Sự thật dưới gốc phượng vĩ cổ còn lại ở trường Bạch Đằng

28/05/2020 - 11:02

PNO - Nhiều người phản đối việc đốn hạ cây phượng vĩ còn lại ở trường Bạch Đằng vì cho rằng cây còn xanh tốt, nhưng sự thật không phải như vậy.

Đến sáng 28/5, thông tin về cây phượng vĩ cổ thụ còn lại trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM), nơi một cây phượng bật gốc đè chết một học sinh và làm bị thương nhiều học sinh khác vào ngày 26/5, bất ngờ bị đốn hạ tiếp tục được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Đa số đều tỏ ra nuối tiếc, bất bình.

“Chiều nay đi đón con, thấy cây phượng còn lại đã bị đốn rồi, chỉ còn một đoạn thân và phần gốc. Con gái bước ra, mặt buồn thiu, bảo rằng đốn cây phượng xong con thấy ngột ngạt quá. Chắc chắn là thế, còn nguồn oxy tự nhiên nào đâu!”, một phụ huynh bày tỏ cảm xúc của mình.

Hình ảnh cây phượng còn lại ở trường Bạch Đằng bị đốn hạ vào chiều 27/5 được chia sẻ trên mạng xã hội.
Hình ảnh cây phượng vĩ còn lại ở trường Bạch Đằng bị đốn hạ vào chiều 27/5 được chia sẻ trên mạng xã hội

Không chỉ tiếc nuối, nhiều người còn bày tỏ sự tức giận và phẫn nộ vì cho rằng cây phượng này còn tươi tốt, việc đốn hạ chỉ là sự hèn nhát và muốn thoái thác trách nhiệm sau vụ cây ngã đè chết học sinh trong trường này.

 Nhiều ý kiến cho rằng cây phượng này còn xanh tốt, không nên đốn hạ
Nhiều ý kiến cho rằng cây phượng vĩ này còn xanh tốt, không nên đốn hạ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị đốn hạ cây phượng vĩ cổ thụ còn lại trong trường Bạch Đằng là Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM. Trước khi đốn hạ, cán bộ kỹ thuật của công ty đã kiểm tra và nhận định cây bị sam gốc, mục rễ.

Qua hình ảnh chúng tôi cung cấp, nhiều chuyên gia về lĩnh vực cây xanh cũng nhận định, cây phượng vĩ còn lại ở trong trường Bạch Đằng bị mục gốc rất nguy hiểm và việc đốn hạ là đúng và kịp thời.

Sau khi đốn hạ, công nhân đào gốc cây phượng lên để kiểm tra...
Sau khi đốn hạ, công nhân đào gốc cây phượng lên để kiểm tra...

 “Nếu so với cây phượng đã ngã gây tai nạn, cây phượng còn lại bệnh còn nặng hơn. Cây này toàn bộ rễ gần như mục nát, nếu không đốn khẩn cấp, chỉ cần mưa gió nhẹ, cây cũng sẽ bật gốc, đổ ập xuống sân trường”, một kỹ sư của Công ty Công viên Cây xanh giải thích.

Sự thật là toàn bộ rễ cây đã mục nát, cây có thể bật gốc bất cứ lúc nào
Toàn bộ rễ cây phượng thứ 2 đã mục nát, cây có thể bật gốc bất cứ lúc nào

“Cây này nếu không đốn ngay thì rất nguy hiểm vì bộ rễ gần như mục hết. Nhiều người không có chuyên môn, thấy cây tươi tốt như thế ai cũng tưởng cây đang phát triển bình thường, có thể trước vụ cây ngã gây tai họa, nhà trường cũng nghĩ thế. Do đó, sau sự việc này, cần xem lại công tác chăm sóc cây ở các trường học trên địa bàn TPHCM. Nếu không sẽ rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị, bày tỏ.

Trung Thanh

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Quang Minh 28-05-2020 13:24:22

    Tp nên chỉ đạo khảo sát xem xét kỹ toàn bộ số cây trong khuôn viên các trường học để có hướng xử lý kịp thời tránh tai họa đau lòng như sự việc vừa qua

  • Kim 28-05-2020 11:54:36

    Vậy phải trồng cây phượng khác chứ a. Loại cao khoảng 50- 60 - 70cm. Trồng cây nhỏ, bé xíu, các thầy cô, các học sinh ở trường, sẽ được nhìn thấy cây phượng dễ thương lớn lên từng ngày, từng ngày. Ký ức về chuyện đau lòng vừa qua sẽ được xoa dịu phần nào...

    • Bạn đọc X

      Một cây phượng đè chêt một đứa trẻ và bạn vẫn muốn người khác ngày ngày nhìn thấy cây phượng. Đau thương chưa đủ hay sao còn muốn gợi nhớ về tai nạn kinh hoàng.

  • Huỳnh My 28-05-2020 11:16:35

    Sao phụ huynh cái giống gì cũng nói được hết vậy? Không đốn cây sợ nguy hiểm, đốn thì kêu ngột ngạt. Mệt mấy người quá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI