Thở gấp theo từng giờ bão lên

25/12/2017 - 16:30

PNO - Khi cả nước đang nôn nao đón chờ đêm Giáng sinh thì người dân miền Tây Nam lại lo sợ trước cơn bão muộn và được dự đoán là mạnh nhất trong lịch sử ở khu vực phía Nam.

Theo tin tức từ các báo đài, tối nay (25/12), bão số 16 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nam bộ với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 14, 15.

Trong đêm qua, bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Dự báo, trong 3 giờ tiếp theo, bão số 16 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Rất có thể, cơn bão mạnh và muộn nhất từ trước tới nay. Đến 16 giờ chiều nay (25/12), vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà RịaVũng Tàu đến Cà Mau.

Tho gap theo tung gio bao len
Khu vực chợ thịt cá tấp nập khách mua hàng

Trước những nguồn tin này, người dân tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, các huyện đảo và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều hết sức lo lắng. Các trường mầm non và tiểu học cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 25 và 26/12, các khu chợ cũng che rạp, bạt... đóng cửa chờ tan bão. Hầu hết các hoạt động thường nhật đều tạm ngưng lại vì sợ ảnh hưởng của cơn bão được dự đoán là có cấp độ thiên tai sát mức thảm họa.

Trên mạng xã hội, rất nhiều dòng tâm trạng lo lắng cho người thân ở quê khi nghe tin bão lớn đang về. Chị chị Phan Hòa Thuận - BTV Đài Truyền hình TP.HCM đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân đoạn trò chuyện qua điện thoại với mẹ chồng đang sống tại Cà Mau: "Mẹ hả? Ở dưới Cà Mau nhà mình sao rồi mẹ?", Mẹ chồng: "Cha đang tháo mấy khung bằng khen và hình cưới của tụi con xuống cất nè. Hai đứa nhỏ (con của anh chị hai) thì về nội rồi. Ở đây chỉ còn cha mẹ thôi, có gì cũng dễ tránh hơn. Mà bây giờ mẹ thấy gió bắt đầu mạnh rồi nè con. Không biết nhà mình chịu nổi không? Mẹ rầu quá...".

Tho gap theo tung gio bao len
Các quầy tạp hóa, chạp phô đóng cửa, rào bạt sớm

Anh Võ Hoài Linh, kỹ sư đồ họa tại BOSCH Automotive R&D Center cũng đứng ngồi không yên. Anh liên tục cập nhật vị trí và tốc độ di chuyển của bão. Cũng là một người con quê Cà Mau và là người yêu thiên văn nên bên cạnh việc nghe tin tức qua các kênh truyền hình, báo mạng... Bạn Linh còn theo dõi tin tức trên các website nước ngoài.

Chị Đỗ Nguyễn Hương Giang, nhân viên điều hành Công ty Du lịch Cửu Long, TP. Vĩnh Long cho biết: "Hiện mọi dịch vụ du lịch của chúng tôi đều phải tạm ngưng, không phục vụ đưa khách sang cù lao trong hai ngày có bão. Các hợp đồng du lịch đã ký với khách từ trước cũng phải giải thích với khách để hủy nhằm bảo đảm an toàn cho khách trong thời gian này".

Theo những tin tức cập nhật mới nhất, cơn bão có dấu hiệu suy yếu dần khi di chuyển về phía Tây. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cảnh báo người dân phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với cơn bão lớn lần này.

Đặc điểm địa hình và mật độ dân cư ở nhiều địa phương miền Tây gần như "đồng không mông quạnh", nhà cửa được lợp ngói hoặc mái tôn mỏng manh do điều kiện thời tiết thường xuyên ổn định. Nhiều nhà sàn có cột trụ yếu ớt vẫ còn tồn tại trên các mặt sông rạch; vườn tược cây trái, gia cầm đang nuôi trồng không được trang bị rào chắn kỹ càng... Đó là những điều đáng lo khi cơn bão đi qua khu vực này. 

Tho gap theo tung gio bao len
Người dân hạn chế ra đường nên đường phố cũng vắng lặng hơn thường ngày

Chị Võ Thị Thảo Quyên, cư dân TP. Vĩnh Long chia sẻ: "Gia đình tôi mỗi người ở một tỉnh khác nhau nên lo lắm. Ở đây chính quyền thông báo cho học sinh nghỉ học, cơ quan, công ty nghỉ làm, chợ nghĩ bán. Tin tức về cơn bão cũng được cập nhật liên tục trên các kênh truyền hình.

Từ chiều qua, người dân thì đi chợ mua đồ ăn dự trữ, rồi có người thì trèo lên để gia cố nóc nhà. Nhà tôi cũng vậy, phòng gió làm tóc mái nên cũng đã gia cố an toàn nhất có thể, chặt tỉa nhánh cây to xung quang nhà, đi chợ mua mì và thức ăn khô dự trữ. Tôi cũng sạc pin điện thoại liên tục để phòng trường hợp cúp điện thì vẫn có phương tiện để liên lạc khẩn cấp.

Tho gap theo tung gio bao len
Người dân hạn chế ra đường nên khu chợ cũng vắng lặng hơn ngày thường

Tôi cũng đã nghĩ sẵn là khi thấy gió lớn thì ngắt điện trong nhà phòng bị điện giật. Chỉ mang theo những thứ quan trọng nếu thật sự bị bão tấn công, áo mưa, đèn pin, bật lửa, điện thoại, tiền...".

Tuy không có kinh nghiệm thực tiễn trong việc đối mặt với các thiên tai như bão lũ nghiêm trọng, nhưng có thể thấy, với mức độ thông tin của chính quyền vào thông qua báo đài, phần lớn người dân cũng hiểu được mức độ nguy hiểm của thiên tai và có ý thức bảo vệ bản thân và gia đình hơn.

Tho gap theo tung gio bao len

Trước khi cơn bão Tembin đến, người dân tây Nam Bộ cũng đã "hứng" một đợt khí lạnh 16-22 độ C. Đây có thể nói là đợt lạnh kéo dài nhất trong nhiều năm qua ở khu vực Tây Nam Bộ.

Tho gap theo tung gio bao len
Các em nhỏ ở TP.HCm phải khoác áo ấm khi ra đường

Tiếp sau đó là những ngày khắp nơi ẩm ướt, có mưa phùn, và đến lượt cơn bão nguy hiểm ập đến ngay ngày Giáng sinh. Cũng vì lý do này mà có lẽ áo mưa và áo ấm là hai loại trang phục phổ biến nhất của người dân Tây Nam Bộ trong dịp lễ năm nay.

Trên chuyến xe từ TP.HCM về Cà Mau xuất phát sáng 25/12, rất nhiều hành khách tỏ ra bồn chồn lo lắng, liên tục gọi điện thoại hỏi thăm tình hình chống bão của người thân.

Ông Trần Văn Lam (42 tuổi, quê huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) thấp thỏm chia sẻ, ông theo làm công trình ở Sài Gòn, những ngày qua nghe tin bão lớn đổ về Cà Mau nên lo lắng không ngủ được. Hôm nay được chủ cho nghỉ làm nên lập tức đặt xe về nhà nhưng không may bị trễ chuyến.

"Cũng định không về để đi làm kiếm tiền lo cho Tết sắp tới nhưng ở đây cũng lo lắng không yên vì ở nhà chỉ còn vợ và con nhỏ, không biết phải làm sao", ông Lam thở dài.

Suốt hành trình từ TP.HCM về tới Hậu Giang, trời nhiều lúc mưa to nên xe phải chạy chậm để đảm bảo an toàn. Người đàn ông này luôn lộ vẻ lo âu không yên vì sợ trễ chuyến xe buýt cuối cùng từ TP.Cà Mau về huyện Phú Tân (cơ thể 17h là chuyến xe cuối cùng) trong thời điểm mà bão sắp đổ bộ. Người đàn ông trung niên thở dài: "Nếu trễ chuyến xe thì tôi không biết phải làm sao nữa, vì quãng đường 70-80 km thì đi taxi chịu sao nổi".

Trường Nguyên

Bảo Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI