Thế giới có thể mất nhiều thập kỷ để phục hồi sau COVID-19

02/12/2020 - 06:47

PNO - Theo các nhà quan sát, nếu như các nền kinh tế tiên tiến dùng đến 20% GDP để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động, thì mức hỗ trợ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 2%.

Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm mạnh nhất kể từ cuộc đại suy thoái. Hầu hết các nước đều bị tổn thương, nhất là những quốc gia nghèo nhất sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, trừ khi họ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn. 

Các nước nghèo chồng chất khó khăn

Khoảng 1,5 tỷ người dân sinh sống ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp phải vật lộn để khắc phục hệ thống y tế công cộng yếu kém và năng lực thể chế hạn chế. Cụ thể, họ phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể nhu cầu chi tiêu, ngay cả khi đại dịch gây ra sự sụt giảm doanh thu từ du lịch, kiều hối và giá cả hàng hóa.

Dự kiến, sẽ có thêm khoảng 115 triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khổ cùng cực trong năm 2020, sự suy giảm kinh tế sâu sắc này đang đe dọa đảo ngược mức sống của hai thập kỷ.

Thiệt hại hiện tại sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, khi trẻ em - đặc biệt là trẻ em gái - buộc phải bỏ học, chất lượng dịch vụ y tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.

Người dân ở các nước nghèo khó khăn chồng chát vì COVID-19.
Người dân ở các nước nghèo khó khăn chồng chất vì COVID-19.

Tình trạng bất an ở các nước nghèo có thể dẫn đến bất ổn cho phần còn lại của thế giới. Và quan trọng hơn, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ không bao giờ thực sự kết thúc cho đến khi nó bị đánh bại trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương phải giúp đỡ các nước nghèo khôi phục kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo thực hành cho các thành viên, giúp các chính phủ xử lý nợ, tăng nguồn thu và quản lý tài chính công để đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ quan trọng, bao gồm cả y tế. 

Hà Lan đã hỗ trợ những nỗ lực này bằng cách đóng góp vào các quỹ chuyên đề của IMF và mạng lưới các trung tâm phát triển năng lực khu vực của Quỹ ở Châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Caribê. 

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là giúp các nước đang phát triển vượt qua cuộc khủng hoảng và tăng cường khả năng phục hồi cho tương lai. 

Nợ không ổn định

Các nước giàu cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp các nước giảm bớt gánh nặng nợ không bền vững. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, quá nửa các quốc gia có thu nhập thấp đã hoặc có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn. 

Hiện tại, nhiều quốc gia chỉ có khả năng tiếp cận nguồn tài chính thị trường mới hạn chế, họ đang phải đối mặt với một sự đánh đổi khủng khiếp giữa hỗ trợ người dân trong đại dịch và khả năng chi trả nợ.

Cộng đồng quốc tế đã thực hiện một số quyết định quan trọng để giải quyết vấn đề này. Với sự hỗ trợ của 13 nhà tài trợ song phương, bao gồm cả Hà Lan, IMF đã cung cấp một năm cứu trợ các khoản nợ lên đến khoảng 500 triệu USD cho 29 thành viên nghèo nhất và hiện đang tìm kiếm thêm các nguồn lực để gia hạn khoản cứu trợ này đến tháng 4/2022. 

IMF hoan nghênh việc gia hạn Sáng kiến Đình chỉ dịch vụ nợ của G20, cung cấp cho các nước nghèo nhất khoảng 5 tỷ USD khoản giảm nợ tạm thời.

IMF cảnh báo rằng nhiều quốc gia sẽ không thấy nền kinh tế của họ trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2022 hoặc 2023
IMF cảnh báo nhiều quốc gia sẽ không thể phục hồi nền kinh tế của họ trở lại như trước đại dịch cho đến năm 2022 hoặc 2023.

Thúc đẩy sự phục hồi thương mại toàn cầu

Cuối cùng, các nước thu nhập thấp cần thương mại hơn bao giờ hết. Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu đã giảm đáng kể khi các quốc gia tăng cường tham gia vào thị trường quốc tế. Nhưng đại dịch và căng thẳng thương mại đang diễn ra đã gây nguy hiểm cho sự tiến bộ đó. 

Một hệ thống thương mại mở, ổn định và minh bạch dựa trên các quy tắc rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định kinh tế toàn cầu, tăng trưởng đồng đều và bền vững cũng như thịnh vượng lâu dài. 

IMF tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của thương mại toàn cầu bằng cách nỗ lực duy trì thị trường mở và vận động cải cách chính sách hơn nữa. Trong Liên minh châu Âu, Hà Lan và Pháp đã đề xuất các chính sách thương mại chú trọng hơn đến tính bền vững và hành vi kinh doanh có trách nhiệm.

Việc đáp ứng nhu cầu cho các nước thu nhập thấp sẽ đòi hỏi nỗ lực chung hơn nữa của các nhà tài trợ song phương, bao gồm các ngân hàng phát triển công quốc gia và các tổ chức đa phương.  Và chỉ khi hợp tác cùng nhau mới có thể giúp các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất phục hồi sau đại dịch. 

Chung Thu Hương (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI