'Tại sao không có danh họa nào là phụ nữ?'

13/11/2019 - 18:07

PNO - Michael Klein - người đứng đầu hãng đấu giá Sotheby's nói với CNN: “Lợi nhuận từ các tác phẩm của họa sĩ nữ ngày càng cao cho thấy nhu cầu thị trường đấu giá tranh đang tăng và tập trung vào nữ giới”.

Frida Kahlo, Grandma Moses, Georgia O’Keeffe, Kusama Yayoi... là những nghệ sĩ nữ hiếm hoi được giới nghệ thuật công nhận, nhưng vẫn còn rất nhiều cái tên tài năng như Clara Peeters, Élisabeth Louise Vigeé Le Brun, Florine Stettheimer... chìm trong quên lãng.

Sự bất bình đẳng kéo dài vài thế kỷ

Nghiên cứu của giáo sư toán học và thống kê tại Trường đại học cộng đồng Williams vào đầu năm 2019 đã chỉ ra, trong dữ liệu về các bộ sưu tập tranh từ 18 tổ chức nghệ thuật lớn trên thế giới, tác phẩm của nam nghệ sĩ chiếm 87%. Trên sàn đấu giá, số lượng tác phẩm của nữ nghệ sĩ chỉ chiếm 2% so với giá tranh trung bình trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số này cũng phân bổ không đồng đều. 40,7% trong đó thuộc về 5 cái tên nổi tiếng mà nổi bật nhất là họa sĩ Nhật Bản - Kusama Yayoi.

'Tai sao khong co danh hoa nao la phu nu?'
Một bức tranh của nữ họa sĩ người Tây Ban Nha sống vào thế kỷ XVII Clara Peeters trong triển lãm tại Bảo tàng Prado năm 2016

Theo khảo sát tại 26 bảo tàng, 2 tổ chức nghệ thuật ở Mỹ - In Other Words và Artnet News - phân tích thị trường nghệ thuật toàn cầu trong giai đoạn 2008-2018, chỉ có 11% tác phẩm nghệ thuật của phụ nữ được mua lại vĩnh viễn, tương đương 29.247 tác phẩm được bán ra trong số 260.470 tác phẩm trên toàn thế giới. 14% triển lãm được tổ chức là của tác giả nữ hoặc do các nhóm nghệ sĩ nữ cùng tổ chức. Các tác phẩm của họa sĩ nữ bao giờ cũng có giá thấp hơn đáng kể so với tác phẩm của họa sĩ nam. Một tác phẩm của họa sĩ nữ thường có giá trung bình 39.000 USD, trong khi tác phẩm của họa sĩ nam là 46.000 USD. Rõ ràng, luôn tồn tại một sự thiên lệch về giới khó quân bình giữa tác phẩm của nam và nữ họa sĩ, dù tài năng và sự ảnh hưởng của nữ họa sĩ lên nghệ thuật là không thể phủ nhận. Đến mức trong một bài luận văn, nhà sử học Linda Nochlin phải thốt lên rằng: “Tại sao không có danh họa nào là phụ nữ?”.

Nguyên nhân của sự bất cập này là bởi ảnh hưởng từ những thế kỷ trước, phụ nữ không được quyền tiếp cận giáo dục nghệ thuật chính quy. Họ hoặc chỉ có thể vẽ trong âm thầm, rồi bị quên lãng vì không tìm được nơi trưng bày tranh, không được các đồng nghiệp nam thừa nhận, bị ganh ghét, hoặc buộc phải ký tên tác phẩm dưới tên chồng.

Trường hợp của Clara Peeters - nữ họa sĩ người Tây Ban Nha sống vào thế kỷ XVII, tiên phong trong hình thể và nội dung hội họa thời bấy giờ là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân thứ hai khiến sự nghiệp của các nữ họa sĩ bị gián đoạn, là họ phải thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ. Đến khi trở lại với nghệ thuật thì sức sáng tạo đã không còn dồi dào như thời son rỗi. Các nữ họa sĩ như Stettheimer, Torr, Marguerite Zorach đều là những tên tuổi lớn trong các hoạt động vì quyền lợi phụ nữ, nhưng đáng tiếc, hội họa chỉ là ưu tiên thứ hai của họ sau gia đình.

Nỗ lực của nhà trưng bày

Gần đây, khi tiếng nói nữ giới trong các lĩnh vực bật lên mạnh mẽ, thì tác phẩm của các nữ họa sĩ bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Họ được tạo điều kiện mang tác phẩm của mình đến với công chúng quốc tế qua các triển lãm. Kèm theo đó là chia sẻ về tiến trình nữ quyền, sự bất công mà các nữ họa sĩ phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử hội họa. Hồi tháng Ba năm nay, một loạt các triển lãm từ Los Angeles đến Boston, Chicago và New York đã được tổ chức.

Nổi bật trong số này là nữ họa sĩ Adia Millett với Các mô hình phá vỡ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ gốc Phi, California. Từ ảnh ghép trừu tượng đến những bức tranh lấp lánh trên vải, tác phẩm của cô làm nổi bật lịch sử của các mẫu chăn được sử dụng bởi phụ nữ Mỹ gốc Phi trong hơn 200 năm qua, từ đó kể những câu chuyện về lịch sử.

Trước đó, một số nữ họa sĩ khác như Clara Peeters với các bức họa tĩnh vật nổi bật giữa thế kỷ XVII lần đầu có buổi triển lãm solo tại Bảo tàng Prado danh giá của Tây Ban Nha vào tháng 10/2016, Le Brun được Bảo tàng Grand Palais vinh danh vào năm 2015. Năm 2017, Bảo tàng Nghệ thuật Portland tổ chức chương trình mang tên Women Modernists of New York, vinh danh những nữ họa sĩ đương đại như: Stettheimer, Torr, Zorach, O’Keefe.

Phân tích doanh số lặp lại giữa năm 2012 và 2018, các nhà nghiên cứu nhận ra, tác phẩm của các họa sĩ nữ tăng giá trị đáng kể hơn so với các tác phẩm của họa sĩ nam. Trong 50 năm trước năm 2012, Sotheby's nhận định doanh số bán đấu giá các tác phẩm của họa sĩ nam và họa sĩ nữ có tỷ lệ xấp xỉ nhau. Tuy nhiên, giai đoạn giữa năm 2012 và 2018, tác phẩm của các họa sĩ nữ đã tăng giá trị trung bình lên đến 72,9%, con số này ở các họa sĩ nam là 8,3%.

Michael Klein - người đứng đầu hãng đấu giá Sotheby's nói với CNN: “Lợi nhuận từ các tác phẩm của họa sĩ nữ ngày càng cao cho thấy nhu cầu thị trường đấu giá tranh đang tăng và tập trung vào nữ giới”. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng và là nỗ lực không hề nhỏ của những người yêu nghệ thuật, đồng thời trân trọng đóng góp của các nữ họa sĩ cho giới nghệ thuật. Nó cũng góp phần mở ra tương lai mới cho những nữ họa sĩ vẫn còn đang bị lãng quên. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI