Thơ và cuộc trở mình im lặng

14/02/2022 - 07:07

PNO - Thơ luôn trầm lắng bên cạnh những thể loại khác của văn chương. Nhưng trong sự lặng lẽ đó, nhiều cây bút thơ vẫn náu mình sáng tác, cất lên tiếng nói riêng của thi ca, của thế hệ mình. Và đã có những cuộc bứt phá.

Đa giọng điệu, phong cách

Khi giải thưởng Tác giả trẻ lần 1-2021 của Hội Nhà văn Việt Nam gọi tên Lý Hữu Lương, tập thơ Yao của anh mới được nhắc nhiều trên truyền thông. Lý Hữu Lương sinh năm 1988, quê Yên Bái, hiện đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Yao - tên tập thơ mượn từ phiên âm tiếng Hán: pinyin, tức Dao tộc - là tác phẩm của một người trẻ thiết tha yêu bản làng, văn hóa dân tộc mình. Xuyên suốt tập thơ là “khuôn mặt làng” hiện lên với những chiều kích văn hóa từ không gian, sinh hoạt, lễ tục và cả phận người miền cao. 

Cảm thức cá nhân và vẻ đẹp văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc hiện lên trong từng câu thơ của Yao: “Thần rừng trong núi đã ngủ đêm qua/ Kéo mặt trời không lên để sáng nữa/ Ai chắc đôi tay con trai con gái/ Giữ nhau về trong tiếng lửa đầu hôm/ Gọi nhau về trong lễ ban tên…”, “Máng nước về thênh thang trở dốc/ Gột nhọc nhằn những đời con gái con trai”, “Sống trăm ngày không quần áo đẹp/ Chết một lần mặc đẹp nhất…”. 

“Dù có thế nào, sự vận hành của thơ ca vẫn diễn ra” - nhà thơ Ngô Thị Hạnh (Hạnh Ngộ)
“Dù có thế nào, sự vận hành của thơ ca vẫn diễn ra” - nhà thơ Ngô Thị Hạnh (Hạnh Ngộ)

Nếu Yao là câu chuyện về “khuôn mặt làng” nơi miền núi phía Bắc thì Ở đậu trong nhau của Khét - Trần Đức Tín (sinh năm 1989, cây bút vừa được trao giải Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM 2021) lại là tự sự làng nơi miền Tây Nam bộ, cụ thể hơn là đất mũi Cà Mau. Thơ của Khét còn có nỗi buồn xao xác về những điều đã mất. Sự đối sánh đặc biệt giữa hai tác phẩm này càng làm nổi bật sự đa giọng điệu, phong cách thơ tiềm ẩn trong những ngòi bút trẻ. 

Giải thưởng góp phần lan tỏa hơn các tác phẩm, nhưng nếu không có những vinh danh, người cầm bút vẫn lặng lẽ sáng tạo. Trong số những tác giả thơ nữ 8X, Lữ Mai (sinh năm 1988) là gương mặt khá nổi bật với nhiều tập sách được ra mắt, gồm cả thơ lẫn văn xuôi. Năm 2021, cô cho ra mắt trường ca Chư Tan Kra mây trắng - tác phẩm được đánh giá rất cao. Đề tài chiến tranh cách mạng trong văn xuôi vốn đã ít có sự tham gia của những người viết trẻ, với thi ca lại càng là thử thách. Nhưng Lữ Mai đã viết và thành công. Câu chuyện về những người lính thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Hà Nội) và trận đánh năm 1968 tại Chư Tan Kra (H.Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) được kể lại trong tập trường ca dày dặn, đặc sắc, cảm động và nhân văn. 

Chỉ mới điểm qua những tác phẩm nổi bật đã thấy được sự đa dạng trong phong cách thơ của những người trẻ. Và họ vẫn cần mẫn sáng tác trên cánh đồng thi cảm, dù rằng bây giờ thơ in ra, đến được với công chúng là điều không hề dễ dàng.

Thi hứng chảy trầm 

Chín năm sau kể từ tập thơ Thơ tình với Sài Gòn (2014), nhà thơ Ngô Thị Hạnh (Hạnh Ngộ) mới cho ra mắt tập thơ Lặng soi, vừa có buổi ra mắt vào sáng 12/2. Trong suốt thời gian náu mình với thi ca và làm công việc của một biên kịch, Ngô Thị Hạnh nói chị đã đi qua rất nhiều vùng đất, sống, làm việc và trải nghiệm nhiều, nên cách nhìn về cuộc sống rất khác, và điều đó được thể hiện rõ qua thơ. “Lặng soi không đơn giản chỉ là lặng lẽ nhìn mình, ở đây còn là sự soi tỏ sâu xa cái nội tại bên trong nhà thơ một cách tinh khôi và toàn triệt nhất, bằng thứ ánh sáng của vầng trăng thi ảnh trên cao, dịu dàng bàng bạc sự cảm thông, tình nhân ái và lòng độ lượng” - chị chia sẻ. 

Những gương mặt thơ cần mẫn sáng tác ngoài Hạnh Ngộ, còn có các nhà thơ Tạ Anh Thư, Nguyệt Phạm, Trần Lê Khánh (tác giả thơ duy nhất được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật 2021 với tập thơ Xứ-Rung một ngọn mây)… Nhà thơ Minh Đan trong mười năm gắn bó với nghiệp thơ đã xuất bản bảy tác phẩm, trong đó Phút bù giờ là tập thơ mới nhất, vừa được phát hành. 

Trong những kế hoạch đầu tư xuất bản của các đơn vị, thơ thường hiếm khi có chỗ cho kế hoạch A (nhà xuất bản mua bản quyền in tác phẩm và trả nhuận bút cho tác giả). Hầu hết các tác phẩm thơ ra đời nhiều năm qua là do tác giả/tổ chức tự đầu tư, tự phát hành. Phải lựa chọn một con đường nhiều thiệt thòi hơn văn xuôi, nhưng những cây bút thơ vẫn dấn bước bằng niềm yêu thơ vô hạn. Nhiều tác giả không in thơ nhưng vẫn đều đặn có thơ hay in báo, đăng tải trên trang cá nhân, được phổ nhạc… Nhiều tên tuổi vẫn có vị trí riêng trong lòng bạn yêu thơ: Phạm Thiên Ý, Lu, Nguyễn Thiên Ngân, Đặng Thiên Sơn... Những chương trình giao lưu thơ nhạc, đọc thơ, trò chuyện về thơ được tổ chức online thời gian qua vẫn thu hút những người cầm bút và bạn đọc tham gia. Hoặc những khi có cuộc thi sáng tác thì lại thấy một lực lượng sáng tác thơ đông đảo, trữ lượng sáng tạo dồi dào. 

“Dù có thế nào, sự vận hành của thơ ca vẫn diễn ra, tồn tại và phát triển. Tôi biết nhiều cây bút thơ trẻ vẫn sáng tác, nhưng họ không đi theo truyền thống là in sách nữa. Sáng tác của người trẻ có những bài thơ rất lạ, tứ hay. Các bạn trẻ có cách tiếp cận riêng đối với thơ ca, và thể hiện niềm đam mê của họ cũng rất khác. Đôi khi tôi cũng tham gia các Zoom chat của người trẻ về thơ, cảm thấy khá thú vị. Tôi cũng học được nhiều từ người trẻ làm thơ cùng chung niềm đam mê sôi nổi” - nhà thơ Ngô Thị Hạnh nhận xét. 

Đã ba năm Ngày thơ Việt Nam không được tổ chức, những sân thơ Nguyên tiêu vắng bóng. Dẫu vậy, trong dòng chảy trầm của mạch nguồn thi ca, vẫn thấy trong im lặng là những cuộc trở mình sáng tạo của những người cầm bút. Để đến một lúc nào đó, niềm đam mê và sự dấn thân không toan tính của họ dành cho thơ, được đáp từ bằng sự ghi nhận trên văn đàn. 

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI