Thí sinh đắn đo đặt nguyện vọng xét tuyển đại học

14/08/2022 - 07:28

PNO - Chỉ còn chưa đến một tuần nữa là hết hạn đăng ký xét tuyển đại học (20/8), nhưng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới có hơn 50% thí sinh nhập nguyện vọng trên cổng thông tin. Nhiều thí sinh vẫn đang băn khoăn, đắn đo về việc lựa chọn ngành nghề và sắp xếp thứ tự nguyện vọng.

Khó dự báo điểm chuẩn

Năm nay, các trường đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó một số trường thay đổi chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển. Điều này dẫn đến nhiều thí sinh băn khoăn không biết điểm chuẩn xét điểm tốt nghiệp sẽ biến động thế nào so với các năm trước. Chẳng hạn, năm 2022, Trường đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) dành 30-40% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, trong khi năm 2021, chỉ tiêu dành cho phương thức này lên đến 55% tùy ngành. Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, số chỉ tiêu cho phương thức xét tốt nghiệp chỉ còn 40%, trong khi năm 2021 là 50%. 

Tỷ lệ dành cho phương thức xét tốt nghiệp của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảm sâu từ hơn 80% năm 2021 xuống chỉ còn 10-20% trong năm 2022. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chỉ dành từ 10-15% chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, giảm đáng kể so với năm 2021 là 50%.

Thí sinh đăng ký tuyển sinh năm 2022 tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM - Ảnh: P.T.
Thí sinh đăng ký tuyển sinh năm 2022 tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM - Ảnh: P.T.

Khó đoán nhất là Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) khi thay đổi gần như hoàn toàn phương thức tuyển sinh. Năm 2021 trường dành 30-60% tổng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Nhưng năm nay, trường không xét riêng điểm tốt nghiệp mà dành 75-90% chỉ tiêu cho xét tuyển tổng hợp, bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội.

Em C.K. - đang học tại Trường ĐH Mở TPHCM - cho biết em có nguyện vọng (NV) đổi ngành học và đang nhắm đến ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) hoặc ngành ngôn ngữ Hàn của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Điểm thi tốt nghiệp của em là 26,4. Nếu căn cứ trên điểm chuẩn năm ngoái thì em có thể đậu các ngành trên.

Tuy nhiên, em thấy năm nay tương đối khó dự báo điểm chuẩn, không ngoại trừ khả năng điểm chuẩn vào ngành em yêu thích sẽ tăng. Do đó, em vẫn chưa dám đăng ký NV mà đang cân nhắc sẽ chọn thêm một số NV trường tốp dưới để đề phòng trường hợp không đậu hai NV trên.  

Còn Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), đã xác định được ngành mình thích là công nghệ sinh học nhưng băn khoăn lựa chọn giữa các trường ĐH Mở TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM... “Thực sự em cũng không nắm được với ngành công nghệ sinh học thì nên học trường nào là tốt nhất. Ngoài ra, em cũng đang so sánh điểm chuẩn, mức học phí giữa các trường, chưa biết nên xếp thứ tự NV như thế nào cho phù hợp”, Hồng Ngọc cho biết.

Không nên để “nước đến chân”

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho hay năm nay thí sinh có tâm lý đợi gần đến cuối thời gian mới đăng ký. Điều này rất dễ dẫn đến sai sót vì nếu để quá sát “giờ G” thí sinh còn ít thời gian để chỉnh sửa, thay đổi NV. Chưa kể, nếu một số lượng lớn thí sinh dồn vào những ngày cuối cùng có thể gặp trục trặc như quá tải mạng. Vì vậy, trong thời gian này, thí sinh nên chủ động đăng ký trước, sau đó cần thoát ra, đăng nhập vào để kiểm tra vài lần nữa trước khi cổng thông tin chính thức khóa vào 17g ngày 20/8. Tất nhiên, thí sinh phải tìm hiểu thông tin cẩn thận trước khi tiến hành đăng ký, đặc biệt cần nhập đúng, đủ các thông tin về mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển...

Theo tiến sĩ Nhân, tuy năm nay một số trường có thay đổi phương thức tuyển sinh nhưng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn còn rất nhiều, hầu hết là trên 50%. Do đó, điểm chuẩn trúng tuyển về cơ bản tương tự năm 2021, thậm chí một số ngành xét khối B có thể giảm. Thí sinh cần cân nhắc đối với một số ngành khó tuyển, điểm trúng tuyển có thể bằng điểm sàn; nhưng một số ngành “hot”, có lượng thí sinh đăng ký nhiều thì điểm trúng tuyển có thể cao hơn 4-5 điểm so với điểm sàn. Căn cứ trên cơ sở này và tham khảo điểm chuẩn các năm trước, thí sinh cứ mạnh dạn đăng ký NV vào những ngành mình thích.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - lý giải: Một trong những nguyên nhân khiến thí sinh chậm đăng ký NV là do băn khoăn về điểm chuẩn. Mặt khác, với quy chế năm nay, thí sinh chỉ trúng tuyển một NV cao nhất ở tất cả các phương thức, dù đủ điểm đậu các NV bên dưới cũng không được tính. Do đó, việc xếp thứ tự NV rất quan trọng, nếu xếp không hợp lý, có thể dẫn đến thí sinh trúng tuyển NV mà mình không thực sự yêu thích. Cho nên, nhiều thí sinh mất thời gian loay hoay với việc sắp xếp thứ tự NV.

Đối với phương thức tuyển sinh mới của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho rằng điểm chuẩn đối với từng thành phần (điểm thi tốt nghiệp, điểm xét học bạ, điểm đánh giá năng lực) trong phương thức xét tuyển tổng hợp về cơ bản sẽ như năm ngoái. Do đó, thí sinh nên so sánh điểm của mình với điểm chuẩn năm trước theo từng thành phần để dự đoán mình có nên đặt NV vào trường hay không. 

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, đối với việc xếp thứ tự NV, trước hết thí sinh nên xác định ngành mà mình yêu thích, sau đó nên lựa chọn khoảng 4-6 NV cùng nhóm ngành, chứ không nên đăng ký quá nhiều sẽ bị rối. Thí sinh nên xếp thứ tự theo nguyên tắc: NV 1 là những ngành ở trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn năm 2021 cao hơn điểm thi của mình khoảng 1-2 điểm; sau đó là đến những ngành ở trường mà mình yêu thích và có điểm chuẩn năm 2021 bằng điểm thi; cuối cùng đến những ngành có điểm chuẩn năm 2021 thấp hơn điểm thi.  

Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI