Tăng diện tích trồng lúa để xuất khẩu thêm nhiều gạo

07/08/2023 - 17:12

PNO - Giá gạo trên thế giới đang tăng cao nhưng các doanh nghiệp trong nước lại khó mua được lúa, gạo để xuất khẩu. Để tăng lượng gạo xuất khẩu, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng diện tích từ 650.000ha lên 700.000ha.

Doanh nghiệp khó mua được lúa

Hiện nay, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch vụ lúa hè thu trên tổng diện tích 1,47 triệu héc ta. 

Ông Nguyễn Văn Trung - nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - phấn khởi chia sẻ: “Chưa khi nào giá lúa hè thu lại tốt như năm nay. Giá lúa đầu vụ khoảng 6.200-6.400 đồng/kg, sang tháng 7/2023 tăng lên 6.600-6.700 đồng/kg và nay tiếp tục tăng lên 6.800-7.200 đồng/kg tùy giống. Người làm lúa mừng lắm”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh sản xuất hơn 75.000ha lúa hè thu. Những ngày qua, nông dân đã thu hoạch hơn 60.000ha, lợi nhuận tốt.  

Thương lái ở tỉnh Đồng Tháp đưa ghe đi thu mua lúa của nông dân, cung ứng cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu
Thương lái ở tỉnh Đồng Tháp đưa ghe đi thu mua lúa của nông dân, cung ứng cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu

Tỉnh An Giang có hơn 228.000ha lúa hè thu, sản lượng dự kiến khoảng 1,37 triệu tấn, đang vào cao điểm thu hoạch. Nông dân phấn khởi vì bán lúa được giá nhưng chủ các doanh nghiệp lại than khó thu mua bởi giá lúa tăng liên tục. 

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) - nói: “Giá lúa hàng hóa tăng chóng mặt. Đầu tháng Bảy, các doanh nghiệp mua với giá dưới 7.000 đồng/kg; sang đầu tháng Tám, giá lúa lên 7.400 đồng/kg. Giá cao nhưng muốn mua cũng không phải dễ”. Công ty Quang Phát có 4 nhà máy chế biến gạo, công suất hơn 2.000 tấn/ngày. Do giá lúa tăng hoài và khó thu mua, công ty phải kéo giãn thời gian bán gạo cho các đối tác nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu. Do đó, những doanh nghiệp nào dự trữ nhiều lúa thì ổn định khâu chế biến, xuất khẩu; những doanh nghiệp hết lúa dự trữ gặp khó khăn do phải mua lúa với giá cao để kịp giao hàng cho đối tác. “Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp nên cân nhắc thật kỹ việc ký hợp đồng xuất khẩu và mua lúa. Không nên mua quá nhiều lúa khi chưa có đơn hàng xuất khẩu. Hiệp hội cũng đề nghị chính quyền các địa phương và các hợp tác xã tăng cường thông tin để bà con làm đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, không “lật kèo” khi giá lúa tăng cao”. Hiện các doanh nghiệp ở Thái Lan cũng gặp khó khi mua lúa, nên họ không dám ký nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo.

Tăng cường liên kết 

Phân tích về giá gạo xuất khẩu, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Từ ngày 20/7, sau khi Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo ở Thái Lan tăng khoảng 5 USD/tấn, còn giá gạo Việt Nam tăng chậm hơn.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2023, giá gạo Việt Nam vọt lên mức 590 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, cao nhất trong 11 năm qua và gần bằng giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn). Với những đơn hàng giao trong tháng 8/2023, giá gạo của Việt Nam đã hơn 610 USD/tấn (gạo 5% tấm). Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về 2,58 tỉ USD. Với giá gạo như hiện nay, Việt Nam dư sức xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. 
 

Thu hoạch lúa tại tỉnh Hậu Giang
Thu hoạch lúa tại tỉnh Hậu Giang

Nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới cao, giá tốt là thời cơ cho Việt Nam tăng tốc xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, cục vừa điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha, tăng thêm 50.000ha. “Trong năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng hơn 43 triệu tấn, tăng 452.000 tấn. Từ nay đến cuối năm, nếu không xảy ra thiên tai bất thường thì năm 2023, ngành lúa gạo thắng lớn”. 

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định, trong năm 2023, ngành nông nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ lúa gạo phục vụ xuất khẩu, nhất là trong điều kiện thuận lợi như hiện nay. Về lâu dài, để ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất, thu mua và xuất khẩu.

Hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và xuất khẩu gạo, nhưng lại rất ít doanh nghiệp đầu tư “cánh đồng lớn”, bao tiêu vùng lúa nguyên liệu với nông dân, các hợp tác xã. Do đó, chỉ có khoảng 13% số nông dân trực tiếp bán lúa cho doanh nghiệp, còn lại đa phần bán qua thương lái. Điều này khiến doanh nghiệp không chủ động được nguồn lúa để xuất khẩu. 

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đề án phải liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, từ khâu sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch, xuất khẩu, xóa dần kiểu sản xuất lúa gạo manh mún, nhỏ lẻ, tiến tới sản xuất tập trung, quy mô lớn, có đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng về phân khúc cho từng thị trường xuất khẩu trên thế giới” - ông Trần Thanh Nam thông tin. 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 7/2023, giá lúa nội địa tăng thêm 368-441 đồng/kg so với tháng trước, giá gạo các loại trong nước cũng tăng 850-940 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm 1.300-1.800 đồng/kg, giá gạo các loại tăng thêm 2.400-3.400 đồng/kg, là mức tăng rất cao trong nhiều năm qua. Ngoài ra, ngay khi Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá lúa gạo trong nước tăng nhanh từng ngày.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh: để tận dụng tốt thời cơ xuất khẩu gạo, cần giữ vững và nâng chất lượng gạo. Bộ đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; tập trung khai thác nguồn hàng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với thị trường; chú trọng phát triển thị trường mới giàu tiềm năng; theo dõi chặt thị trường gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng.    

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, chiếm lĩnh các thị trường mới, nâng cao tính cạnh tranh cho gạo Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu đồng thời phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI