Thái độ phục vụ vẫn là điểm nghẽn trong cải cách hành chính

10/01/2020 - 07:50

PNO - Chiều 9/1, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2019, triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020. Theo các đại biểu, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức vẫn là điểm yếu trong cải cách hành chính.

“Sau cuộc trò chuyện với bác sĩ, tôi cũng không biết mình mắc bệnh gì” - bà Tô Thị Thùy Tr. (Q.12) nhận xét về dịch vụ khám chữa bệnh tại một bệnh viện ở Q.3, TPHCM. Theo bà Tr., sau hai ngày bị mẩn ngứa và đau nhức, bà đến bệnh viện mong được “bắt bệnh”. Thế nhưng, sau 3 giờ chờ đợi, bà chỉ được bác sĩ thăm khám trong 7 phút và kết luận “không nguy hiểm”. Theo bà Tr., bà mong muốn được lắng nghe, giải thích thấu đáo về chứng bệnh của mình, nhưng bác sĩ đã không làm như vậy. 

Tại hội nghị, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - thông tin, trong năm 2019, các bệnh viện ở TPHCM đã thu hút hơn 50 triệu lượt người đến khám chữa bệnh, cao nhất từ trước đến nay và tăng 200% so với cách đây 10 năm. Theo bác sĩ Thượng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn và tinh thần phục vụ, các bệnh viện công còn lắp đặt ki-ốt “khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh” và từng bước khắc phục. Các ý kiến phàn nàn về bệnh viện đã giảm, nhưng nhìn chung, sự phục vụ của bệnh viện vẫn chưa như mong ước.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - kể, khác với khảo sát của các đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chờ cho người dân, doanh nghiệp làm xong thủ tục mới xin danh sách, tên tuổi, đến tận nhà hoặc điện thoại để nghe phản ánh. Kết quả, người dân cho rằng, vẫn bị các cán bộ, công chức gây phiền lòng.

“Thái độ thì không thân thiện, trả lời không rõ ràng. Người dân nói, họ đến tận nơi làm việc để lắng nghe mà còn không hiểu do cán bộ giải thích không tận tình, nên sau đó, lại phải tới lui thêm nhiều lần” - bà Châu nói. Ngoài ra, bà Châu cho rằng, rất nhiều đơn vị chưa công nghệ hóa hồ sơ, vẫn đang lưu bằng tay, trích lục khó, hồ sơ bị tam sao thất bản.

Thực tế, chính quyền các cấp lẫn các sở, ban, ngành đã cố gắng áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao, cố gắng giảm thiểu các thủ tục, hướng đến các thủ tục không giấy tờ, áp dụng app trực tuyến. Thế nhưng, thái độ ứng xử của cán bộ vẫn là điều mà người dân, doanh nghiệp quan tâm và chưa hài lòng.

Nhiều đơn vị ở TPHCM đã lắp các máy để người dân đánh giá sự hài lòng của mình đối với cácn bộ công chức làm thủ tục
Người dân đánh giá mức độ hài lòng của mình đối với cán bộ công chức - Ảnh: PLO

Tại hội nghị, ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, từ tháng 7/2019, sở triển khai ứng dụng trực tuyến SXD247 nhằm công khai thông tin dự án nhà ở thương mại (tên dự án, tên chủ đầu tư, địa chỉ dự án, quy mô đầu tư, diện tích, tiến độ và hình ảnh thực tế) cho người dân và doanh nghiệp tra cứu. Ngay trên ứng dụng này, còn có hạng mục phản ánh, góp ý, nhất là ý kiến liên quan đến trật tự xây dựng, đạo đức công vụ, tác phong của cán bộ, công chức…

“Mô hình làm việc trực tuyến đang được nhân rộng nhưng chưa được kết nối, liên thông giữa các cơ quan nhà nước. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tìm cơ quan giải quyết đúng thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực trật tự đô thị” - ông Bình nói.

Về sự liên thông giữa các sở, ngành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận, công tác phối hợp là một điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân khiến người dân, doanh nghiệp không hài lòng.

“Các đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến xử lý hồ sơ chậm; đã trễ hẹn, lại không gửi thư xin lỗi đến người dân” - ông Phong nhận định. Theo ông, để khắc phục tình trạng này, vừa qua, ông đã giao Sở Nội vụ TPHCM, đối với các chỉ đạo của UBND TPHCM, trong 15 ngày, phải trả lời, giải quyết khâu của mình để chuyển tiếp cho sở khác giải quyết và trả lời cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phong cho biết, đã giao Văn phòng UBND TPHCM cụ thể hóa các đầu việc để triển khai chủ đề hoạt động năm 2020; qua tết, lãnh đạo sẽ đi duyệt từng kế hoạch và nhiệm vụ của các đơn vị. Việc thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại UBND Q.1 và UBND Q.12 đã có kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, năm 2020, sẽ thí điểm ở 22 quận, huyện còn lại, sau đó áp dụng đại trà cho tất cả các đơn vị trên toàn thành phố. 

Phong Vân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • duongluan 10-01-2020 14:06:53

    đừng nghe những gì cấp dưới báo cáo, hãy vi hành để biết những gì họ làm, cán bộ nhiều lúc quan liêu, nạt nộ dân công khai như chốn không người, dân không muốn tố cáo một phần sợ, phần muốn cho xong việc. Các vị lãnh đạo cứ cải trang ở vị trí của dân đi khám bệnh giấy tờ nhà đất , thuế vv.. là biết liền, đừng ngồi tại chỗ mà nghe báo cáo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI