Thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

24/11/2021 - 14:11

PNO - Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được nối dài với những hoạt động lễ hội, nghề, kỹ thuật sản xuất độc đáo, lâu đời.

Nghề gốm Bình Dương và võ lâm Tân Khánh Bà Trà của tỉnh Bình Dương là 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới của địa phương này. Trước đó, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được công nhận.

Nghề gốm Bình Dương có tuổi đời hơn 200 năm, được truyền qua nhiều thế hệ. Nghề này phát triển tại 3 khu vực: Lái Thiêu, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh. 

Nghề gốm Bình Dương có tuổi đời hơn 200 năm
Nghề gốm Bình Dương có tuổi đời hơn 200 năm

Gốm tại đây có nét đặc trưng, như gốm Lái Thiêu có nước men bóng, màu sắc mang tính hội họa, gốm Chánh Nghĩa tráng men trong hoặc trắng đục, còn gốm Tân Phước Khánh tráng men da lươn, xanh lục đậu. Nhờ có nguồn mỏ đất sét với trữ lượng lớn nên nghề gốm nơi đây có điều kiện phát triển. 

Nhiều thương hiệu gốm Bình Dương rất nổi tiếng, được ưa chuộng, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những năm qua vì một số nguyên nhân: thay đổi cơ chế lò nung, thiếu nhân lực... nên nghề gốm nơi đây cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà cũng được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là môn võ thứ 2 được công nhận, sau võ cổ truyền Bình Định năm 2012. 

Môn võ này có nguồn gốc từ võ Bình Định, gắn với sự kiện lịch sử của vùng đất này. Theo đó, dưới thời vua Tự Đức, người dân làng Tân Khánh đã đứng lên chống lại quan lại thối nát, tay sai ngoại bang dưới sự lãnh đạo của người phụ nữ tên Võ Thị Trà. Bà giỏi võ Bình Định, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 10 năm, đến khi thực dân Pháp xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Vùng Tân Khánh, Bình Chuẩn được gọi là đất Bà Trà.

Môn võ này kết hợp những động tác võ sẵn có của người dân địa phương với nhiều nét đặc trưng của võ Bình Định. Nhưng các động tác được cải tiến để phù hợp vùng đất mới. Bài thiệu cũng được trau chuốt hơn, có thêm câu mới. Môn võ này đã góp thêm một số kỹ thuật cho võ thuật Việt Nam như: đồng nhi quyền, tấn nhứt côn, tứ linh đao.

Điểm đặc trưng của môn võ này là lối tấn công phối hợp, liên hoàn những kỹ thuật đòn chân và đòn tay nhằm làm rối loạn sự phòng thủ của đối phương cũng như giúp cho sự tấn công đạt hiệu quả cao.

Hiện, võ lâm Tân Khánh Bà Trà có mặt tại nhiều tỉnh thành: Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Nghệ An… với hàng ngàn môn sinh.

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có nhiều đóng góp cho võ thuật Việt Nam
Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có nhiều đóng góp cho võ thuật Việt Nam

Tỉnh Bình Phước cũng vừa tổ chức lễ công bố quyết định kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ban tổ chức đã trao quyết định và giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người S’tiêng tại các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh và thị xã Phước Long.

Người S’tiêng dùng vỏ cây hơmuônl làm men rượu cần đắng bằng cách phơi khô, giã nhuyễn. Ngoài ra, có thể kết hợp vỏ, lá cây khác có tính lành, cho vị đắng, chát vừa phải để pha trộn thêm. Gạo tẻ hoặc gạo lứt đem ngâm nước cho mềm, giã thành bột, trộn đều với bột vỏ cây làm men với tỉ lệ phù hợp, đổ nước vào trộn đều, vo viên, kích cỡ bằng nửa nắm tay, cho vào nia phủ lá chuối, để nơi kín gió khoảng 2 - 3 ngày.

Gạo trộn với lá prareng theo tỉ lệ, bỏ vào ống nứa, nấu thành cơm. Khi cơm chín, trải ra nia để cho nguội, rồi bỏ vào cối giã thành bột. Lấy bột men đạt chất lượng rải, trộn đều với cơm. Cơm rượu có được cho vào ché, nén chặt, bịt kín bằng hỗn hợp tro bếp trộn với nước cho sền sệt lại, khi khô sẽ rất cứng và kín, ngăn không khí vào ché; hoặc có thể dùng sáp ong. Vỏ cây krai-đăng, lá ler để làm men cho rượu cần ngọt. Có nơi còn sử dụng thêm các loại lá côn, lá sấu hoặc lá ớt rừng. Cách làm tương tự như rượu cần đắng.

Rượu cần có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người S’tiêng. Thức uống này được sử dụng trong nhiều hoạt động: giao lưu văn hóa cộng đồng, tâm linh, tín ngưỡng, các sự kiện quan trọng trong đời người.

Rượu cần gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống của người S'tiêng
Rượu cần gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống của người S'tiêng

Lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 - 8 tháng 3 âm lịch hằng năm (còn gọi là ngày giỗ trận Bạch Đằng), nhằm tri ân các vị anh hùng trong trận chiến Bạch Đằng lịch sử. 

Lễ gồm nhiều hoạt động: cầu siêu, lễ giỗ Mẫu miếu Vua Bà, rước tượng giữa đền Trần Hưng Đạo và đình Yên Giang. Tại hội Bạch Đằng các trò chơi như bơi thuyền chải, vật truyền thống, kéo co, cờ người, đánh đu… cũng thu hút mọi người tham gia. 

Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang. Đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất tại thị xã Quảng Yên. 

Lễ hội Bạch Đằng là một trong những lễ hội lớn được người dân quan tâm
Lễ hội Bạch Đằng là một trong những lễ hội lớn được người dân quan tâm

Trung Sơn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI