"Thế giới của Christina" trong kỷ nguyên hậu đại dịch

10/05/2020 - 19:20

PNO - Trong bộ phim Oblivion thể loại viễn tưởng của điện ảnh Mỹ về thời kỳ hậu tận thế của trái đất, dù xuất hiện chỉ vài khoảnh khắc ở gần cuối phim nhưng bức tranh "Thế giới của Christina" của danh họa Andrew Wyeth người Mỹ đã giữ một vai trò chủ đạo khó phủ nhận.

Thế giới của Christina

Bức họa này thuộc hàng các tác phẩm được biết đến nhiều nhất của hội họa Mỹ nửa đầu thế kỷ XX, bao gồm Christina’s world (chất liệu màu keo từ bột màu pha với lòng đỏ trứng gà/Tempera, kích thước 82 x 1,21m, vẽ năm 1948) của Andrew Wyeth; American Gothic (chất liệu sơn dầu, kích thước 72 x 62cm, vẽ năm 1930) của Grant Wood (1891-1942); House by the railroad (chất liệu sơn dầu, kích thước 61 x 73,7cm, vẽ năm 1925); Nighthawks (chất liệu sơn dầu, kích thước 84 x 1,52m, vẽ năm 1942) của Edward Hopper (1882-1967). 

Thế giới của Christina là một tác phẩm hội họa thuộc trường phái hiện thực, dù bản thân họa sĩ Andrew Wyeth luôn tự nhận mình là người của trường phái trừu tượng. Bức họa này vẽ một phụ nữ trung niên, nhân dáng tật nguyền từ eo trở xuống, đang cố trườn mình bò qua một vùng thảo nguyên màu nâu đỏ của cỏ cháy, hướng về phía trang trại và nhà kho màu xám tro. Nàng vận một chiếc váy áo màu hồng có phần tươi sáng, tương phản ít nhiều với màu cỏ tối xung quanh mình. 

 Nhân vật trong tranh đã và đang nghĩ gì, mong ước khát vọng gì trong tâm thế nơi hoàn cảnh khắc nghiệt ấy? Christina, người mẫu trong bức tranh, tên đầy đủ là Anna Christina Olson, vốn dĩ là hàng xóm của họa sĩ Andrew Wyeth từ nhiều năm trước và ông chính thức vẽ nàng trong tư thế cùng bối cảnh như vậy, tại xứ Maine, năm 1948.

Họa sĩ đã nhiều lần phác họa ngôi nhà và cánh đồng cùng với nhân dáng tàn tật đáng thương của cô gái ấy. Người được hậu thế phỏng đoán có nhiều khả năng bị mắc bệnh thoái hóa teo cơ, cuối cùng “bước” chính thức lên tranh của Andrew Wyeth để trở thành nhân vật nữ vô danh mà nổi tiếng truyền đời. 

Năm ấy, Christina 55 tuổi, mặc bộ váy mà cô đã tự may nhiều năm về trước khi từng là một cô thợ may trẻ khéo léo, như bao phụ nữ Mỹ thời hậu chiến (sau Đệ nhị thế chiến). Christina bị di chứng của bệnh bại liệt từ năm 3 tuổi, càng lớn lên bệnh càng nặng và đến năm 26 tuổi, cô đã không thể bước đi quá 3 bước mà không có người giúp đỡ.

Năm 53 tuổi, cô không còn có thể đi được bước nào nữa mà phải ngồi xe lăn. Nhưng thay vì sử dụng xe lăn, Christina muốn bò với đôi tay của mình. Cô có một người bạn sống cách nhà mình 800 feet (khoảng hơn 240m), và cô vẫn luôn bò đến tận nơi ấy trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ. Bức họa này của Andrew Wyeth thể hiện Christina từ phía sau lưng, là bởi gương mặt của cô xấu xí đến ghê rợn, do phần lớn những bắp thịt trên mặt đã bị tê liệt đến biến dạng. 

Một ký giả Mỹ thời đó từng đến gặp và phỏng vấn Christina (sau cuộc ra mắt ấn tượng của tác phẩm Thế giới của Christina, khi họa sĩ Andrew Wyeth 31 tuổi, trưng bày lần đầu tại triển lãm Macbeth quận Manhattan năm 1948 - được Chủ tịch Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Manhattan của thành phố New York nhanh chóng mua lại và đẩy mạnh quảng bá cho công chúng), đã mô tả lại và cho biết thêm.

Cuộc gặp gỡ được thực hiện khi Christina phải nằm trên nền đất để nói chuyện và trong khi nói chuyện, nước tiểu của bà chảy lênh láng vì bà bị tê liệt không kiểm soát được bàng quang. Thế nhưng đối với họa sĩ Andrew Wyeth thì Christina chính là hình mẫu của phẩm giá Mỹ thuở ấy, người phụ nữ từ chối sử dụng xe lăn và thích sống đời tự thân hơn là phải chịu ơn của bất cứ ai. Lợi tức của Christina cùng người em trai ruột (sống chung trong ngôi nhà “từ đường” để lại từ đời ông cố của họ) là thu nhập từ cánh đồng blueberry, mọc hoang trên triền đồi sau nhà. 

Đó hẳn nhiên là một nét phẩm giá khắc kỷ “kiểu Mỹ” hồi đầu thế kỷ XX, nguyên tắc nhưng đầy khát vọng sống. Thậm chí đấy còn là một xác tín có phần trái khoáy khi không tin mấy vào xã hội loài người mà trong sự nghiệp hội họa của mình Andrew Wyeth luôn miệt mài theo đuổi và khai phá, để tìm cách vượt thoát sau Chiến tranh thế giới 2, vốn dĩ đã tàn phá vật chất lẫn gây băng hoại tinh thần của toàn nhân loại một cách khủng khiếp. Khuynh hướng trừu tượng mà Andrew Wyeth tự nhận, dường như chính là từ mong muốn thoát ly thực tại lịch sử đau thương này. 

Andrew Wyeth đã khắc họa Christina Olson với gần 300 phác thảo, tranh màu nước và tranh màu keo (Tempera) từ năm 1937 đến thập niên 1960. Nó cho thấy một cảm hứng mãnh liệt của người họa sĩ với nhân vật mình quan tâm, ưu ái.

Họa sĩ Andrew Wyeth - Sử gia tình cờ của nước Mỹ 

Thực chất là bức họa Thế giới của Christina có đến hai mẫu nữ tham dự cùng, như bao điều lạ lùng đến kỳ bí mà vẫn luôn hiện hữu trong đời. Đôi chân gầy guộc, cánh tay và chiếc váy hồng khắc họa Christina Olson, lúc đó đã 55 tuổi. Phần đầu và thân mình khắc họa Betsy, vợ của họa sĩ, khi đó mới ngoài 20. Đó dường như là cách họa sĩ Andrew Wyeth xoa dịu và đối phó với chính người vợ trẻ đẹp hay ghen của mình.

Nếu lịch sử nghệ thuật luôn có những chuyện bất nhất đến độ cười ra nước mắt thì họa sĩ Andrew Wyeth có vẻ là một thân phận mặc định như thế. Robert Rosenblum, một sử gia về nghệ thuật, trả lời phỏng vấn năm 1977 trên tạp chí Tin tức Nghệ thuật khi được hỏi về các “nghệ sĩ được đánh giá thấp nhất và cao nhất của thế kỷ XX”, đã bình chọn Andrew Wyeth cùng lúc cho cả hai mức xếp loại trên trời dưới đất này.

Có thể nói, những tranh cãi về hầu hết các tác phẩm hội họa của Andrew Wyeth đã vượt ra ngoài phạm vi chuyên ngành hội họa đơn thuần, chuyển sang tranh cãi về vấn đề xã hội cùng với những giới hạn về giáo dục, địa lý. Chỉ có sự thật duy nhất không thể bàn cãi là tác phẩm của Andrew Wyeth luôn tồn tại trong ngữ cảnh nước Mỹ phong thái đa dạng. Và quan trọng hơn là Thế giới của Christina vẫn mãi lưu dấu trong tâm thức của người Mỹ nhiều thế hệ - như một biểu tượng Mỹ đã được đóng dấu nhãn hiệu cầu chứng vĩnh cửu qua thời gian.

Trong thời đại dịch COVID-19, nước Mỹ và người Mỹ hiện tại đang chịu nhiều tổn thất ngoài dự kiến. Chỉ trong đôi tháng đầu năm 2020, Mỹ đã có lượng người dân tử vong vì dịch COVID-19 cao gấp nhiều lần số binh sĩ Mỹ tử vong tại chiến trường Việt Nam.Như tông màu đất hay màu cỏ cháy nơi vùng quê nhà Chadds Ford bang Pennsylvania và tại ngôi nhà mùa hè của Andrew Wyeth ở vùng Cushing xứ Maine, vĩnh viễn là sắc màu định phận mà người họa sĩ đồng quê này gìn giữ, như với con ngươi trong mắt mình. Sinh thời, Andrew Wyeth thường lưu ý: "Tôi vẽ cuộc sống của tôi" ("I paint my life"). 

Trong bối cảnh đó, Thế giới của Christina lại một lần nữa được nhắc đến, như cái đẹp cứu rỗi niềm tin của nước Mỹ - xứ sở chưa từng bị xâm chiếm lãnh thổ từ bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, kể từ thời lập quốc, nhưng nay lại đang bị xâm thực có phần ngoài tầm kiểm soát bởi loài vi-rút thử thách sức sống thời đương đại của nước Mỹ. Bởi, Thế giới của Christina luôn là một hình ảnh mang tính biểu tượng với công chúng Mỹ - điểm tham chiếu cảm xúc và văn hóa Mỹ trong tâm trí của biết bao người trên thế giới. 

Căn nhà của gia đình Christina Olson đã được ủy ban Di tích quốc gia Mỹ xếp vào hạng mục “Những di sản cần bảo vệ cấp quốc gia”, kể từ năm 1995, đồng thời là một phần của Bảo tàng Mỹ thuật Farnsworth ở Rockland, bang Maine.

Bức họa Thế giới của Christina hiện thuộc về bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ.

 

Châu Bá Thông

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI