Tham ô, tham nhũng chủ yếu ở khu vực kinh tế nhà nước

30/06/2014 - 14:37

PNO - PNO - Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tại hội thảo khoa học quốc gia, với chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước – Thành công và những bài học đắt giá”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phối hợp cùng Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Công ty CP Tri thức Doanh nghiệp quốc tế tổ chức vào sáng 30/6 tại TP.HCM.

Hội thảo diễn ra trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, với khoảng gần 20 tham luận trực tiếp và gần 30 báo cáo của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế trong nước gửi đến tham gia.

Tham o, tham nhung chu yeu o khu vuc kinh te nha nuoc

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế tham gia thảo luận tại hội thảo khoa học quốc gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng Lượng Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Đảng và Nhà nước tiến hành trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thành phần kinh tế này đang phải đối mặt với tình trạng làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ và nợ nần.

Cùng với đó, các vụ án điểm, vụ án lớn cấp quốc gia liên quan đến tham ô, tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng ngân sách Nhà nước cũng phát xuất từ khu vực kinh tế này. “Do vậy, trong việc tìm kiếm giải pháp để DNNN có thể phát triển trong tình hình mới, thể hiện vai trò chủ đạo theo định hướng của Đảng và Nhà nước thì vấn đề đổi mới đang được đặt ra cấp thiết”, ông Ngãi nói.

Đóng góp tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV đặt ra nhiều băn khoăn: hiện nay có quá nhiều ý kiến tranh cãi về DNNN trong nền kinh tế, như: DNNN có cần thiết trong nền kinh tế hiện nay không? Có nên từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước vì những khuyết tật mang tính bản chất của DNNN? Những tranh cãi này có phải vì nói đến DNNN là nói đến thua lỗ?

Trong khi đó, Tiến sĩ Khoa học Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM ví von: “Lãnh đạo của một số DNNN hiện nay tư duy theo kiểu “chỉ có cá chết mới luôn bơi theo dòng”, nhưng thực tế quy luật cạnh tranh không bình lặng mà họ cần phải cải cách để vượt qua thách thức, đủ năng lực cạnh tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điển (Học viện Chính trị khu vực II) đưa ra góc nhìn: Dù hiện nay có thể nói khu vực kinh tế Nhà nước đang có nhiều trì trệ, thua lỗ và làm ăn kém hiệu quả, nhưng không phải là không có những điểm sáng. TS Điển lấy dẫn chứng từ hoạt động của các DNNN tại TP.HCM, vẫn có các thương hiệu làm ăn có hiệu quả, như: Saigontourist, Ben Thanh Group, Satra, Vissan, SJC, SAMCO, CNS…Đáng chú ý, xét trong 10 năm tái cơ cấu thì DNNN tại đây đã có những tiến triển cụ thể, giảm còn 1/4 so với 2001, nhiều DN làm ăn có lãi, tinh giản được bộ máy và nhiều DN mạnh dạn đầu tư sản phẩm công nghệ cao…

PGS.TS Nguyễn Chí Hải (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng nhấn mạnh, không thể phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vấn đề là phải tìm ra những nguyên nhân căn cốt để đổi mới.

Chuyên gia này góp ý: để vượt qua khó khăn thì DNNN không còn cách nào khác là phải đổi mới, phải nhìn vào những “khoảng trống”, “điểm nghẽn” trong thể chế sở hữu và quản lý tài sản công để tìm lối ra. Trong đó, bằng mọi cách phải xử lý được tình trạng đầu tư tràn lan; bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận; hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng với DN nước ngoài…

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị cần tăng cường cổ phần hóa DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Nhà nước phải xác định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần. Từ đó, đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt.

Thành Công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI