Tàu chiến Mỹ, Úc “so kè” cùng tàu Trung Quốc ở Biển Đông

24/04/2020 - 10:00

PNO - Tàu chiến Mỹ, Úc, Trung Quốc cùng tiến vào Biển Đông khi căng thẳng gia tăng vì tranh chấp dầu mỏ.

Một cuộc đối đầu kéo dài hàng tháng giữa các tàu Trung Quốc và Malaysia tại Biển Đông về thăm dò dầu khí đã thu hút các tàu chiến của Mỹ, Trung Quốc và Úc.

Sự việc bắt đầu vào tháng 12/2019 khi công ty dầu mỏ nhà nước Malaysia Petronas ký hợp đồng với hãng tàu West Capella để khám phá vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa kéo dài nằm phía nam quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Vào ngày 16/4, tàu khảo sát biển Trung Quốc - Haiyang Dizhi 8 - đi cùng với một tàu bảo vệ bờ biển do Bắc Kinh gửi đến tiến sát khu vực khảo sát của Malaysia. Động thái này khiến Mỹ và Úc triển khai tàu chiến đến khu vực, hãng Reuters đưa tin.

Greg Poling - người đứng đầu tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở tại Washington (Mỹ) - nói với Reuters, bế tắc lên đến đỉnh điểm khi tàu Trung Quốc tiếp tục quấy rối các tàu khảo sát tại năm khối dầu ngoài khơi Malaysia.

Tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS America đến căn cứ hải quân Sattahip ở Chonai, Thái Lan, trước cuộc tập trận quân sự 'Cobra Gold' vào ngày 22/2/2020. Nó hiện đang tuần tra ở Biển Đông gần các tàu Trung Quốc.
Tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS America đến căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan, trước cuộc tập trận quân sự "Cobra Gold" vào ngày 22/2/2020. Tàu hiện đang tuần tra ở Biển Đông gần các tàu Trung Quốc.

Ngày 23/4, Haiyang Dizhi 8 vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách khoảng 336km ngoài khơi Borneo, theo số liệu từ trang web theo dõi tàu MarineTraffic.

Tuần này, ba tàu chiến Mỹ và một tàu khu trục Úc đã tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông gần nơi tàu khảo sát dầu khí West Capella của Malaysia đang hoạt động, các quan chức và nguồn tin an ninh cho biết.

Bắc Kinh đã phủ nhận báo cáo về các cuộc quấy rối, nói rằng Haiyang Dizhi 8 đang tiến hành các hoạt động bình thường. Hôm 23/4, Malaysia tuyên bố cam kết bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia - Hishammuddin Hussein - nói: “Trong khi luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và tàu cảnh sát biển ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Ông nói thêm rằng Malaysia duy trì giao tiếp liên lạc mở và liên tục với các bên liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ.

Washington kêu gọi Bắc Kinh ngừng các chiến thuật bắt nạt ở Biển Đông và cáo buộc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại khu vực trong khi các nước khác bận tâm về đại dịch COVID-19.

Tấn Vĩ (Theo NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI