Thiếu giáo viên, thiếu cả đơn đặt hàng đào tạo

29/08/2022 - 06:27

PNO - Đã là năm thứ hai triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 - giải pháp cho bài toán thiếu giáo viên, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa “mặn mà” đặt hàng đào tạo.

Rất ít đơn đặt hàng

Chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, hàng loạt địa phương cho biết số giáo viên (GV) hiện tại không đáp ứng được với sĩ số học sinh. Tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 GV, Nghệ An 6.000, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai 2.000 - 3.000… Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục cả nước được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế GV các cấp. Nhưng vấn đề là nguồn tuyển cũng không có nhiều.

Thiếu GV là tình trạng đã diễn ra từ lâu. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã có những cơ chế, chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho các địa phương giải bài toán này. Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm cũng đã cho phép cơ chế đào tạo GV theo phương thức đặt hàng, đấu thầu. Năm học 2022 - 2023 là năm thứ hai áp dụng chính sách này. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn chưa “mặn mà” với việc đặt hàng đào tạo GV. Nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia của Bộ GD-ĐT để đẩy nhanh việc đặt hàng đào tạo. 

Nhiều địa phương thiếu giáo viên trong năm học mới 2022 - 2023 (trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Trần Quốc Tuấn, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ngày tựu trường)
Nhiều địa phương thiếu giáo viên trong năm học mới 2022 - 2023 (trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Trần Quốc Tuấn, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ngày tựu trường)

Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai - cho biết, tính đến tháng 8/2022, trường vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng nào của các địa phương. Còn tại Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, năm đầu triển khai đào tạo GV theo Nghị định 116, trường nhận được hai đơn đặt hàng đào tạo. Nhưng rồi một địa phương xin rút, địa phương còn lại chỉ đặt ba chỉ tiêu - nhưng lại là ngành mà trường không đào tạo. Năm học 2022 - 2023, cũng chưa có địa phương nào đặt hàng đào tạo GV.

Tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022 - 2026 thiếu khoảng 1.900 GV, trong đó có 853 GV thuộc bốn môn học thiếu nguồn tuyển (tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Vì vậy Lào Cai sẽ ưu tiên chính sách đặt hàng đào tạo GV của bốn môn học này ở những cơ sở đào tạo sư phạm lớn. Tuy nhiên, bài toán này của Lào Cai sẽ khó giải, bởi giai đoạn 2022 - 2026, các GV tương lai vẫn đang ngồi học trên giảng đường theo chính sách đặt hàng đào tạo của tỉnh.

Sau một năm nghiên cứu, tiếp cận chính sách mới và khảo sát nhu cầu xã hội; năm học 2022 - 2023 này, Trường cao đẳng Cộng đồng Lai Châu mới xây dựng đề án - dự kiến tuyển 45 chỉ tiêu sư phạm mầm non. Tuy cũng là một trong những địa phương thiếu GV ở các cấp nhưng trong ưu tiên đào tạo một số ngành nghề mà tỉnh đang cần nhân lực lại không có đào tạo GV. Bà Lương Thị Tuyến - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cộng đồng Lai Châu - trăn trở về bài toán thiếu GV của Lai Châu sẽ giải thế nào nếu địa phương không giao chỉ tiêu đào tạo trong ba năm học tới? 

Cần sự phối hợp của các địa phương

Những năm trước, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - cái nôi đào tạo GV mỹ thuật, âm nhạc lớn nhất cả nước - đào tạo khoảng 400 chỉ tiêu cho hai ngành mỹ thuật và âm nhạc. Năm học 2022 - 2023, trường đào tạo 900 chỉ tiêu. Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, số lượng thí sinh năm nay tăng vọt nhưng đa số là do nhu cầu của xã hội, thực tế việc đặt hàng đào tạo GV theo Nghị định 116 còn chậm. Hai năm triển khai đào tạo GV theo đơn đặt hàng, trường mới nhận được “đơn hàng” lớn nhất là đào tạo 100 sinh viên cho tỉnh Yên Bái. 

Theo thống kê, 40/63 tỉnh, thành phố chưa triển khai đặt hàng đào tạo GV. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT dự báo, đến năm 2025, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 GV ngoại ngữ, gần 7.300 GV tin học bậc tiểu học và trên 5.300 GV nghệ thuật ở cấp THPT. Trong Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị giao ngành giáo dục các địa phương bổ sung gần 66.000 biên chế GV trong giai đoạn 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023, bổ sung hơn 27.800 biên chế GV mầm non và phổ thông. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng GV các môn học mới, các vùng kinh tế - xã hội khó khăn. 

Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh việc đặt hàng đào tạo. Trước mắt, cần chủ động rà soát đội ngũ, nhu cầu GV từng bộ môn chủ động đề xuất, đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm. Bên cạnh đó, địa phương cũng có thể đặt hàng chỉ tiêu tuyển biên chế đối với các khóa trước khi thực hiện theo Nghị định 116. Các trường sư phạm hoàn toàn có thể giới thiệu những sinh viên chỉ một - hai năm nữa là tốt nghiệp để các em tham gia đào tạo theo Nghị định 116. Sau khi ra trường, tất cả sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng dù cam kết về địa phương làm việc cũng vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức giáo dục. Chỉ có như vậy, bài toán thiếu GV - đặc biệt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới được giải quyết một cách hiệu quả. 

“Nếu tiếp tục chậm trễ trong việc đặt hàng đào tạo GV sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giải bài toán thiếu GV trong những năm tới”, tiến sĩ Đào Đăng Phượng nhấn mạnh. 

Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo GV nơi theo học; được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Các khoản này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành. Cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sẽ chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo GV kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm.

Uông Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI