Tết đến, lại lo ngộ độc rượu “tự ngâm”

25/01/2022 - 06:17

PNO - Với nhiều người, tết là dịp để mời khách những loại rượu mà họ cho là quý, tốt cho sức khỏe, bởi được ngâm từ thảo dược, bào thai động vật hoặc rắn, bò cạp, chân gấu, chân hổ… Tuy nhiên, do kiến thức hạn chế và sai lầm về cách ngâm rượu, dùng rượu, nhiều người đã vô tình chuốc họa vào thân.

Chuốc họa vì uống rượu ngâm

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân nam 24 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái sau khi uống rượu táo mèo. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan, rối loạn đông máu, suy thận, giảm tiểu cầu. Các bác sĩ nhận định đây là tình trạng suy đa tạng do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, lập tức cho bệnh nhân lọc máu liên tục, truyền huyết tương, kháng sinh… Sau hai ngày, bệnh nhân cắt được vận mạch, bắt đầu tỉnh dần.

Lương y Bùi Hồng Minh hướng dẫn cách ngâm rượu theo công thức Đông y
Lương y Bùi Hồng Minh hướng dẫn cách ngâm rượu theo công thức Đông y

Các vụ ngộ độc do rượu ngâm rễ cây không hiếm. Ví dụ vụ ngộ độc với rượu ngâm cao ngựa, rượu ngâm quả nho tại Lào Cai. Hoặc vụ hai cậu cháu ở tỉnh Quảng Nam tử vong do uống rượu ngâm từ rễ cây móng sóc. Trong khi, rễ cây này chứa chất độc nhóm alkaloid (koumine và gelsemine), là chất kịch độc, có thể gây chết người nhanh chóng.
Tại H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng từng xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm rễ và thân cây khiến ba anh em trong nhà tử vong. Mẫu rượu được gửi ra Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả cho thấy trong rượu có chất koumin - là hợp chất có trong cây lá ngón. Koumin là một trong những thành phần tạo nên alcaloid có trong cây lá ngón giống như gelsenicin, gelsamydin… 

Trong y học cổ truyền, rượu ngâm là một trong những bài thuốc được các lương y áp dụng để chữa bệnh. Uống rượu ngâm dược liệu nếu dùng điều độ và hợp lý sẽ làm cho tạng phủ, tinh, khí, thần tốt lên. Theo đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội): “Nếu ngâm rượu để uống, thời gian ngâm ít nhất 2 - 3 tháng trở lên mới có thể sử dụng, để càng lâu càng tốt, thậm chí nhiều nơi còn hạ thổ để hết hơi nồng của rượu.

Rượu có tác dụng dẫn một số thuốc nên người ta thường ngâm thực phẩm, thảo dược trong rượu 2 - 3 tuần, sau đó lọc lấy nước cốt để xoa bóp chữa bệnh. Theo y dược học cổ truyền, rượu có tác dụng xoa dịu chấn thương ngoại khoa, sưng nề đau nhức, đau vùng ngực bụng do phong hàn lãnh thống, các trường hợp co cứng cơ”.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ cứ đem cây, rễ cây, lá hay động vật nào đó có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng ngâm vào rượu rồi uống sẽ có tác dụng chữa bệnh. Nhưng thực tế, cần phải biết cách ngâm với rượu thì mới có kết quả. Việc ngâm rượu và sử dụng rượu ngâm cần phải có kiến thức về y học cổ truyền hay sự hướng dẫn từ người có chuyên môn, nếu không dễ mắc phải sai lầm gây hại cho sức khỏe, thậm chí đe dọa 
tính mạng.

Ngâm rượu theo mẹo truyền miệng

Ngược về các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là những điểm du lịch hoặc chợ phiên ở thị xã Sa Pa, H.Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) hoặc Điện Biên, Lai Châu… du khách dễ dàng bắt gặp những quầy hàng thực vật, động vật được quảng cáo có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa bách bệnh khi ngâm cùng với rượu. Nhiều loại cây, củ, quả như: ngọc cẩu, sâm đương quy, sâm cau, na rừng, ba kích, tắc kè… của người dân địa phương và một số lái buôn đem đến chợ bán với giá từ 50.000 - 200.000 đồng/kg. Cạnh đó là các cửa hàng trưng bày nhiều bình rượu ngâm rễ cây, côn trùng, động vật… được giới thiệu là “rượu người dân tộc nấu thủ công”, “rượu 
truyền thống”… 

Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa “rượu ngâm” là đã có thể tìm địa chỉ bán, mua và cả hướng dẫn ngâm rượu. Anh T.Đ.L. (38 tuổi, TP.Hà Nội) chia sẻ, bản thân từng lên mạng học cách ngâm rượu để tiếp bạn bè. Tuy nhiên, phải đến lần thứ ba ngâm mới thành công, do trước đó anh dùng rượu không đủ 40 độ dẫn đến sâm ba kích không tiết ra được hoàn toàn tinh chất. 

Cũng áp dụng công thức được chia sẻ trên mạng, anh N.T.V. (45 tuổi, Hà Nội) ngâm rượu trắng cùng “củ sâm” mua của người dân bán dọc đường lên Sa Pa. Ngâm được sáu tháng, anh rót ra mời khách. Sau bữa ăn, anh và hai người bạn đau đầu, đau bụng quằn quại, đi ngoài và nôn mửa… phải vào bệnh viện. Khi xuất viện, anh đem rượu và “củ sâm” đến cho người có chuyên môn thì mới biết đó là củ cây thương lục - một loại củ rất giống nhân sâm, nhưng có độc tính rất mạnh.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, ngâm rượu từ các loại thực vật hay động vật thì nguyên liệu đó phải được chứng minh về khoa học. Sử dụng rượu ngâm dược liệu cũng phải chú ý đến chất lượng rượu, ngâm đúng liều lượng, cách thức sử dụng cũng như đúng người, đúng bệnh mới có thể đảm bảo an toàn cho người dùng.

Người khỏe mạnh không nên dùng các dạng rượu ngâm. Nếu có dùng thì phải được bào chế thích hợp. Trong trường hợp buộc phải uống rượu thuốc ngâm để chữa bệnh thì cần có chỉ dẫn của người có chuyên môn, bởi một số loại dược liệu nếu sắc uống thì tốt nhưng cho vào rượu ngâm lại sinh độc tính cao, dùng bừa bãi có thể dẫn đến chết người. 

Các nguyên tắc tránh ngộ độc rượu, bia

Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, cần theo dõi và có chế độ ăn, nghỉ phù hợp, tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh, không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các nguyên tắc: không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.


An Bình


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI