Thảm họa từng xảy ra khi điều hành không lưu... ngủ quên

22/03/2017 - 11:36

PNO - Chỉ cần một sai sót nhỏ trong điều khiển không lưu cũng có thể đe doạ an toàn chuyến bay, thậm chí là gây ra thảm hoạ.

Trong thông báo tối 21/3, Cục Hàng không Việt Nam nhận định sự cố gián đoạn liên lạc tại Đài kiểm soát Cát Bi (Hải Phòng) với hai máy bay của hãng Vietjet Air ngày 9/3 đã uy hiếp an toàn bay mức cao.

Đáng nói ở đây chính là nguyên nhân sự cố vô cùng "ngớ ngẩn": một nhân viên trực hiệp đồng vắng mặt, còn nữ kiểm soát viên trực chính đã... ngủ quên.

Trong khi đó, hệ thống Kiểm soát không lưu là hệ thống chuyên trách đảm nhận việc gửi các hướng dẫn đến máy bay nhằm giúp các máy bay tránh va chạm, đồng thời đảm bảo tính hoạt động hiệu quả của nền không lưu.

Kiểm soát không lưu đảm bảo cho máy bay bay an toàn, điều hòa và hiệu quả từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh.

Điều hành không lưu vốn được xem là mắt xích trọng yếu của ngành hàng không bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể đe doạ an toàn bay. Trên thực tế, đã có không ít vụ tai nạn máy bay xảy ra do lỗi điều hành không lưu.

Chỉ vì điều hành không lưu ngủ quên, 178 người chết oan

Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra năm 1984 tại Nga. Chuyến bay mang số hiệu 3352 từ Kransnodar tới Novosibirsk, nghỉ dừng chân ở sân bay Omsk.

Lúc đó là 5 giờ sáng giờ địa phương, chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Omsk.

Cùng lúc đó bộ phận bảo trì đường băng dưới mặt đất gửi yêu cầu tới bộ phận điều khiển mặt đất được vào đường băng để làm khô vì đêm trước có mưa khiến đường băng trơn trượt.

Người điều khiển mặt đất cho phép bộ phận bảo trì vào làm việc, nhưng lại quên gửi tín hiệu cảnh báo đến các bộ phận khác rằng đường băng chưa sẵn sàng. Anh ta chìm vào giấc ngủ ngay sau đó. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ đây.

Tham hoa tung xay ra khi dieu hanh khong luu... ngu quen
Máy bay Tu-154B-1 cùng loại với chiếc máy bay tử nạn năm 1984.

Lúc 5h25 phút, bộ phận bảo trì đường băng phát hiện một chiếc máy bay đang hạ độ cao, đã gọi báo cho bộ phận điều khiển mặt đất nhưng không ai trả lời.

Vì nghĩ rằng máy bay đó sẽ không hạ cánh nên bộ phận bảo trì tiếp tục làm việc. Trong khi chiếc máy bay không phát hiện ra đường băng có vật cản.

Đến 5h36 chiếc máy bay gửi yêu cầu được tiếp đất tới bộ phận kiểm soát tiếp cận, vì bộ phận điều kiển mặt đất không gửi cảnh báo nên họ nghĩ rằng đường băng sẵn sàng và cho phép máy bay hạ cánh.

Phi công đã phát hiện ra điều gì đó bất thường trên đường băng và hỏi lại bộ phận điều kiểm soát tiếp cận. Nhưng người này vẫn đề xuất phi công hạ cánh.

Khi gần tiếp đất, phi công phát hiện có nhiều phương tiện trên đường băng nhưng đã quá muộn. Vụ va chạm khiến hàng tấn nhiên liệu trên máy bay và trên các xe ô tô bảo trì đường băng bốc cháy, 178 người thiệt mạng.

Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm này là do bộ phận điều khiển mặt đất ngủ quên, và bộ phận điều khiển tiếp cận đã không thực hiện đúng nguyên tắc an toàn tiếp đất là đối chiếu thông tin với bộ phận điều khiển mặt đất.

Mất tín hiệu cảnh báo từ bộ phận điều hành không lưu, 154 người tử nạn

Ngày 29 tháng 9 năm 2006, một máy bay thương mại của hãng Jet chở khách nội địa Brazil từ sân bay Embraer đến sân bay Manaus, va phải máy bay của hãng Gol Airlines cất cánh từ sân bay Manaus đi Rio De Janeiro.

Hai chiếc máy bay bay ngược chiều trên cùng một độ cao bay 370 ở thời điểm tránh nhau, nhưng không nhận được bất cứ tín hiệu cảnh báo nào từ bộ phận điều hành không lưu.

Tham hoa tung xay ra khi dieu hanh khong luu... ngu quen
Vụ va chạm do lỗi điều hành không lưu năm 2006 cướp đi sinh mạng của 154 người.

Vụ va chạm đã khiến chiếc Boeing của hãng Gol gãy một bên cánh và rơi xuống đất, khiến 154 người trên máy bay tử nạn. May mắn là chiếc máy bay của hãng Jet không hề hấn gì, sau đó đã hạ cánh an toàn tại một căn cứ không quân của Brazil.

Kết quả điều tra cho thấy, cả hai chiếc máy bay đều được chỉ định bay ở cùng một độ cao bay vào thời điểm tránh nhau.

Có hai giả thuyết được đưa ra. Một là, bộ phận điều hành không lưu cứ ngỡ rằng mình đã gửi tín hiệu điều hành máy bay Jet xuống độ cao bay 360, nhưng thực tế là chưa.

Giả thuyết thứ hai, máy bay Jet không thể liên lạc được với bộ phận điều hành không lưu trong khoảng 57 phút.

Giả thuyết thứ ba, có thể bộ phận nhận tín hiệu của máy bay Jet đã bị tắt mà cả phi công và bộ phận điều hành không lưu đều không để ý.

Điều hành không lưu gửi tín hiệu ...nhầm, máy bay rơi, 143 người tử nạn

Đó là một chuyến bay nội địa ở Nigeria, từ sân bay Port Harcourt tới Lagos. Vào thời điểm xảy ra va chạm, chiếc Boeing 727 của hãng ADC Airlines bay ở độ cao bay 240 dưới sự kiểm soát của hệ thống điều hành không lưu.

Phi công của máy bay ADB đã gửi yêu cầu hạ cánh xuống bộ phận điều hành không lưu, nhưng không được chấp thuận vì thời điểm đó có một máy bay đang ở độ cao bay 210, và một máy bay khác ở độ cao bay 160.

Tham hoa tung xay ra khi dieu hanh khong luu... ngu quen
Chiếc Boeing của hàng ADC gặp nạn vì lỗi điều hành không lưu.

Một lúc sau, người điều hành không lưu gửi tín hiệu để máy bay ADC hạ cánh, bởi anh ta nghĩ rằng anh đã để máy bay này bay ở độ cao bay 100, nhưng thực tế nó vẫn đang bay ở 240.

Vì thế chiếc ADC bắt đầu hạ cánh từ độ cao bay 240 mà không biết vẫn còn máy bay đang bay ở 160.

Khi hạ xuống độ cao bay 160, chiếc ADC mới phát hiện một chiếc máy bay khác đang ở cùng độ cao.

Phi hành đoàn cố điều khiển máy bay để tránh va chạm nhưng vì thay đổi quá đột ngột nên máy bay mất kiểm soát và rơi xuống đất khiến 143 người tử nạn.

Nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này được kết luận là do lỗi điều hành không lưu.

Huyền Lê (Theo Incomopedia, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI