Thai phụ và trẻ em cần làm gì để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ?

10/08/2022 - 05:16

PNO - Mặc dù số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở thai phụ và trẻ em vẫn rất thấp, tuy nhiên, đây là nhóm có nguy cơ cao dễ mắc loại bệnh này.

Cuối tháng 6/2022, Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây truyền bệnh đậu mùa khỉ đối với các nhóm nguy cơ cao như trẻ em và phụ nữ mang thai. 

Với riêng nước Mỹ, tốc độ lây lan của bệnh đang tăng lên nhanh chóng với số ca được xác nhận đến ngày 3/8 là 6.617. Dù vậy đến nay, chỉ mới có sáu trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chuyên gia cho rằng các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về việc con mình bị nhiễm vi-rút, trừ việc bản thân bị bệnh sẽ dễ dàng lây sang con mình.

Trẻ em cần được bác sĩ thăm khám ngay khi có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ - ẢNH: GETTY IMAGES
Trẻ em cần được bác sĩ thăm khám ngay khi có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Getty Images

“Tôi không quá lo lắng về nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong trường học ở thời điểm hiện nay”, tiến sĩ Peter Hotez - Giám đốc Trung tâm Phát triển vắc xin Bệnh viện Nhi đồng Texas - nói. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại nếu số ca mắc cứ tăng cao, virus sẽ sớm trở nên phổ biến trong cộng đồng. 

Theo bà Kristen Nordlund - Phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở trẻ em qua tiếp xúc gần và tiếp xúc da chạm da. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây sang thai nhi khi bà mẹ mang thai hoặc lây sang trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. 

Tiến sĩ Buddy Creech - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Trung tâm Y tế Vanderbilt - cho biết trẻ em dưới 8 tuổi là nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng cao nhất. “Các em thuộc nhóm tuổi này có xu hướng gặp các biến chứng như viêm phổi và viêm não. Bản thân các vết loét có thể bị nhiễm trùng và gây ra viêm mô tế bào và nhiễm trùng huyết”, tiến sĩ Creech nói. 

Với phụ nữ mang thai, đến thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít trường hợp được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ. Vì vậy, khó để biết chắc chắn liệu mắc bệnh đậu mùa khỉ khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào. Một số phụ nữ vẫn mang thai bình thường, trong khi có vài ca thai phụ mắc bệnh đã bị sẩy thai và thai chết lưu. Theo các chuyên gia, tránh tiếp xúc với virus là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ khi mang thai. Thực hành tình dục an toàn và rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh này đối với thai phụ. 

Hiện đang có 2 loại vắc xin là JYNNEOS và ACAM2000 được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo CDC, phụ nữ mang thai không đủ điều kiện sử dụng ACAM2000, còn JYNNEOS thì không có dữ liệu về việc sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể được điều trị dưới dạng kháng thể đơn dòng nếu họ mắc bệnh. Đối với trẻ em, FDA đã không cấp phép sử dụng JYNNEOS cho những người dưới 18 tuổi. Với trẻ lớn hơn một tuổi thì vắc xin ACAM2000 có thể cung cấp sự bảo vệ khi cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp phơi nhiễm.

CDC Mỹ đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm tránh bị lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, đó là: Tránh tiếp xúc gần và tiếp xúc da chạm da (như ôm hôn, âu yếm, quan hệ tình dục) với những người bị phát ban trông giống hoặc đã được xác nhận mắc đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc với các đồ dùng mà người mắc bệnh đậu mùa khỉ đã sử dụng như ly, tách, giường, khăn tắm, quần áo... Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi ăn hoặc sờ tay lên mặt và sau khi đi vệ sinh. 

Nguyễn Thuận 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI