Doanh nghiệp lao đao trước thương vụ đấu giá dự án Khu công nghiệp Phong Phú

27/09/2018 - 14:00

PNO - Đây là dự án khu công nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134ha nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Cách đây 11 năm, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Nhựa Tân Hiệp Hưng đã bỏ ra hơn 1 triệu USD để thuê lại đất tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh) của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú. Tuy nhiên, mãi đến nay đơn vị này đã không được giao đất theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Đã thế, mới đây doanh nghiệp thuê đất đã tá hỏa khi biết toàn bộ dự án Khu công nghiệp Phong Phú nói trên sẽ được bán đấu giá.

Doanh nghiep lao dao truoc thuong vu dau gia du an Khu cong nghiep Phong Phu
Hình ảnh dự án Khu công nghiệp Phong Phú trong thông báo bán tài sản của Ngân hàng Sacombank

Nhận tiền nhưng không giao đất

Theo đơn kêu cứu của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Nhựa Tân Hiệp Hưng (gọi tắt CT Tân Hiệp Hưng - trụ sở tại Q.11, TP.HCM), dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 98/QĐ-TTg ngày 03/01/2002, Công ty cổ phần KCN Phong Phú (gọi tắt là CT Phong Phú) làm chủ đầu tư. Đây là dự án KCN có thời hạn sử dụng 50 năm với diện tích 134ha nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Ngày 24/6/2006, CT Tân Hiệp Hưng ký hợp đồng với CT Phong Phú để thuê lô đất 6D, 6H của dự án với diện tích 15.300m2; thời gian thuê là 46 năm; giá thuê là 80 USD/m2, tổng tiền thuê là hơn 1,2 triệu USD. Hợp đồng giữa hai doanh nghiệp thể hiện thời hạn thuê đất bắt đầu từ ngày ký hợp đồng đến ngày 31/1/2052. CT Phong Phú sẽ bàn giao đất cho CT Tân Hiệp Hưng vào quý I năm 2007.

Thực hiện hợp đồng, CT Tân Hiệp Hưng đã thanh toán cho CT Phong Phú gần 90% giá trị hợp đồng với tổng số tiền hơn 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng). Tuy nhiên, đã hơn 11 năm, sau nhiều lần gia hạn với nhiều lý do khác nhau, cho đến thời điểm hiện tại CT Phong Phú vẫn không thực hiện việc giao đất. Phía CT Tân Hiệp Hưng đã nhiều lần hối thúc nhưng sự việc vẫn không tiến triển.

Theo đại diện CT Tân Hiệp Hưng, việc chậm trễ giao đất đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế hết sức khó khăn. “Để bảo đảm cho việc duy trì hoạt động sản xuất của công ty, buộc lòng chúng tôi phải thuê đất tại KCN Tân Tạo với chi phí hằng tháng rất lớn. Việc chậm trễ giao đất khiến chúng tôi đánh mất cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến rất nhiều lao động đang làm việc tại doanh nghiệp” - đại diện CT Tân Hiệp Hưng chia sẻ.

Tòa đang thụ lý, đất bị bán đấu giá

Trước việc CT Phong Phú chây ì giao đất theo hợp đồng, CT Tân Hiệp Hưng đã khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất” đến Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ngày 17/9/2018, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh là ông Lại Huỳnh Tú đã ký thông báo thụ lý vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn là CT Tân Hiệp Hưng và bị đơn là CT Phong Phú. 

Trong khi vụ việc đang được tòa án giải quyết thì CT Tân Hiệp Hưng bất ngờ khi biết Ngân hàng Sacombank thông báo sẽ đem dự án KCN Phong Phú ra bán đấu giá vào ngày 27/9/2018 với giá khởi điểm là 7.600 tỷ đồng. Đại diện CT Tân Hiệp Hưng cho biết, họ rất lo lắng trước thông tin này, vì theo biên bản họp liên ngành năm 2015 thì Ban quản lý Khu Nam vẫn còn đốc thúc CT Phong Phú nhanh chóng triển khai dự án, nhưng không hiểu vì lý do gì một dự án quy mô lớn của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nay lại có thể làm tài sản đảm bảo cho Ngân hàng Sacombank, và bây giờ đem ra bán đấu giá.

“Chúng tôi lo lắng trước việc bán đấu giá dự án KCN Phong Phú sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, đồng thời sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi” - đại diện CT Tân Hiệp Hưng chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu dự án KCN Phong Phú do Công ty cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần KCN Phong Phú có 70% cổ phần của Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Nhưng sau đó, BCCI lại chuyển nhượng cổ phần của mình cho Công ty cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic). Trên thực tế, cả BCCI và Saigonnic đều có liên quan đến ông Trầm Bê - một đại gia vừa bị “xộ khám” trong đại án Phạm Công Danh.

Một số thông tin trên báo chí cho rằng, dự án KCN Phong Phú trở thành tài sản thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng Sacombank có thể do ngân hàng này nhập về các khoản cho vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank) sau thương vụ sáp nhập năm 2015. Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là CT Tân Hiệp Hưng là đơn vị chịu thiệt hại từ việc “chây ì” giao đất của CT Phong Phú. Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI