Tận tâm với người nghèo

18/06/2015 - 08:07

PNO - PN - Trải qua nhiều gian truân từ thời thơ ấu cho đến khi đã "ngoại ngũ tuần", chị Ngô Thị Vệ (SN 1958) vẫn luôn sống lạc quan, vui vẻ. Bằng nghị lực và ý thức trách nhiệm, chị không chỉ là nhịp cầu giúp nhiều chị em thoát nghèo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tan tam voi nguoi ngheo

Chị Ngô Thị Vệ chăm sóc đàn heo của gia đình

LÀM TRƯỚC NÓI SAU

Tôi về ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM vào một ngày nắng nóng. Rẽ qua Hương lộ 2, thấy vài chị đang cầm bao, chổi cắm cúi dọn mớ rơm rơi vãi trên đường. Vì đã biết mặt từ trước, tôi dễ dàng nhận ra chị Vệ trong số đó. Hỏi làm chi giờ này cho cực, chị cười: “Hễ thấy đường có rác là không chịu được”.

Ở ấp Vân Hàn này, tiêu chí “3 sạch” gồm sạch nhà, sạch đường, sạch hẻm đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người. Không chỉ phụ nữ, cánh đàn ông cũng sẵn sàng xắn tay áo, dọn dẹp vệ sinh hằng ngày, hằng tuần. Chị Nguyễn Thị Gái (SN 1965) nói vui: “Cũng tại bả (chị Vệ - PV) hết đó, “vác tù và” cả chục năm rồi mà đâu có than vãn gì. Thấy bả làm hoài cực quá, chúng tôi muốn góp một tay”.

Đứng cạnh đó, chị Huỳnh Thị Thi Nhân (SN 1973) góp chuyện: “Chị Vệ làm trước nói sau nên chúng tôi phục lắm. Không chỉ cùng mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, chị còn phát động nhiều phong trào ý nghĩa, thu hút nhiều người tham gia. Ví dụ, phong trào hiến máu nhân đạo. Hồi trước, hễ nói tới hiến máu là tôi sợ lắm. Vậy mà, giờ tôi đã hiến máu 16 lần, còn chị Gái cũng 18 lần rồi”.

Chị Vệ là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vân Hàn từ năm 2001. Bị bệnh huyết áp, chân đau và cơ thể yếu, nhưng chị chưa bao giờ nề hà công việc khó khăn, nặng nhọc nào. Để tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên, tặng học bổng cho học sinh nghèo, chị và Hội Phụ nữ ấp thực hiện nuôi heo đất tiết kiệm thông qua việc thu gom ve chai từ nhiều năm nay. Chị đã kiên trì đến từng nhà dân xin chai lọ, sách báo cũ rồi tay xách nách mang lỉnh kỉnh, bán kiếm từng đồng tiền lẻ. Góp gió thành bão, nguồn tiết kiệm tại chi hội ấp Vân Hàn đã giúp nhiều chị em qua cơn thắt ngặt.

Hôn nhân tan vỡ, chị Thi Nhân một mình nuôi con gái nhỏ ăn học. Ngày ấy, trong nhà chị, chẳng có gì quý giá ngoài một cái võng. Chị Nhân thổ lộ: “Ban đầu, chị Vệ bán rẻ heo con để tôi nuôi. Không có tiền mua thức ăn chăn nuôi, chị lại giới thiệu tôi vay vốn tiết kiệm của chi hội. Sau này, bầy heo nhà tôi tăng lên thành chục, trăm và được nhận thêm vốn vay từ các nguồn khác, nhưng ân tình ngày đầu với một, hai triệu đồng của Chi hội Phụ nữ ấp Vân Hàn, tôi không bao giờ quên”.

NGHĨA TÌNH VỚI XÓM GIỀNG

Chị Vệ sinh trưởng trong một gia đình có đến 11 anh em. Cha tham gia cách mạng, chị ở nhà, vừa học vừa làm để phụ mẹ nuôi em. Đến khi lập gia đình, cái gánh áo cơm lại càng trĩu nặng. Chị Vệ bộc bạch: “Trước năm 2005, nhà tôi trống trước hở sau, mỗi khi mưa gió lại dột tứ bề. Tôi làm ruộng, nuôi heo từ nhỏ. Lớn lên trong cảnh nghèo nên tôi rất hiểu, cảm thông với chị em. Khoảng năm 2006, tôi bắt đầu mở rộng chuồng trại nuôi heo với số lượng lên đến cả trăm con. Từ đây, cuộc sống dễ thở hơn”.

Vợ chồng chị Phạm Thị Hồng Đào (SN 1982) đều là công nhân. Thu nhập bấp bênh lại thêm hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nên đời sống rất khó khăn. Đầu năm 2013, căn nhà nhỏ của chị Đào cháy rụi. Cả gia đình lâm cảnh cùng quẫn. Hay tin, một mặt chị Vệ tự bỏ tiền ra mua gạo, mắm muối mang đến hỗ trợ; mặt khác, chị báo cáo với Hội Phụ nữ xã và vận động chị em hội viên ít quần áo, tiền để giúp chị Đào. Nhờ đó, chị Đào đã có căn nhà tình thương khang trang, phần nào ổn định cuộc sống mới.

Cụ Nguyễn Thị Te (75 tuổi) bị mờ hai mắt, thêm bệnh huyết áp, đi lại khó khăn. Hằng tháng, không chỉ đến thăm hỏi, động viên, chị Vệ còn mang thuốc men, tiền bạc biếu cụ. Nhắc đến chị Vệ, cụ Te cứ xuýt xoa: “Vệ chẳng khác gì con ruột, chăm sóc, lo lắng cho tôi. Cô ấy giàu có gì đâu, nhưng ở cái ấp này, Vệ đối với mọi người rất tốt. Có khi, nhà người ta bệnh hoạn phải đi cấp cứu gấp nhưng không có tiền, Vệ đưa ngay, chẳng tính toán thiệt hơn. Rồi thì quần áo, sách vở cho mấy đứa nhỏ vượt khó học giỏi, cô ấy cũng giúp”.

Không có ruộng đất canh tác, chị Ngô Thị Gái phải thui thủi trong nhà lo cơm nước cho chồng và ba đứa con. Chồng chị làm phụ hồ, khi có việc khi không. Muốn tạo việc làm cho chị Gái, chị Vệ không ngần ngại mang một cặp heo con đến... biếu. Từ “vốn lận lưng” này, đến năm 2014, chị Gái đã bán đàn heo để mua bò về nuôi. Chị Võ Thị Oanh Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lập Thượng cho biết: “Chính những nỗ lực không mệt mỏi của chị Vệ đã góp phần quan trọng đưa hoạt động Hội cơ sở đi lên và ngày càng thu hút thêm nhiều hội viên mới”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI