Suốt 20 năm, tôi chỉ sống trong nơm nớp lo sợ "mẹ giận"

04/03/2023 - 15:00

PNO - Cháu hãy lựa lúc mẹ vui vẻ để tâm sự với mẹ, rằng các con khổ sở, lo lắng, hoang mang ra sao mỗi lần mẹ im lặng.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu 30 tuổi, kết hôn đã 2 năm. Mẹ cháu từng bị ba phản bội khi anh em cháu còn nhỏ. Khi ấy, cháu học cấp II, hận ba vì đã phá vỡ gia đình nên nguyện sống để làm chỗ dựa cho mẹ.

Việc nhà nông nặng nhọc nhưng thu nhập rất thấp, để nuôi 4 đứa con, mẹ thực sự vất vả. Cháu vì thương mẹ nên đi làm sớm để san sẻ cùng mẹ gánh nặng gia đình.

Mẹ cháu rất hay giận. Mỗi lần giận mẹ lại im lặng, làm các con phải cuống cuồng sửa sai, tìm cách làm vui lòng mẹ. Hầu như cả bốn anh em cháu đều rất sợ mẹ giận. Dù nhà nghèo, nhưng cực kỳ nền nếp vì các con đều nhìn nét mặt của mẹ mà nói năng, hành xử. Nhưng khi đã có gia đình, cháu nhận ra mẹ khá vô tình, ích kỷ.

Vợ cháu là người xứ khác, lúc cô ấy sinh con, mẹ cháu tuyên bố “phải sinh ở nhà chồng, vì nếu về nhà đẻ thì mẹ không đi thăm được". Đồng thời, mẹ cũng “nói trước là mẹ không chăm cháu được". Cháu chấp nhận chuyện bà nội không giúp giữ cháu. Nhưng ngay cả khi vợ chồng cháu tự chăm con, mẹ cũng tạo rất nhiều áp lực trong âm thầm, bằng việc thay đổi sắc mặt.

Nhiều lúc cháu về nhà, nghe vợ nói “bà nội không ăn trưa, chỉ nằm trong phòng". Cháu tìm hiểu thì biết mẹ giận vì cháu đã vô tình nói gì đó không vừa ý mẹ. Dù cháu đã xin lỗi, mẹ vẫn im lặng dài ngày, sau rất nhiều sự quan tâm, thành ý của các con, mẹ mới bình thường trở lại.

Cuộc sống chúng cháu có rất nhiều áp lực. Bản thân mẹ cũng hiểu chuyện, nhưng mẹ đem sự hiểu chuyện ấy làm một loại quyền lực mềm rất uy hiếp tinh thần. Vợ cháu vốn rất thương mẹ, nhưng dần dần cô ấy cũng bị stress vì sợ mẹ giận.

Sau 20 năm sống trong nỗi sợ mẹ giận, cháu thực sự kiệt sức. Cháu bây giờ không còn muốn làm mẹ hết giận, chỉ luôn chán nản, thậm chí oán trách mẹ sao không dễ dàng với con cái một chút, để cuộc sống đỡ ngột ngạt, khó khăn.

Tuấn Vũ (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuấn Vũ mến,

Rõ ràng cháu vẫn rất thương mẹ. Mẹ cũng thương và kỳ vọng nhiều ở các cháu. Nhưng cách thể hiện buồn/vui của mẹ đã vô tình tạo nên căng thẳng, áp lực cho các con.

Có lẽ, tan vỡ hôn nhân cùng giai đoạn khó khăn cùng cực khi làm mẹ đơn thân đã tạo cho mẹ một sự mặc định tình cảm lớn với các con. Mẹ đã hy sinh cả đời cho việc cơm áo nuôi con và mặc định các con phải có sự thông hiểu tuyệt đối với mẹ. Hạnh Dung tin cháu hiểu điều này.

Im lặng là một hình phạt rất nặng nề với những người thương nhau. Cháu hãy lựa lúc mẹ vui vẻ để tâm sự với mẹ, rằng các con khổ sở, lo lắng, hoang mang ra sao mỗi lần mẹ im lặng. Hãy nói cho mẹ biết rằng sự im lặng không khiến chuyện tốt hơn, chỉ làm mất thời gian vui vẻ bên nhau. Hãy nói rằng cháu muốn tận dụng tối đa thời gian bên mẹ để trò chuyện, gắn kết, yêu thương.

Cháu hãy đề ra nguyên tắc để mẹ và con chia sẻ với nhau mỗi lúc buồn giận và tôn trọng những phút yên tĩnh của nhau. Nếu mẹ im lặng, các con sẽ tự hiểu rằng mẹ cần yên tĩnh. Nếu mẹ có điều không vừa ý, mẹ nên chủ động chia sẻ với các con. Hãy tạo không gian giao tiếp đủ vui vẻ và cởi mở để chia sẻ những điều trên, nhằm đạt được sự thống nhất của mẹ rồi thực hiện theo những điều đã thống nhất.

Khi mẹ im lặng, hãy tin rằng mẹ đang cần yên tĩnh để vượt qua cảm xúc (dù đó là cảm xúc gì). Cháu vẫn thể hiện sự quan tâm của một người con như ngày thường, nhưng không bị xáo trộn và thôi thúc phải dỗ dành mẹ như trước.

Hạnh Dung tin, dù thời gian im lặng có thể kéo dài, rồi mẹ cũng sẽ vượt qua để có thể chia sẻ cùng con như đã cam kết. Từ đó, từng người mới có thể thích nghi và sống tốt trước những áp lực mới của cuộc sống.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhopthuhanhdungvi /strCate=hopthuhanhdung
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchatvoihanhdungvi /strCate=chatvoihanhdung