Cần có cách ứng xử phù hợp với di sản công nghiệp

03/11/2021 - 06:27

PNO - Di sản công nghiệp không chỉ là bản sắc, là lịch sử hệ sinh thái văn hóa công nghiệp, mà còn là của lịch sử phát triển đô thị nói chung, cung cấp chứng tích về quá khứ cũng như tài nguyên để phát triển đô thị.

Các cơ sở công nghiệp đang được di dời ra khỏi các đô thị lớn, tập trung vào các khu công nghiệp, các địa điểm quy hoạch phù hợp… Đó là xu hướng tất yếu của sự phát triển, tuy nhiên, vấn đề là chúng ta sẽ ứng xử thế nào với những di sản công nghiệp vốn được xem là một phần của di sản văn hóa đô thị?

Nhiều di sản vẫn còn giá trị, có thể tái thiết

Mới đây, UBND TP.Hà Nội thông báo đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450ha tại các khu công nghiệp phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Sau khi di dời, các khu đất sẽ được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… Các chuyên gia gợi mở: Tại sao không tái thiết những di sản công nghiệp (DSCN) này?

DSCN - theo Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn DSCN - là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” chứa đựng các giá trị lịch sử, khoa học - công nghệ, xã hội, kiến trúc… gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng sản xuất, địa điểm sinh hoạt của công nhân như nhà ở, cơ sở đào tạo, nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…

Công ty Diêm Thống Nhất - thương hiệu vang bóng một thời - đang nằm trong danh sách di dời
Công ty Diêm Thống Nhất - thương hiệu vang bóng một thời - đang nằm trong danh sách di dời

Sự ra đời của hệ thống nhà máy, xí nghiệp, bến tàu… đi cùng sự lớn mạnh của giai cấp công nhân cùng với tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam. Bên cạnh những cơ sở công nghiệp đã có từ thời Pháp thuộc, có thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên khi đất nước bước sang thời kỳ quá độ. Nếu Hà Nội có các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt 8-3, Diêm Thống Nhất, Đèn Bờ Hồ, Bánh kẹo Hải Hà, Dệt kim Đông Xuân, May 40… thì Hải Phòng có cá hộp, nhựa, xi măng Hải Phòng… Nam Định có Nhà máy Dệt Nam Định. Thái Nguyên có Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên… TP.HCM có Nhà máy Đóng tàu Ba Son, Nhà đèn Chợ Quán…

Quá trình phát triển của đô thị hiện đại đòi hỏi phải di dời các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, cản trở phát triển đô thị. Câu chuyện Công ty Rạng Đông (Hà Nội) cháy làm rò thủy ngân ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ gia đình vào năm 2019 là một ví dụ. 

Theo thống kê, Hà Nội đã di dời 95 cơ sở công nghiệp cũ trước năm 2020. Sau năm 2020 sẽ được tiếp tục di dời 113 cơ sở. Theo các chuyên gia tại tọa đàm Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp được tổ chức gần đây tại Hà Nội, trong số đó, có không ít cơ sở có không gian, kiến trúc, mang giá trị văn hóa, lịch sử, cần được nghiên cứu để tái thiết, nhằm phát huy giá trị trong tương lai phát triển của đô thị như Nhà máy Bia Hà Nội, Diêm Thống Nhất, Dệt kim Đông Xuân…

Không tách rời di sản công nghiệp ra khỏi ký ức đô thị

So với DSCN trên thế giới, DSCN Việt Nam có sự hòa trộn những đặc điểm của văn hóa các nước chinh phục thuộc địa và các nước bị chiếm làm thuộc địa. Điều đó làm nên nét độc đáo của loại hình di sản này khi đặt trong tương quan chung. Theo thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) - “mỗi DSCN đều gắn với một mốc phát triển đô thị. Không chỉ là cơ cấu công nghiệp đơn thuần, mà chúng còn mang cả ký ức cộng đồng xung quanh”.

DSCN không chỉ là bản sắc, là lịch sử hệ sinh thái văn hóa công nghiệp, mà còn là của lịch sử phát triển đô thị nói chung, cung cấp chứng tích về quá khứ cũng như tài nguyên để phát triển đô thị. Để hiểu và nhận diện đầy đủ giá trị di sản văn hóa đô thị, ta không thể tách rời DSCN khỏi yếu tố không gian, thời gian bao hàm của nó.

Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vốn là xưởng in của Báo Nhân dân 
Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vốn là xưởng in của Báo Nhân dân 

Chẳng hạn, Nhà máy Dệt Nam Định là nhà máy lớn nhất Đông Dương một thời, Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên là cơ sở công nghiệp luyện kim đầu tiên của miền Bắc nước ta, hay Nhà máy Đóng tàu Ba Son, ngoài lịch sử 200 năm từ thời chúa Nguyễn Ánh, còn là di tích hiếm hoi về công nghiệp đóng tàu của nước ta… Dẫu DSCN là một vấn đề thường gây tranh cãi trong kiến trúc và quy hoạch hiện đại nhưng sự tồn tại của chúng trong ký ức đô thị vẫn không thể bị lãng quên. Năm 2016, Nam Định cho phá Nhà máy Dệt Nam Định để xây một khu đô thị mới, thì trong ký ức thành phố Nam Định, nhà máy 110 tuổi này vẫn còn nguyên đó. Hay chuyện một cầu tàu Ba Son bị phá bỏ hoàn toàn vào năm 2019, thì trong lịch sử đô thị Sài Gòn - TP.HCM, sao mà xóa bỏ được?

Ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - cho rằng: “Việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào nỗ lực bảo tồn di sản không chỉ bởi sự giàu có về mặt kiến trúc, mà chúng đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị, bản sắc của chúng ta và lịch sử của những người lao động, người dân quanh khu vực mà cơ sở công nghiệp đó tồn tại”. Theo ông, rất nhiều ví dụ thành công trên thế giới cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo là mô hình có tính đạo đức; bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận, được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ. 

Không gian sáng tạo là một cơ hội tốt 

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, việc chuyển các DSCN (có tiềm năng) thành không gian sáng tạo có thể cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân; đồng thời, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. 

Hà Nội từng có những nhà máy cũ được chuyển đổi công năng thành các không gian văn hóa tiêu biểu: Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (24 Tràng Tiền) có nguồn gốc từ xưởng in của Báo Nhân dân. Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) - một địa chỉ văn hóa - nghệ thuật “mới toanh” của thủ đô gần đây, vốn là Nhà máy in Công đoàn, hiện, tòa nhà vẫn lưu giữ khung nền, các khẩu hiệu, hình dáng nhà máy xưa. Không gian nghệ thuật Hanoi Creative City ở phố Lương Yên xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long. 282 Design ở phố Phú Viên chính là nhà máy sản xuất mũ cối của một đơn vị lực lượng vũ trang xưa kia...

Kết quả một khảo sát online về góc nhìn của cộng đồng với việc di dời và tái thiết các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội (từ ngày 6 - 20/10/2021, với 1.040 người tham gia) do Eunic Repurposing Industrial Heritage thực hiện cho thấy có 38,2% ủng hộ tái thiết thành khu văn hóa nghệ thuật, 29,7% ủng hộ tái thiết thành không gian công cộng.

Ông Lê Quang Bình - điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - nói thêm:“Nó còn tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm các start-up của giới làm sáng tạo”. Thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng ví dụ Nhà máy bia Hà Nội có thể tái thiết thành một bảo tàng về bia, lưu giữ lịch sử bia Hà Nội.

Kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền kể, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của chị, “có tới 1/3 cơ sở trong danh sách di dời của Hà Nội là những công trình có giá trị kiến trúc, điểm nhấn thú vị về DSCN, lại ở những vị trí thuận lợi, hoàn toàn có thể chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, một điểm hẹn văn hóa của thủ đô”. Nhất là trong bối cảnh, tại các đô thị lớn ở ta, các không gian sáng tạo, không gian văn hóa vẫn còn hạn chế so với nhu cầu - vốn là một trong những thách thức của quy hoạch đô thị hiện đại, dù được nói trong nhiều năm qua nhưng chưa thoát khỏi điểm nghẽn, kể cả Hà Nội - thành phố được công nhận là thành viên của mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO hay TP.HCM đang thực hiện chủ trương xây dựng thành phố thông minh và sáng tạo. Kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền cho rằng: “Đây gần như là cơ hội cuối cùng cho đô thị, đặc biệt là nội đô, để có thêm những không gian công cộng nhằm phát triển đô thị một cách sáng tạo theo hướng công nghiệp văn hóa”.

Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn dẫn câu chuyện Khu nghệ thuật 798 của Trung Quốc như một mô hình thành công cho việc chuyển đổi này. Từ một nhà máy cũ, nó được cải tạo thành tổ hợp về văn hóa, giải trí, sáng tạo và du lịch nổi bật, thu hút hơn 400 tổ chức văn hóa đến từ các nước trên thế giới như Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Việt Nam muốn đi con đường này phải lắng nghe các bài học từ quốc tế”, ông Tuấn nói.

Bà Eva Riccio - cán bộ phát triển dự án hợp tác tại Friche la Belle de Mai (Pháp) - kể: Trước khi trở thành một điểm đến sáng tạo và làm việc của gần 70 tổ chức (gồm hơn 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất và thành viên của các cộng đồng giải trí, sáng tạo khác nhau), và là một trong những điểm đến thu hút hơn 450.000 du khách mỗi năm, thì Friche la Belle de Mai là một trong hai nhà máy thuốc lá lớn nhất của Pháp. Bà Eva Riccio đánh giá: “Nghệ thuật và văn hóa có thể tạo nên diện mạo và thay đổi mới cho thành phố. Nó cho thấy vai trò của văn hóa và nghệ thuật như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của không chỉ Marseille nói riêng, mà cả châu Âu nói chung. Dĩ nhiên, đúng với cả Việt Nam”. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI