Lập hồ sơ 2 di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO

22/10/2021 - 14:43

PNO - Võ cổ truyền Bình Định, chèo Đồng bằng sông Hồng sẽ được lập hồ sơ trình UNESCO để được xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương để triển khai, lập hồ sơ theo quy định.

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, xuất hiện từ khoảng thế kỷ X dưới thời nhà Đinh, phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Hồng và 2 khu vực lân cận là trung du miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong đó, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) được cho là nơi khởi phát của loại hình nghệ thuật này.

Chèo thường được biểu diễn trong các lễ hội dân gian, là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo… Nội dung của chúng rất phong phú: giao lưu, thể hiện tình bạn, tình yêu, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội… Có khoảng 200 làn điệu chèo khác nhau.

Một cảnh trong vở chèo Quan âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Việt Nam
Một cảnh trong vở chèo Quan âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Việt Nam

Cuối thế kỷ 19 là thời kỳ phát triển thịnh vượng của chèo, với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Quan âm Thị Kính, Kim Nham, Lưu Bình Dương Lễ… Hiện, chèo vẫn được gìn giữ, phát huy giá trị. Cả nước có 18 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chuyên về bộ môn này như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Ninh Bình… . Có hàng trăm câu lạc bộ chèo không chuyên đang hoạt động trên cả nước.

Nhiều nghệ sĩ đã thành công, ghi dấu ấn với nghệ thuật chèo như: Trùm Thịnh, Cả Tam, Tào Mạt, Minh Lý, Dịu Hương, Hoa Tâm, NSND Tự Long, NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Ngần…

Võ cổ truyền Bình Định được cho rằng xuất hiện rất sớm. Loại hình võ thuật này phát triển rõ nét vào thời Tây Sơn, thế kỷ 18. Năm 2014, võ cổ truyền Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định vào năm 2013 nhằm phục vụ cho hoạt động giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền. Đây cũng là nơi bảo trợ trên 100 võ đường võ cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định đã có thời gian phát triển lâu dài
Võ cổ truyền Bình Định đã có thời gian phát triển lâu dài

Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể này, truyền dạy tại 177 võ đường. 

Trong kho tàng ca dao, dân ca có nhiều câu nói về miền đất võ, trong đó phổ biến nhất phải nhắc đến: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền”.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI