Thực đơn cho học sinh bán trú: Chuẩn đã có, khó thay đổi?

15/10/2013 - 16:03

PNO - PN - Sau nửa năm thí điểm, từ năm học 2013-2014, TP.HCM áp dụng đại trà bộ chuẩn thực đơn dành cho học sinh (HS) tiểu học (TH) bán trú do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thiết kế. Tuy nhiên, nhiều trường e ngại giá thành bữa ăn sẽ tăng,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phải tăng tiền ăn

TP.HCM có 80% trường TH tổ chức ăn bán trú cho hơn nửa triệu HS, với giá tiền thu dao động từ 20.000-35.000đ/ngày, tùy trường và khu vực dân cư. Thực đơn bán trú cung cấp 40-50% nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng cho HS trong ngày, vì vậy, chế độ ăn uống tại trường góp phần quan trọng cho việc phát triển trí tuệ và thể chất của HS.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đang có sự mất cân đối trong chế độ ăn của các em HS, xu hướng tiêu thụ nhiều chất đạm, nhiều thức ăn nhanh, nhiều nước ngọt có gas; trong khi lượng rau và trái cây tiêu thụ hàng ngày chỉ đạt gần 50% nhu cầu. Vì vậy, việc xây dựng bộ thực đơn chuẩn (với 40 món) nhằm đáp ứng yếu tố cân bằng dinh dưỡng và ngon miệng đối với các HS TH bán trú, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong HS hiện nay.

Tuy nhiên, các hiệu trưởng thừa nhận, việc áp dụng bộ thực đơn chuẩn là một gánh nặng của các trường. Bởi ngoài việc phải cung cấp đủ bốn nhóm thực phẩm (gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và thực phẩm giàu vitamin, chất xơ), thực đơn phải phong phú, hấp dẫn HS. Theo ước tính của Ban giám hiệu Trường TH Quang Trung (Q.Gò Vấp), với mức 500.000đ/tháng/em cho tiền ăn bán trú, bình quân mỗi em chưa đến 20.000đ/ngày. Với mức phí này, trường phải tính toán chi li mới đảm bảo chất lượng và khẩu phần cho HS. Nếu mua đủ bốn nhóm thực phẩm cho bữa chính, số tiền đội lên ít nhất 10.000đ/ngày.

Trong khi đó, một số hiệu trưởng khẳng định, bộ chuẩn chỉ tăng cường thêm rau và nếp nên chuyện tăng tiền ăn là hợp lý. Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.11 cho biết: Năm nay, sau khi tham khảo ý kiến ban đại diện cha mẹ HS các trường, chúng tôi đề xuất tăng mức tiền ăn thêm một ít để đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng cho trẻ, tuy nhiên chắc chắn không vượt quá mức 30.000đ cho hai bữa ăn chính và xế. Bà Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết: Năm nay, trường chỉ thu 500.000đ theo mức năm cũ. Nhưng đây là mức tạm thu vì còn chờ mức thu chính thức quận đưa ra.

Thuc don cho hoc sinh ban tru: Chuan da co, kho thay doi?

Áp dụng bộ chuẩn thực đơn sẽ giúp trẻ phát triển cân đối

Chuẩn vẫn chưa đủ

Một trong những mục tiêu của bộ chuẩn thực đơn nhằm xây dựng thói quen ăn uống khoa học cho trẻ, nhưng thực tế, điều này không dễ dàng. Nhiều phụ huynh có con đang học tại các Trường TH Trưng Trắc, Phú Thọ, Lạc Long Quân… (Q.11) từng phản ánh lo lắng với Báo Phụ Nữ: Buổi ăn xế của HS bán trú thường có các món xôi gấc, xôi vò, xôi cúc, bánh bao, bánh mì… nên nhiều trẻ không ăn, lén cho vào thùng rác hoặc mang về nhà. Hầu như tuần nào, thực đơn cũng có món xôi và một vài món rất khô khan, HS không nuốt nổi trong thời tiết nóng bức. Ông Lê Nguyên Vịnh khẳng định: Nhiều trường TH của Q.11 đăng ký tổ chức bữa ăn bán trú cho HS theo bộ chuẩn vì thấy cần thiết. Trong quá trình thực hiện, nhà trường lấy ý kiến phụ huynh, HS để có sự điều chỉnh cần thiết.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) nêu khó khăn: Trẻ nhỏ thường thích ăn canh. Bộ chuẩn thực đơn thêm rau luộc hoặc xào, do vậy ép lắm các em mới ăn. Phần lớn các em vẫn thích ăn món mặn, canh, trái cây... Một giáo viên Trường TH Kết Đoàn cho biết: Các em rất thích đồ chiên, thức ăn nhanh và nước có gas. Những bữa ăn có gà rán làm các em thích thú. Vì vậy, để tập cho trẻ ăn đủ chất cân đối dinh dưỡng, đòi hỏi giáo viên, bảo mẫu phải hết sức kiên nhẫn. Bên cạnh đó, món ăn phải nhiều màu sắc hấp dẫn để bắt mắt trẻ.

“Do xu hướng tiêu thụ nhiều chất đạm, nhiều thức ăn nhanh,… nên thừa cân béo phì đang có xu hướng gia tăng đáng báo động ở cấp TH”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cảnh báo. Ở các trường bán trú, tỷ lệ béo phì cao gấp đôi so với tỷ lệ suy dinh dưỡng, do thời gian ngồi học nhiều hơn thời gian vận động. Về đến nhà khi trời đã tối, trẻ chỉ kịp ăn tối, xem ti vi và ngủ. Tâm lý bố mẹ, ông bà lại rất thương trẻ nên có miếng ngon nào cũng để dành cho con cháu. Vì vậy, để không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa nhà trường và phụ huynh, cần thống nhất trong việc tổ chức bữa ăn, kể cả bữa ăn ngoài nhà trường, tránh tình trạng ở trường “kiêng cữ” chất đạm, chất béo, còn ở nhà trẻ ăn uống “thả ga”.

 Ngô Đồng - Gia Tuệ 

Tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng đến mức báo động ở các lứa tuổi, đặc biệt là tuổi học đường. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em dưới năm tuổi tại TP.HCM tăng khoảng ba lần sau 10 năm (năm 2.000 tỷ lệ 3,7%, năm 2010 tăng 10,7%). Riêng tỷ lệ béo phì ở HS phổ thông tại TP.HCM tăng từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

(Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI