chức năng để sản xuất, kinh doanh hàng giả lậu. Vụ phát hiện bốn tụ điểm tại Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Nai chuyên tiêu thụ sản phẩm nước tăng lực Number One giả, thu hồi gần 20.000 sản phẩm. Hay, gần 11 tấn đường không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đang được sang chiết, đóng gói tại Công ty một thành viên Vạn Khoa Nguyên vừa bị lực lượng QLTT An Giang tịch thu...

Thuc pham, hoa my pham kem chat luong tra tron hang tet
Đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ ồ ạt về đón đầu thị trường Tết

Chế tài không đủ dăn đe

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2 – 5 năm, bất kể số lượng và giá trị là bao nhiêu. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… thì mức án tù tăng lên từ 5-20 năm (tùy mức độ vi phạm) và cao nhất là tù chung thân. Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt hành chính từ 20 – 100 triệu đồng; đồng thời, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Song song đó, luật còn quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, với mức xử phạt thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất lên đến 18 tỷ đồng.

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây ra sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Với quy định như trên, các cơ quan chức năng có thể mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm; song thực tế, mức phạt áp dụng chưa đủ răn đe đối tượng vi phạm.

Chẳng hạn, vụ việc một đối tượng vi phạm sản xuất, buôn bán bột ngọt giả mới đây chỉ bị phạt 2 năm tù giam – là mức thấp nhất trong khung phạt. Trường hợp chủ Cơ sở kinh doanh Kiên Thúy buôn bán bột chế biến trà sữa trôi nổi, ẩm mốc tại Bắc Giang cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 5 triệu đồng. Mức phạt này là quá thấp so với mức lợi nhuận thu được nên các đối tượng dễ dàng tái phạm, nộp phạt và... tái phạm.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI