Tâm sự của F0: Tôi đã tuyệt vọng khi tìm bệnh viện cho ba

27/09/2021 - 17:59

PNO - Khi cả nhà mắc COVID-19, tôi đã nghĩ: “Đáng lẽ mình phải dành nhiều thời gian cho gia đình hơn thay vì lo công việc và bạn bè…"

Mời bạn chia sẻ câu chuyện chiến đấu với bệnh tật, vượt qua nghịch cảnh của mình và người thân. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

Các bài được chọn sử dụng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.

Nơi tôi ở, người dân đa phần là người lao động hoặc kinh doanh dịch vụ ăn uống, hẻm thông hẻm, nhà san sát nhà. Vì vậy, tôi đã quán triệt với gia đình áp dụng 5K triệt để, không ra khỏi nhà trừ phi thật cần thiết, nhu yếu phẩm đều là đặt trên Internet hoặc ứng dụng mua hàng.

Người duy nhất ra khỏi nhà là tôi, một nhân viên tuyến đầu đã tiêm mũi vắc xin Astra vào tháng Sáu. Ấy vậy mà một ngày, khi gia đình tôi đi tiêm vắc xin mũi đầu tiên tại một bệnh viện, ba tôi đã nhiễm COVID-19.

Sài Gòn quạnh hiu trong cơ bão COVID-19
Sài Gòn quạnh hiu trong cơ bão COVID-19

Tôi vẫn nhớ hôm đấy là ngày bế mạc Olympic tại Nhật Bản, khi cả nhà cùng quay quần bên mâm cơm xem buổi lễ thì ba bỏ bữa và lên phòng sớm. Những ngày sau đó, ba bắt đầu ho nhiều, khan tiếng, chán ăn và mệt mỏi.

Cảm thấy bất thường, nhưng tự trấn an rằng đó là phản ứng phụ sau tiêm hoặc ba đau họng như những lần khác, tôi cũng chủ quan không mua que thử về test mà chỉ mua sữa nước để ba uống lại sức.

Đến ngày 13/8, tình trạng ba xấu đi, tiêu chảy, vẫn bỏ ăn, đi đứng khó khăn và thể hiện đầy đủ các triệu chứng COVID-19 mà báo đài vẫn thường nói. Tôi quyết định tự đi mua que test về thử cho gia đình.

Các hiệu thuốc trong quận đều đã hết bộ kit xét nghiệm, tôi lo lắng chạy sang khu trung tâm thành phố, nơi một chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc vẫn hoạt động và còn hàng. Trên đường về, nhìn cảnh từng đàn chim bồ câu sà xuống mặt phố đi bộ vắng lặng, tôi tự trấn an mình rằng mọi thứ sẽ ổn.

Không ngoài dự đoán, ba tôi dương tính với COVID-19 và có dấu hiệu chuyển nặng.

Ngay lập tức, tôi liên hệ với y tế phường để nhờ họ test kiểm tra và giúp đỡ, nhưng tôi nhận được câu trả lời: “Bên em giờ chỉ còn một người trực, anh đem bác ra đây thì em test”. Điều này tôi không thể thực hiện vì lúc ấy ba bất hợp tác - một sự khó chịu của người già, và ông cũng không thể di chuyển vì chân đã yếu sau 1 tuần bỏ bữa.

Nhờ vả bạn bè và người thân là bác sĩ, tôi có được đơn thuốc điều trị cho F0 tại các bệnh viện dã chiến. Vì có kết quả test nhanh âm tính, tôi lại chạy đi gom thuốc cho đủ 5 phần, dự trù cho 5 người trong suốt 14 ngày, mua thêm cả nhiệt kế và dụng cụ đo oxy máu ngoại biên SPO2.

Chiều hôm đó, ba tôi trở nặng, người run từng chập, lắp bắp không nói thành lời, SPO2 rớt xuống mức 88-90. Mức độ mà theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và Mỹ là nặng và cần chăm sóc y tế.

Bằng mọi mối quan hệ có thể, từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân ở nước ngoài, tôi tìm cách gọi xe đưa ba đi cấp cứu tại bệnh viện sau khi y tế phường tiếp tục từ chối can thiệp.

Với mức giá mở cửa xe 2 triệu đồng, tôi đưa ba sang một bệnh viện tư nhân nước ngoài nổi tiếng ở quận 7 nhờ mối quan hệ của một anh làm chung. Đến nơi, bảo vệ không đồng ý tiếp nhận và báo rõ rằng hiện tại họ đang quá tải, bệnh nhân vẫn nằm chờ ở hành lang.

Nghĩ đến viễn cảnh “vào dễ ra khó”, anh tài xế xe cấp cứu gọi điện hỏi đồng nghiệp và đề nghị đưa ba tôi sang bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với mức phí tăng thêm 1 triệu đồng. Lúc ấy đã là 17 giờ 40 phút, sắp đến giờ giới nghiêm. Gia đình đồng ý, và tôi nhận thấy mẹ với chị đi cùng xe bắt đầu có dấu hiệu nhiễm.

Những chuyến xe sau 18 giờ, ít nhiều đều vì hai chữ sống còn.
Những chuyến xe sau 18 giờ, ít nhiều đều vì hai chữ sống còn.

Trên chiếc xe máy, tôi chạy vội theo xe cứu thương đến bệnh viện. Dường như nhờ khí trời trong lành không khói bụi mà nồng độ oxy trong máu của ba cải thiện. Nhưng vì cải thiện (96%) mà bị bệnh viện “chê” vì còn cao và được khuyến nghị quay về điều trị tại nhà.

Nghĩ đến nguy cơ trở nặng, tôi đánh liều nhờ tài xế chở ba sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi xe vào được đến cổng cấp cứu, một y tá từ chối tiếp nhận, thậm chí còn không ra xem tình trạng bệnh nhân thế nào. Anh này chỉ nói đơn giản: “Về phường xử lý”.

Nhìn vào bên trong, bệnh nhân nằm trên xe giường tràn cả ra hành lang. Mệt mỏi sau chuyến đi một vòng thành phố, ba tôi yêu cầu quay xe về lại nhà. Mọi người đồng ý vì không còn cách nào khác.

Lúc này chuông đồng hồ điểm 18 giờ, đã đến giờ giới nghiêm, thành phố gần như chỉ còn tiếng còi xe cấp cứu và những nhân viên tuyến đầu mệt mỏi chạy đến nơi cần họ. Trên đường về, qua những chốt chặn, nhìn những con đường quen thuộc vốn đông đúc nay bỗng tĩnh mịch.

Tôi ngước nhìn bầu trời xanh xám lất phất mưa bay và nhận ra: Hạnh phúc nhất là bữa cơm tối ở nhà cùng gia đình. Điều mà tôi bỏ lỡ đã lâu…

Sài Gòn thứ Sáu ngày 13/8, một ngày cô đơn, hiu quạnh và bất lực đến tột cùng.

N.H.M (Q.4, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI