Sức khỏe tâm thần: Đã đến lúc cần được chăm sóc khẩn cấp

12/08/2021 - 07:09

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sớm tuyên bố rằng dịch vụ sức khỏe tâm thần nên được coi là một phần thiết yếu cần được duy trì thời đại dịch. Nhiều nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy, các dịch vụ tâm thần cần được chuyển thành chăm sóc sức khỏe khẩn cấp ở nhiều quốc gia.

Theo báo cáo của WHO, từ tháng 3/2020 trở đi, tỷ lệ thuận với sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 là sự gia tăng lo âu, trầm cảm. Ví dụ, ở Úc, Bỉ, Pháp, Ý, Thụy Điển, Mexico, New Zealand, Canada, Vương quốc Anh và Mỹ, tỷ lệ lo âu trong người dân vào đầu năm 2020 cao gấp đôi hoặc hơn so với những năm trước. 

Hơn 42% số người được Cục Điều tra dân số Mỹ khảo sát vào sáu tháng cuối năm 2020 và giữa năm 2021 cho biết, họ có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trong 12 tháng, tăng so với 11% của năm trước. Nhà tâm lý học lâm sàng Luana Marques tại Trường Y Harvard (Mỹ), người đang theo dõi các tác động đến sức khỏe tâm thần của cuộc khủng hoảng đối với người dân Mỹ và các nơi khác, cho rằng: “Tôi không nghĩ điều này sẽ sớm quay trở lại mức cơ bản trong thời gian ngắn”.

Bị hạn chế các hoạt động xã hội, thất nghiệp, lo âu dịch bệnh… là các yếu tố khiến tình trạng sức khỏe tâm thần của thế giới đang ở mức báo động
Bị hạn chế các hoạt động xã hội, thất nghiệp, lo âu dịch bệnh… là các yếu tố khiến tình trạng sức khỏe tâm thần của thế giới đang ở mức báo động

Bác sĩ tâm thần Marcella Rietschel tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương ở Mannheim (Đức), cho biết: cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tăng các yếu tố rủi ro liên quan đến sức khỏe tâm thần như không an toàn về tài chính, thất nghiệp, sợ hãi. Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy người trẻ tuổi dễ bị tổn thương tâm lý hơn người lớn. Dữ liệu cũng cho thấy phụ nữ trẻ dễ bị tổn thương hơn nam thanh niên và người có con nhỏ, hoặc mắc chứng rối loạn tâm thần nguy cơ đặc biệt cao đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần

Khi sức khỏe tâm thần ngày càng trầm trọng, đại dịch vẫn chưa lắng xuống, sự cô lập vẫn bị siết chặt, nhiều người đã không chịu nỗi áp lực và cuối cùng phải tìm đến cái chết để giải thoát. Theo thống kê, những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch đối diện với vấn nạn tự tử cao. Cuối tháng 6/2021, WHO báo cáo cứ 100 ca tử vong toàn cầu thì có 1 ca là do tự tử, đồng thời cảnh báo đại dịch làm tăng các yếu tố tác động dẫn tới hành vi tự tử.

Nhật Bản vẫn đứng đầu thế giới về tỷ lệ tự tử. Điều đáng buồn là trong đại dịch, tỷ lệ phụ nữ tự tử tăng một cách đáng báo động. Trong tháng 5/2021, nước này có 603 phụ nữ tự tử, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn lại một năm sau đại dịch, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản mỗi tháng đều tăng. 

Tại Indonesia, tâm chấn mới của đại dịch, trong số ca tử vong hằng ngày, số ca tự tử chiếm tỷ lệ không ít. “Mỗi ngày chúng tôi xử lý từ 20 - 30 người chết vì tự tử”, Darsiman, một nhân viên mai táng ở Jakarta, cho biết.

Trong khi đó, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cảnh báo tình trạng lo âu ở nhóm vị thành niên rất nghiêm trọng, dẫn tới số vụ tự tử ở nhóm đối tượng này tăng đáng báo động. Từ đầu tháng 5/2020, số vụ hỗ trợ khẩn cấp liên quan hành vi tự tử ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 17 bắt đầu tăng. Đáng chú ý, từ ngày 21/2 - 20/3/2021, tỷ lệ này tăng đến 51% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhiều nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần kêu gọi mọi người quan tâm đến “dịch bệnh” này khẩn cấp như với COVID-19. WHO đã công bố một loạt hướng dẫn với tên gọi “Live Life” nhằm tăng cường các biện pháp giúp ngăn ngừa tự tử; đồng thời nhấn mạnh vai trò của truyền thông, kêu gọi tránh đưa tin quá chi tiết về những vụ việc thương tâm gây tác động tiêu cực đến tâm lý vốn đang bị tổn thương của nhiều người. 

Thảo Nguyễn (theo The Guardian, OCDC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI