Thư ngày Một tháng Sáu

01/06/2016 - 07:08

PNO - Có phải khi được phô diễn nhiều và ngày một nhiều hơn, bản thân tình thương của mẹ cũng đã tạo áp lực lên con?

Hôm qua, chị nhận được thư của “người đàn ông nhỏ bé nhưng quan trọng nhất thế giới” gửi cho mình, nhân ngày 1/6. Thông thường, chỉ vài phút sau bức thư sẽ được chia sẻ với tất cả bạn bè như một sự kiện nóng hổi, nhưng hôm nay đọc thư rồi, chị sựng lại:

“Hôm qua mẹ đưa ảnh con nhận phần thưởng cuối năm lên facebook, mẹ viết là con học giỏi nhất lớp, làm mấy bạn trong lớp con chế giễu con, nói mẹ sinh con ở Trảng Bom đó mẹ! Con không muốn mẹ viết vậy nữa. Con đâu có học giỏi nhất lớp. Cô chọn 10 bạn đi dự lễ tổng kết, ban đầu đâu có tên con. Tại mẹ làm hội phụ huynh, mẹ điện thoại cho cô hoài, nói với cô xin cho con đi, tới hồi bạn Minh Thu ở nhà còn con được đi lãnh thưởng, các bạn trong lớp không thích vậy đâu mẹ à. Mẹ ơi, xóa đi mẹ…”.

Thu ngay Mot thang Sau
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Con trai chị cho biết, cậu không xin mẹ món quà nào nhân ngày 1/6, bởi cậu đã có nhiều quà, nhưng còn một lý do khác nữa: bởi tất cả những món quà mẹ tặng, đều được mẹ chụp hình và đăng facebook.

Chị buông lá thư, buông luôn cả nỗi tự hào định chia sẻ trên facebook, rằng lần đầu tiên nhận thư của “bồ nhí”, rằng con trai mới học lớp 4 đã suy nghĩ già dặn đến thế này… Bao nhiêu là chuyện để có thể khoe, nhưng bỗng nhiên, bức thư của con làm chị phải suy nghĩ lại.

Cách đây chục năm, trẻ con không có những suy nghĩ này, và các bà mẹ cũng không có những kiểu bày tỏ tình yêu thương con theo kiểu như vậy. Bây giờ, tình cảm ấy được trình diễn nhiều hơn, thể hiện nhiều hơn. Chị nghĩ mình đã cố gắng làm tất cả vì con, vì thằng bé là quan trọng vô cùng, quan trọng tuyệt đối, với chị. Nhưng nghĩ cho cùng, trong những món quà mà chị mua cho thằng bé, trong những chỗ học thêm tiếng Anh, học kỹ năng, học võ… mà chị đưa con đến, có phần lý do là bởi các bà mẹ khác, bạn bè của chị, đã đưa con đến đó, và con họ học tốt, con họ nhí nhảnh vui vẻ dễ thương trong những bức hình cứ vài tiếng một lần lại đăng trên facebook.

Chị yêu thương con, và chị cũng muốn chứng tỏ mình yêu thương con nhiều hơn, yêu thương con hiệu quả hơn những người mẹ khác. Có phải vì vậy mà thằng bé đã phản ứng? Có phải khi được phô diễn nhiều và ngày một nhiều hơn, bản thân tình thương của mẹ cũng đã tạo áp lực lên con? Cùng với mạng xã hội, cùng với điện thoại, cùng với lòng say mê ngắm con và cả ngắm mình qua ống kính, chị không biết rằng thông qua đó, công nghệ đã âm thầm “định dạng” lại cả tình mẫu tử, rồi chị đã cùng với đám đông tuân thủ định dạng mới ấy, một cách vô thức, không hề quan tâm lo lắng gì đến những hệ lụy, rủi ro có thể gây ra.

Nhân thân của đứa trẻ, kỷ niệm, những món quà, khoảnh khắc vô tư hồn nhiên thơ ấu… chính là cuộc đời của trẻ, mà chỉ có bản thân trẻ mới có quyền quyết định chia sẻ nó hay không, chia sẻ nó với ai. Cứ nghĩ rằng con là báu vật vô giá của riêng mình, là một phần máu thịt của mình, các bà mẹ đã cho rằng mình có quyền khoe, có quyền chia sẻ tất cả phần đời ấy. Từ chuyện con dễ ăn hay khó ăn, chuyện con mình đau ốm, sốt bao nhiêu độ, chén bột, bình sữa và tã, nhà trẻ và trường tiểu học, đi chơi và cả… đi tắm, con học hành ra sao, nét chữ đầu tiên, tờ giấy khen đầu tiên… tất cả đều được tường thuật theo tâm trạng yêu thương tự hào và cả lời kể lể thở than của mẹ.

Chẳng bà mẹ nào nghĩ mình đang vi phạm quyền tự do cá nhân của những đứa trẻ chưa đến tuổi công dân và chưa thể tự bảo vệ mình trong cả đời sống thực lẫn đời sống ảo. Chẳng có bà mẹ nào tự thấy mình đã để một lỗ hổng toang hoác trong vòng tay ấp ủ nuôi nấng của mình, để cho bất kỳ kẻ hiếu kỳ nào, kẻ có âm mưu bệnh hoạn nào, đều có thể tự do nhòm vào cuộc đời riêng của trẻ. Mà những kẻ đó, kể cả những tổ chức tội phạm, đâu có ít ỏi gì trong thế giới ngày nay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI