Tại sao mắc bệnh tiểu đường lại dễ gây mù lòa?

14/11/2022 - 06:54

PNO - Bệnh võng mạc là một trong những biến chứng phổ biến trên mắt ở bệnh nhân đái tháo đường, người mắc bệnh đái tháo đường từ sau 10-15 năm có tỉ lệ bị bệnh võng mạc lên đến 90%.

Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, bà được phát hiện mắc bệnh tiểu đường đã 15 năm. Dạo này, mẹ tôi kêu nhìn bị mờ, trong lần tái khám gần nhất thì bác sĩ chẩn đoán bà bị biến chứng của bệnh đái tháo đường gây tổn thương võng mạc. Bác sĩ nói nếu không kiểm soát tốt đường huyết thì nặng nhất mẹ tôi có thể bị mù lòa. Tại sao bệnh nhân tiểu đường lại dễ bị mù lòa? Làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

Trần Ngọc Tuyết (quận 6, TPHCM)

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Luân - Khoa Mắt Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - trả lời: Bệnh võng mạc là một trong những biến chứng phổ biến trên mắt ở bệnh nhân đái tháo đường. Các thống kê cho thấy, người mắc bệnh đái tháo đường từ sau 10-15 năm có tỉ lệ bị bệnh võng mạc lên đến 90%. 

Việc thăm khám ở giai đoạn đầu của bệnh có thể giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương đặc hiệu trên võng mạc, từ đó kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, chưa bị phù hoàng điểm, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu. Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường tăng sinh, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng laser quang đông, tiêm thuốc vào nhãn cầu hoặc phẫu thuật. Cảnh báo đầu tiên của biến chứng ở mắt do bệnh đái tháo đường gây ra là hiện tượng nhìn mờ. Sở dĩ người bệnh nhìn mờ là do lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể của mắt bị sưng. 

Để kiểm soát bệnh và can thiệp các biến chứng kịp thời, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân đái tháo đường phải tuân thủ tái khám định kỳ để kiểm soát thật tốt chỉ số đường huyết. 

Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI