Thế giới từ “cột mốc” COVID-19

22/02/2021 - 06:00

PNO - Mọi dự đoán cho năm 2021 hoặc xa hơn, vẫn tiếp tục không thoát khỏi sự tác động của COVID-19, vốn đã thay đổi hoàn toàn thế giới hơn một năm qua.

Khi đại dịch bước sang giai đoạn mới với các biến thể của virus, chúng ta càng nhận thức rằng các đường nét cơ bản của trật tự toàn cầu đã được định hình lại. Thế nhưng, không phải tất cả những gì COVID-19 tạo ra chỉ có hàng triệu sinh mạng bị đánh cắp, kinh tế bị phá hủy và sự thay đổi quyền lực chính trị…, cuộc khủng hoảng còn nhắc nhở và gợi mở những viễn cảnh tươi sáng với đầy đủ cơ sở để hy vọng.

Khi COVID-19 bước sang giai đoạn mới, các dự đoán cho năm 2021 và cả tương lai nhân loại đều xoay quanh tác động của đại dịch - Ảnh: Foreign Policy
Khi COVID-19 bước sang giai đoạn mới, các dự đoán cho năm 2021 và cả tương lai nhân loại đều xoay quanh tác động của đại dịch - Ảnh: Foreign Policy

Thời của châu Á?

Năm 2020, thế giới đã bị “thổi bay” trong cơn khủng hoảng COVID-19, nhưng đó là cơ hội để các quốc gia cùng nhau hồi sinh chủ nghĩa đa phương. Theo John Allen, Chủ tịch Viện Brookings (Mỹ), không nơi nào đã thực sự chiến thắng đại dịch. Không phải vì căn bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát mà bởi hầu hết các quốc gia đã không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và kỷ luật xã hội cần thiết để ứng phó. COVID-19 đã nhanh chóng bộc lộ các lỗ hổng. Ở cấp độ cơ bản nhất, nó cho thấy hệ thống y tế toàn cầu yếu kém khi đã buộc nhiều quốc gia phải đưa ra các quyết định đạo đức tàn khốc, nhằm xác định ai trong số công dân của mình được ưu tiên chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, thay vì xây dựng một liên minh toàn cầu mới để chống lại đại dịch, nhiều nước chỉ dựa vào chính sách biệt lập. Điều này dẫn đến các biện pháp chắp vá, thiếu hiệu quả khi các biến thể virus một lần nữa gây ra các đợt bùng phát lớn mà Mỹ là một trong những ví dụ tồi tệ nhất.

Bà Anne-Marie Slaughter, CEO của Tổ chức tư vấn chính sách công New America, cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho thấy Mỹ không còn là nhân tố quyết định trong các vấn đề toàn cầu. Ngược lại, các tổ chức từ thiện của Mỹ mới đóng vai trò không thể thiếu. Quỹ Bill & Melinda Gates đã giúp tổ chức Liên minh vắc-xin Gavi và Liên minh đổi mới sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Đây là hai đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu và WHO trong các nỗ lực chống COVID-19. 

Trong khi đó, ông Kishore Mahbubani, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore, nêu ra các “con số không thể nói dối”. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 khá thấp ở châu Á là điều đáng ghi nhận. Thử đưa ra một so sánh giữa Việt Nam có tỷ lệ 0,4 ca tử vong/1 triệu người, Trung Quốc là 3, Singapore 5 và Hàn Quốc 10 với Bỉ 1.446, Tây Ban Nha 979, Anh 877, Mỹ 840 và Ý là 944. 

“Những con số là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là câu chuyện lớn hơn về sự chuyển dịch năng lực từ Tây sang Đông. Các xã hội Âu, Mỹ từng được biết đến với sự tôn trọng khoa học và tính hợp lý đã không còn”, ông Mahbubani chỉ trích sự tự mãn của phương Tây khiến sự thành công trong trận chiến chống dịch trở nên ảo tưởng.

Từ kinh nghiệm với dịch bệnh do virus SARS trước đây, các nước khu vực châu Á biết rằng họ phải hết sức cảnh giác, cứng rắn và tuân thủ. Nhờ kỷ luật xã hội chặt chẽ như Việt Nam hay thậm chí một nơi đang gặp khó khăn về chính trị như Thái Lan vẫn có thể đưa COVID-19 vào tầm kiểm soát. Ngoài sự quyết đoán của cơ quan chức năng, đặc biệt y tế, các nền kinh tế khu vực này cũng phục hồi nhanh hơn. Nếu phải tìm cột mốc khởi đầu cho thế kỷ này, các nhà sử học có thể chỉ ra COVID-19 là thời điểm châu Á trỗi dậy mạnh mẽ.

Đại dịch cho thấy hệ thống y tế toàn cầu yếu kém
Đại dịch cho thấy hệ thống y tế toàn cầu yếu kém

Không chính phủ nào có thể đối phó một mình 

Tiếp sau cuộc thương chiến, đại dịch tiếp tục đào sâu thêm vết rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Trung, cũng như đặt ra thách thức về chuỗi cung ứng. Theo Kori Schake (Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ), hậu quả nặng nề của COVID-19 đã dần đè lên kinh tế. Kinh doanh trực tuyến đang có lợi thế. Tình trạng phong tỏa sẽ buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng có khả năng dự phòng cao. Toàn cầu hóa sẽ chậm lại, kéo theo tham vọng “vành đai và con đường” của Trung Quốc sẽ sụp đổ.

“Nền kinh tế nào biết đổi mới nhanh chóng sẽ nắm cơ hội và sẽ gặt hái những phần thưởng đáng kể. Những thay đổi này có hậu quả nghiêm trọng với an ninh toàn cầu. Chi phí của đại dịch là rất lớn, do vậy, cần khuyến khích hợp tác quốc tế hơn nữa trong việc kiểm soát các đại dịch trong tương lai. Các chính phủ cần chuyển chi tiêu từ quốc phòng sang y tế vì ngân sách này từ nay trở thành một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia”, bà Schake phân tích. 

Cũng theo bà Schake, các cường quốc đang trỗi dậy có khả năng bị giảm tăng trưởng, trong khi các nền kinh tế tự do được định vị để phục hồi và thống trị các lĩnh vực mới. Đại dịch cũng đã phân mảnh nền kinh tế toàn cầu thành những “bong bóng” tự lực cánh sinh. Nó có khả năng làm nghèo cả thế giới vì hạn chế tăng trưởng. Nó cũng khiến mối quan hệ giữa các cường quốc đang căng thẳng hơn bao giờ hết, bao gồm Trung - Mỹ  hay Trung - Ấn.

Đưa ra một cái nhìn lạc quan, ông Joseph S.Nye Jr., giáo sư tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ), cho rằng nếu như toàn cầu hóa đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau trên khắp các châu lục thì COVID-19 chỉ thay đổi hình dạng. Chúng ta ít đi lại hơn và nhiều cuộc họp trực tuyến hơn. Một số khía cạnh của toàn cầu hóa trong kinh tế cũng bị hạn chế, chẳng hạn như thương mại, nhưng tài chính thì ngược lại.
Phải chấp nhận một thực tế, COVID-19 sẽ tác động lâu dài và chi phối tầm nhìn của thế giới trong thế kỷ XXI. Giáo sư G.John Ikenberry (Trường Quan hệ quốc tế Princeton, Mỹ) nói: “Đại dịch giúp chúng ta thấy rõ hơn những nguy cơ vốn có do sự phụ thuộc lẫn nhau, cái giá phải trả khi hợp tác quốc tế thất bại”.

Hơn một năm sau đại dịch, không phải tình trạng vô chính phủ hay chạy đua vũ trang mới là vấn đề cấp bách nhất. Cùng với các mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, đại dịch sẽ dẫn đến một kỷ nguyên mới của cuộc đấu tranh về trật tự toàn cầu. COVID-19 đưa ra lời nhắc nhở đầy kịch tính rằng, con người chưa hoàn toàn làm chủ thiên nhiên và chúng ta không thể chống lại yêu cầu liên kết ngày càng tăng ở mọi ngóc ngách của hành tinh. 

 Nam Anh (theo TBS, Forbes, New statesman)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI