Tai nạn rình rập từ thiết bị rò điện

20/12/2018 - 10:00

PNO - Có nhiều tình huống điện giật vô cùng nguy hiểm xảy ra trong gia đình do điện rò từ bình nước nóng, máy giặt, quạt điện…

21g ngày 17/12, ông B. (ngụ tại TP.Hà Nội) bật bình nước nóng, định xả nước vào bồn tắm. Chưa kịp tắm, chỉ mới đụng tay vào vòi hoa sen, ông đã bị điện giật ngã xuống đất. Nghe tiếng hét, vợ ông B. chạy vào thì hệ thống CB điện (thiết bị đóng cắt điện tự động) mới cúp. May mắn, vòi hoa sen vẫn cài trên tường nên khi nạn nhân ngã xuống dây vòi đã tuột ra khỏi tay, nhờ thế không nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, hai vai của ông bị điện làm bỏng, dù bàn tay mới là nơi tiếp xúc và bị giật. Sáng hôm sau, ông B. vào bệnh viện kiểm tra và được xác định bỏng độ 2, yêu cầu chăm sóc và theo dõi vết thương đề phòng hoại tử mô ở sâu bên trong. 

Tai nan rinh rap tu thiet bi ro dien
Vết bỏng trên vai ông B. do bị điện giật từ bình nước nóng trong nhà tắm

Thạc sĩ - bác sĩ Phan Thái Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, nơi đây cũng đã tiếp nhận ca bị điện giật lúc tắm. Đó là trường hợp ông N., 72 tuổi, bật bình nước nóng rồi vào mở vòi sen tắm. Ông N. đang tắm giữa chừng thì bị điện giật, ngã đập ngực xuống sàn nhà. May mắn hệ thống CB ngắt điện kịp thời, cụ ông thoát chết nhưng bị gãy một xương sườn do chấn thương lúc ngã.

Theo bác sĩ Sơn, bị điện giật từ bình nước nóng khi tắm xảy ra hai trường hợp: chết ngay tại chỗ, hoặc thoát được nhờ CB kịp ngắt điện. Khi thoát chết, bệnh nhân thường bị bỏng độ 1-2 (nếu bỏng độ 3 đa phần đều tử vong vì thời gian tiếp xúc với dòng điện quá lâu). Nạn nhân thấy chỉ bỏng nhẹ ngoài da, rất ít khi đi khám do tâm lý chủ quan.

Họ không hiểu rằng, hậu quả điện giật để lại rất nhiều di chứng. Với trường hợp ông B. nói trên, điểm tiếp xúc với điện là bàn tay nhưng lại xuất hiện vết phỏng ở hai vai, bác sĩ Sơn giải thích, đó là cơ chế đầu vào và đầu ra của dòng điện. Điểm tiếp xúc với điện là đầu vào, vị trí chạm mát là đầu ra (chỗ da mỏng dễ bị), vì thế mới xuất hiện vết bỏng cách xa như thế.

Ngoài điện giật do bình nước nóng rò điện, các bác sĩ thỉnh thoảng vẫn ghi nhận những trường hợp điện giật từ máy giặt, quạt điện… Như trường hợp bệnh nhân P.T.M., 35 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM).

Tai nan rinh rap tu thiet bi ro dien

Anh M. xịt nước rửa xe máy trong ga-ra của gia đình. Ai ngờ, điện từ phích cắm quạt mát bị rò nên khi anh M. xịt nước xuống sàn, lập tức bị giật bắn người, ngã ngay xuống đất. Nạn nhân được bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận và cứu chữa. Sau khi xuất viện, anh M. về nhà xem xét lại đã phát hiện dây điện của chiếc quạt có đoạn bị chuột cắn hở cả lõi đồng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận trên ba mươi ca tai nạn điện giật do các thiết bị sinh hoạt. Trong số đó, bỏng do bình nước nóng khoảng 2-3 ca. Tỷ lệ tử vong do điện giật đưa vào bệnh viện chiếm 50% (nạn nhân đã chết ngay tại hiện trường hoặc trên đường đi cấp cứu). 

Sơ cứu khi bị điện giật

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử hướng dẫn cách sơ cứu và theo dõi sau khi bị điện giật như sau:

- Khi phát hiện người bị điện giật, không được lao vào mà cần chạy ngay tới chỗ cầu dao để ngắt điện.

- Sau khi ngắt điện, nếu thấy nạn nhân khó thở hoặc bất tỉnh phải làm các động tác hồi sức hà hơi thổi ngạt, vừa xoa bóp lồng ngực, vừa hô hoán người ứng cứu, tiếp đến là gọi xe cấp cứu. Trong quá trình chờ xe cấp cứu hoặc di chuyển tới bệnh viện vẫn phải liên tục hà hơi thổi ngạt, xoa ấn ngực.

- Cho dù bệnh nhân tỉnh táo vẫn nên đến bệnh viện kiểm tra. Vết bỏng do điện rất phức tạp, nhìn bên ngoài nhẹ nhưng có thể bỏng mô bên trong.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI